Nhiều doanh nghiệp Việt đã yếu lại dối trá
Trong bối cảnh các hiệp định thương mại đang kề cận cùng làn sóng đầu tư của nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài, việc liên kết giữa các DN nội địa trong nhiều ngành nghề sẽ tạo ra sức mạnh, gia tăng tính cạnh tranh.
- 21-07-2014DNNN hưởng đặc quyền, doanh nghiệp tư nhân 'tự sinh tự diệt'
- 21-07-2014Lao đao bởi chi phí gia tăng
- 17-07-2014Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp: đón thách thức, nắm cơ hội
- 14-07-2014Có nên đón thêm FDI vào dệt may?
Nhưng đến nay, hầu như doanh nghiệp Việt đều mạnh ai nấy làm. Họ cho rằng tự mình làm lợi hơn, chủ động hơn… nhưng thực ra không hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng liên kết giữa các doanh nghiệp ở Việt Nam rất khó thực hiện vì mặt bằng chung không sòng phẳng.
Nếu ở các nước, các công ty lớn đều nhìn các doanh nghiệp vừa và nhỏ như là những vệ tinh và buộc phải có những liên kết thì ở Việt Nam, những doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Nhà nước có xu hướng hoạt động theo kiểu khép kín.
Doanh nghiệp Nhà nước khép kín trong phạm vi hoạt động của họ, đồng thời tự lập ra tập đoàn kinh tế.
Khi tập đoàn cần nguồn cung nào thì lại tự mở thêm các công ty sân sau.
Do đó, họ không quan tâm đến phát triển và gắn bó thực sự với doanh nghiệp khu vực tư nhân.
Còn doanh nghiệp FDI vào Việt Nam cũng vậy.
Ban đầu sự có mặt của doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ lan tỏa tác động đến doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp trong nước có thể trở thành vệ tinh của họ nhưng đến nay cho thấy mô hình đó dường như không tồn tại.
Phần lớn doanh nghiệp FDI cho biết, hiện nay 70%-80% nguyên liệu đầu vào họ phải mua từ các nước.
Cụ thể như Samsung với kim ngạch xuất khẩu 23 tỷ USD/năm nhưng chỉ có năm doanh nghiệp Việt tham gia cung cấp một phần nhỏ cho Samsung, chẳng hạn như thùng carton, in nhãn hàng, bao bì…
Những phần về kỹ thuật doanh nghiệp Việt hoàn toàn không có.
Đó là chưa tính việc khu vực tư nhân với số lượng nhiều nhưng thiếu nguồn lực nên không thể nào tạo được liên kết.
Bên cạnh đó, nội bộ khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng có sự chia rẽ nhất định.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ở tỉnh Bình Dương cho biết quy mô công ty không đủ để nhận hết các đơn hàng.
Doanh nghiệp này muốn tìm các doanh nghiệp khác chia sẻ đơn hàng song “cực nhọc vô cùng” vì nhiều doanh nghiệp tư nhân liên kết hay dùng những nguyên liệu dưới chuẩn, làm hỏng hết lô hàng, ảnh hưởng uy tín cả hợp đồng của doanh nghiệp.
Thế nên dù muốn cũng không dám liên kết.
Cũng có trường hợp liên kết được rồi, sau đó doanh nghiệp liên kết giật mất hợp đồng của “đồng đội”.
Rốt cuộc chẳng doanh nghiệp nào lớn lên được. Muốn tìm được người vừa đủ độ tin cậy, lại vừa đủ năng lực liên kết với mình là chuyện không dễ dàng.
>>>Sửa đổi Luật Doanh nghiệp: Thoáng quá hóa hở
Theo Tú Uyên