Nhiều cơ hội cho công nghiệp phụ trợ
Nếu biết nắm bắt và có được các cơ chế hỗ trợ, các doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đang có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
- 05-08-2014“Vạch mặt” 6 yếu kém của công nghiệp hỗ trợ
- 04-08-2014Phát triển công nghiệp phụ trợ cần đầu tư đồng bộ
- 30-07-2014Tìm giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam
- 12-06-2014Phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao: Doanh nghiệp chưa sẵn sàng
- 24-05-2014Ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ
- 19-05-2014Lộ trình cắt giảm thuế đến 2018: Mối lo cho ngành công nghiệp phụ trợ
"Với sự gia tăng đầu tư của hàng loạt tập đoàn lớn như Samsung, Intel, Nidec... các doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đang có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nếu biết nắm bắt và có được các cơ chế hỗ trợ."
Ông Lê Hoài Quốc, trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi.
Ông Lê Hoài Quốc - Ảnh: T.Đạm |
Ông Quốc cho biết: “Tập đoàn Samsung đang làm thủ tục đầu tư vào SHTP với dự án chuyên sản xuất các sản phẩm đầu cuối trong lĩnh vực điện tử gia dụng áp dụng công nghệ cao. Đó là các sản phẩm như tivi thông minh được điều khiển bằng giọng nói, nhận dạng bằng hình ảnh, hay những sản phẩm gia dụng khác như tủ lạnh, máy giặt được tích hợp các thiết bị điều khiển thông minh, thậm chí gắn camera an ninh..."
"Chỉ riêng nhu cầu lượng vỏ nhựa chi tiết, tập đoàn này sẽ tạo ra các đơn đặt hàng lớn cho các doanh nghiệp có khuôn mẫu sản xuất nhựa trong nước. Chưa kể dây điện, cáp, bộ phận giải nhiệt... rất nhiều thứ mà doanh nghiệp nội địa có thể tham gia. Ngoài ra, các tập đoàn công nghệ cao như Intel, Nidec... cũng có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm nội địa hóa”.
* Nhiều nhà đầu tư vào VN thường kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ từ nước ngoài, tỉ lệ doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi rất ít. Cụ thể như bài học từ Intel, sau bốn năm tỉ lệ nội địa hóa hiện nay vẫn dưới 10%. Vậy cần phải làm gì để thay đổi thực tế này?
- Tỉ lệ nội địa hóa của Intel vẫn còn thấp, dưới 10%, cũng dễ hiểu do tập đoàn này đầu tư vào một lĩnh vực sản xuất đặc thù là thiết kế vi mạch, trong khi công nghiệp vi mạch ở VN chưa phát triển. Hơn nữa, Intel yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm rất cao nên hiếm doanh nghiệp trong nước nào có thể đáp ứng được yêu cầu của họ.
Với Samsung thì khác, lĩnh vực họ mang vào là điện tử gia dụng mà ngành cơ khí trong nước đã phát triển và có thể cung ứng được. Vấn đề là doanh nghiệp trong nước phải sẵn sàng để đón nhận cơ hội, nghĩa là phải nâng tầm mình lên từ công nghệ sản xuất đến khả năng cung ứng, quản lý chất lượng để đáp ứng nhu cầu.
Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng là yếu tố để tạo điều kiện doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng.
* Ngoài vấn đề về chính sách, cơ chế và nội lực của bản thân doanh nghiệp trong nước cần thay đổi điều gì để nâng ngành công nghiệp phụ trợ lên, thưa ông?
Dành 34ha thu hút công nghiệp phụ trợ Theo ông Lê Hoài Quốc, Khu công nghệ cao TP.HCM đã dành hẳn một khu đất trên 34ha để ưu tiên cho các doanh nghiệp phụ trợ trong nước. Tại đây, doanh nghiệp nào cung ứng được cho Intel, Samsung thì cũng được hưởng tất cả các ưu đãi như Intel và Samsung. Với công thức ưu đãi cao nhất là 4+9+2, tức bốn năm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, chín năm tiếp theo chỉ có 5% và hai năm tiếp theo 10%. |
- Bao năm nay chúng ta loay hoay phát triển công nghiệp hỗ trợ, hiện nay tỉ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm công nghiệp chỉ mới chiếm 20%, gần 80% còn lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Riêng đối với nhóm ngành công nghệ cao, tỉ lệ nội địa hóa còn thấp hơn nữa với giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghệ cao chỉ chiếm 15-17% giá thành sản phẩm, hầu hết nguyên vật liệu là nhập khẩu.
Còn ngành cơ khí chế tạo hằng năm nhập một lượng lớn linh kiện, phụ tùng với tổng giá trị nhập khẩu gần 3 tỉ USD từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức...
Muốn thay đổi thực tế này, trước hết phải đầu tư vào các viện nghiên cứu, các trường đại học để nghiên cứu ra công nghệ đạt chuẩn, nâng cao năng lực của công nghiệp nền tảng theo hướng sử dụng những công nghệ mới, tiết giảm nguyên vật liệu.
Các doanh nghiệp cũng cần tận dụng cơ hội từ những dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ thông qua liên doanh, hợp tác để lĩnh hội chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Hiện nay chúng tôi đang làm việc với tỉnh Shiga thuộc vùng Kansai của Nhật để thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ vào VN. Họ sẽ đưa những dự án công nghiệp phụ trợ đủ năng lực để cung ứng được cho các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao.
Chúng tôi yêu cầu họ phải có lộ trình chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp VN và cam kết hỗ trợ doanh nghiệp VN về khâu cung ứng và quản lý chất lượng...
* Ngoài công nghiệp hỗ trợ thì bài toán tìm kiếm nhân lực có tay nghề kỹ thuật cho lĩnh vực công nghệ cao luôn đặt ra cho các nhà đầu tư như Samsung, Intel... Vậy làm sao để cải thiện vấn đề này?
- Khi quyết định đầu tư vào địa phương nào, điều tiên quyết của nhà đầu tư là nguồn nhân lực tại chỗ gồm ba nhóm, một là lao động phổ thông, hai là nguồn nhân lực kỹ thuật (kỹ sư) và ba là lao động cao cấp (quản trị viên cao cấp).
Thông thường nhóm ba được các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu đầu tiên vì khó tìm nhất. Với nhóm này hiện nay chúng tôi đang liên kết với các trường đào tạo của Anh, Mỹ, Úc, Canada... mở những khóa đào tạo thường xuyên.
Các khóa học này không chỉ dạy bằng thạc sĩ kinh doanh chung mà ở đây có kỹ năng về quản lý điều hành. Với nhóm thứ hai, có thể lấy từ các trường đại học trong nước nhưng cần đào tạo bổ sung các kỹ năng mềm ngoại ngữ, phương pháp làm việc theo nhóm, kiến thức về pháp luật.
Riêng trung tâm đào tạo của SHTP cũng đang đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong khu, hiện có khoảng 500 học viên của FPT gửi đến.
Trong giai đoạn 2, SHTP mở khu không gian khoa học dành cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo của các trường đại học, các viện nghiên cứu đã đăng ký dự án vào đây. Hiện đã có Đại học FPT, Hutech, Đại học Nguyễn Tất Thành...
Đặc biệt, sau khi có sự đồng ý của Chính phủ thành lập trường đại học phi lợi nhuận tại VN, Fulbright đã nộp hồ sơ vào khu công nghệ cao, chúng tôi đã chuẩn bị vị trí đất thích hợp với giai đoạn đầu khoảng 5ha và có thể mở rộng thêm trong tương lai.