Nhiều khoản không đạt, tại sao thu ngân sách vẫn vượt dự toán?
Nguồn thu mang tính ngắn hạn được đẩy mạnh tăng thu đã giúp bù đắp hụt thu ngân sách trong năm 2015.
- 10-01-2016Chính phủ yêu cầu tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách nhà nước
- 24-12-2015Thủ tướng: Thu ngân sách không tăng mấy, nhưng chi ngân sách phải tăng lớn để trả nợ
- 14-12-2015“Thu từ dầu thô chỉ chiếm 6% ngân sách”
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 989,69 nghìn tỷ đồng, bằng 108,6% dự toán, tăng 14,6% so năm 2014.
Việc thu ngân sách vượt dự toán, trong đó thu ngân sách trung ương cơ bản đạt dự toán, nên Bộ Tài chính cho biết khoản 10.000 tỷ đồng thu thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Quốc hội đã cho phép để xử lý số giảm thu đã không phải sử dụng đến.
Tình hình ngân sách năm 2015 gặp khó khăn khi giá dầu thô giảm mạnh, có thời điểm xuống mức 30 USD/thùng. Tuy nhiên, việc điều hành thu chi ngân sách linh hoạt, chủ động của Bộ Tài chính khi sớm đưa ra các kịch bản ứng phó với giá dầu giảm, đã giúp thu ngân sách đạt được kết quả ngoài mong đợi.
Thu ngắn hạn tăng mạnh
Theo đó, trong khi thu từ dầu thô chỉ đạt 73,1% dự toán, bằng 111,4% số báo cáo Quốc hội; thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 98,2% dự toán, thì thu từ nội địa đã tăng lên khi đạt 110,9% dự toán, bằng 103,1% số báo cáo Quốc hội.
Nguồn: BTC, TCTK, VEPR (ước thực hiện)
Còn theo thông tin từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – VEPR – Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra trong Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý IV/2015: thu từ dầu thô chỉ đạt 62,4 nghìn tỷ; bằng 67,1% dự toán.
Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 128 nghìn tỷ; đạt 89,8% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 204,2 nghìn tỷ đồng; bằng 92,5% dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 160 nghìn tỷ đồng; bằng 91,4% dự toán.
Báo cáo của VEPR cũng cho biết, việc thu ngân sách vượt dự toán là do nguồn thu mang tính ngắn hạn được đẩy mạnh để bù đắp ngân sách. Trong đó đáng chú ý là thu từ sử dụng đất đạt 54,2 nghìn tỷ đồng, bằng 139,1% dự toán.
Vẫn chưa có quyết tâm cắt giảm chi tiêu?
Bình luận về hoạt động chi ngân sách, VEPR cho rằng mặc dù nguồn thu sẽ bị giảm dần do thực hiện các cam kết từ các Hiệp định thương mại tự do, song cơ quan điều hành lại không có những quyết tâm cần thiết trong việc cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là chi thường xuyên, và khôi phục lại cân đối ngân sách.
Thâm hụt ngân sách - Nguồn: BTC, TCKT, tính toán của VEPR năm 2014 - 2015
Theo đó, nhóm nghiên cứu ước tính tổng chi ngân sách năm 2015 có thể vượt so với dự toán khoảng 70 nghìn tỷ đồng. Kết hợp với GDP danh nghĩa năm 2015 tăng chậm hơn dự báo, dẫn tới thâm hụt ngân sách năm có thể ở mức 7%, cao nhất kể từ năm 2000 trở lại đây.
Thu ngân sách từ xuất khẩu dầu nhiều khả năng sẽ vẫn thấp hơn dự toán 2016 khi xu hướng biến động của giá dầu thế giới đang thấp hơn nhiều so với mức giá kỳ vọng 60 USD/thùng của cơ quan lập dự toán.
Do đó, VEPR cho rằng nếu Chính phủ không có các biện pháp hiệu quả giảm chi ngân sách, đặc biệt trong việc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ODA, triển vọng cán cân ngân sách sẽ tiếp tục xấu đi trong năm 2016.