MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều “ông lớn” xếp hàng "mua" cảng biển

Mặc dù cần số vốn rất lớn để có thể sở hữu các cảng biển, song danh sách nhà đầu tư trong nước ngày càng tăng lên và trở thành làn sóng lớn dần.

T&T nóng lòng sở hữu cảng Quảng Ninh

Nhiều khả năng ngay trong nửa đầu năm nay, cảng biển Quảng Ninh - cảng lớn thứ nhì miền Bắc sẽ thuộc sở hữu Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển. T&T đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt từ gần một năm qua khi đã nhiều lần làm việc với doanh nghiệp cũng như trực tiếp tìm hiểu hoạt động kinh doanh của cảng này.

Hơn 5 tháng trước, Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển đã có văn bản gửi Bộ GTVT chính thức đề nghị được nhận chuyển nhượng 100% cổ phần Nhà nước tại cảng Quảng Ninh. Quyết tâm này được tái khẳng định, khi đầu năm 2015, T&T một lần nữa đề nghị với  Bộ GTVT và Chính phủ được mua lại toàn bộ số cổ phần Nhà nước đang nắm giữ tại đây, đồng thời cam kết phát triển kinh doanh cảng theo đúng định hướng của cơ quan quản lý.

"Kinh doanh cảng biển là lĩnh vực thu lợi nhuận rất tốt, khi năm qua tăng trưởng trung bình của toàn hệ thống cảng biển cả nước lên tới 14%. Các cảng của Vinalines quản lý là các cảng tốt nhất trong cả hệ thống, song tăng trưởng lại thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình, chỉ đạt 3% trong năm 2014, do đó “các cảng bán được cho tư nhân và lại là nhà đầu tư trong nước hoạt động theo các quy định của pháp luật VN thì cần phải ủng hộ. Ngoài việc Vinalines thu được khoản tài chính rất cần cho tái cơ cấu DN, quan trọng hơn, khi để cho tư nhân làm sẽ giúp thay đổi cách quản trị các cảng biển, sinh lời lớn hơn và tạo ra nhiều của cải hơn cho xã hội”.

Ông Nguyễn Nhật

Cục trưởng Cục Hàng hải VN

Được biết, Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) đã có đề xuất với Bộ GTVT cho phép chuyển nhượng toàn bộ 49 triệu cổ phần của CTCP cảng Quảng Ninh (98,02% vốn điều lệ) mà Tổng công ty đang nắm giữ cho Tập đoàn T&T với giá 10 nghìn đồng/cổ phần. Nếu được chấp thuận, Vinalines sẽ thu về hơn 490 tỷ đồng. Nguồn tài chính này sẽ được Vinalines sử dụng để tái cơ cấu nợ.

Theo Vinalines, CTCP cảng Quảng Ninh có vốn điều lệ hơn 500 tỷ đồng, trong đó Vinalines sở hữu 98,02% vốn điều lệ. Việc thoái vốn Nhà nước của Vinalines tại cảng Quảng Ninh sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước có năng lực tài chính tham gia vào quản trị doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng quản trị, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của cảng Quảng Ninh.

“Chủ trương Nhà nước rút toàn bộ vốn tại một cảng lớn và có tiềm năng phát triển như cảng Quảng Ninh rõ ràng quá hấp dẫn, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi. Thêm vào đó, số vốn trên dưới 500 tỷ đồng để thay thế vai trò cổ đông chi phối cũng không phải là bài toán tài chính quá lớn với các tập đoàn trong nước”, một chuyên gia bình luận.

Năm qua, CTCP Vinpearl - thuộc Tập đoàn Vingroup cũng đã được chấp thuận mua lại toàn bộ số cổ phần trị giá 85 tỷ đồng của Vinalines tại cảng Nha Trang. Phiên đấu giá cổ phần cảng Nghệ Tĩnh vào ngày cuối cùng của năm 2014 cũng thu hút 47 nhà đầu tư với tổng khối lượng đăng ký mua đạt hơn 8,57 triệu cổ phần, cao gấp 2,2 lần số cổ phần chào bán.

9 nhà đầu tư đã mua hết lượng cổ phần bán ra với giá đấu thành công bình quân là 12.129 đồng/cổ phần (cao hơn giá khởi điểm ban đầu hơn 2 nghìn đồng). Mới đây nhất, toàn bộ 13,22 triệu cổ phần của cảng Đà Nẵng bán đấu giá hôm 2/2 đã được bán hết với mức giá bình quân 15.677 đồng/cổ phần (trong khi giá khởi điểm là 12 nghìn đồng/cổ phần).

Tư nhân có thể sở hữu phần lớn cảng biển

Làn sóng đầu tư cảng biển bắt đầu trỗi dậy từ cuối năm 2014, lúc đó Chính phủ đồng ý về chủ trương thoái vốn sâu hơn tại các cảng biển khi tiến hành CPH. Theo kế hoạch này, tất cả các cảng biển có vốn sở hữu nhà nước trên cả nước sẽ được CPH. Nhà nước chỉ cần giữ vốn chi phối tại 7 cảng lớn gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh.

Đối với bốn cảng đầu mối trọng yếu gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Sài Gòn, nhà nước sẽ chỉ giữ tỷ lệ vốn là 51% thay vì 75% như quyết định trước đó. Với 3 cảng Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh, tỷ lệ vốn Nhà nước cũng điều chỉnh xuống còn 49% thay vì 75%. Các cảng còn lại có thể thoái toàn bộ.

Thậm chí, với cảng Quảng Ninh, Vinalines còn đang đề xuất Thủ tướng cho thoái toàn bộ vốn nhà nước tại đây. Theo ông Nguyễn Ngọc Huệ, Chủ tịch HĐTV Vinalines, cho phép CPH và thoái sâu vốn nhà nước tại các cảng biển là chủ trương đúng đắn của Chính phủ.

Hầu hết các cảng biển mà Vinalines quản lý đều nằm tại các vị trí đắc địa nhất, có sự kết nối tốt với mạng lưới giao thông, được đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản, đang được vận hành khá chuyên nghiệp. Các cảng biển này có sức hấp dẫn lớn với nhà đầu tư là điều đương nhiên. Đầu tư vào các cảng biển này, nhà đầu tư có năng lực quản trị tốt sẽ thu lợi nhuận cao và bền vững, còn Vinalines cũng sẽ thu về được khoản tài chính cần thiết giúp tái cơ cấu DN.

Ông Lê Anh Sơn, Tổng Giám đốc Vinalines cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là đa dạng hóa nhà đầu tư. Ai trả giá cao nhất sẽ sở hữu cổ phần các cảng theo tỷ lệ được bán ra và theo quy định pháp luật hiện hành”.

[Industry Review]: Các doanh nghiệp cảng biển làm ăn ra sao trong năm 2014?

Theo Phương Anh

PV

Báo giao thông vận tải

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên