MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nhọc nhằn” xuất khẩu gạo: Khi "miếng bánh" bị chia

Gạo Việt Nam đang mất dần thị phần trên các thị trường chính, đặc biệt là Trung Quốc. Đối thủ thay thế Việt Nam trên thị trường này là Thái Lan, Campuchia và Pakistan...

Phụ thuộc vào Trung Quốc

Theo số liệu của Tổng cục hải quan Việt Nam, trong tháng 8/2015, cả nước đã xuất khẩu 461 nghìn tấn gạo với trị giá đạt 205 triệu USD; giảm 23,8% về lượng và giảm 19,1% về trị giá so với tháng trước.

Tính đến hết tháng 8/2015, lượng xuất khẩu gạo của cả nước đạt hơn 4 triệu tấn với trị giá đạt 1,74 tỷ USD; giảm 9,7% về lượng và giảm 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu thống kê chi tiết cho thấy, trong 8 tháng năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 1,51 triệu tấn và chiếm 37% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang thị trường này 8 tháng qua đã giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh Trung Quốc, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philipines cũng giảm mạnh 41% về lượng, đạt 612 nghìn tấn. Chỉ có một số thị trường tăng trưởng như Malaysia đạt 371 nghìn tấn, tăng 35,8%; Ghana đạt 250 nghìn tấn, tăng 21,8%; Cu Ba đạt 287 nghìn tấn, tăng 18%... so với cùng kỳ năm 2014.


Thị phần xuất khẩu gạo Việt Nam 7 tháng đầu năm 2015 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Thị phần xuất khẩu gạo Việt Nam 7 tháng đầu năm 2015 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Theo TS Nguyễn Trung Kiên - Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng, Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp (ISPARD) cho biết, xuất khẩu gạo trong 8 tháng qua giảm chủ yếu do Trung Quốc giảm nhập khẩu gạo Việt Nam.

“Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ 4,6% hồi tháng 8/2015 không những dẫn đến những tác động trên thị trường tài chính, mà còn ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam” – TS Kiên cho hay.

Trong 3 năm qua, Trung Quốc đã phá giá sau khi các đồng tiền chính giảm mạnh so với USD. Đặc biệt, giảm mạnh nhất là đồng tiền của các nước đang phát triển như đồng Real Brazil giảm 72%; đồng Rupiad Indonesia giảm 42%; đồng Ringgit Malaysia giảm 33%; đồng Rupee Ấn Độ giảm 20%; đồng Bant Thái giảm 18%...

Việc phá giá của các đồng tiền trên khiến cho giá xuất khẩu các gạo Việt Nam giảm mạnh so với trước đây. Giá gạo Việt Nam hiện đang xấp xỉ giá gạo Thái Lan, Ấn Độ ở vùng giá thấp.

Còn theo lý giải của Tổng cục thống kê, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm mạnh bởi Trung Quốc đang kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu gạo theo hình thức qua biên giới, tăng cường nhập khẩu theo đường chính thức từ nhiều nguồn cung cấp với giá thấp của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.

Khi “miếng bánh” bị chia…

Chia sẻ tại hội thảo "Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng lúa gạo, vật tư nông nghiệp và vật tư thủy sản" được tổ chức tại Cần Thơ mới đây, ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN kiêm TGĐ Công ty Lương thực miền Nam cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2015, thế giới có 5 nước xuất khẩu gạo hàng đầu, thì chỉ riêng Việt Nam có sản lượng gạo xuất khẩu giảm.

Theo thống kê của ISPARD, Việt Nam chiếm thị phần trên 65% nhập khẩu gạo của Trung Quốc năm 2012-2013; giảm xuống 53% năm 2014 và xuống 47% trong 4 tháng năm 2015. Đối thủ thay thế Việt Nam trên thị trường này là Thái Lan, Campuchia và Pakistan.

Thị phần gạo Việt Nam ngày càng giảm (Nguồn: ITC)
Thị phần gạo Việt Nam ngày càng giảm (Nguồn: ITC)

Trước đây, Thái Lan chủ yếu tập trung xuất khẩu các sản phẩm gạo cao cấp, thị phần gạo cấp thấp gần như không quan tâm nhưng trong 2 năm trở lại đây, Thái Lan bắt đầu gia tăng, chiếm lĩnh thị trường gạo cấp thấp - thị phần chủ yếu của gạo Việt Nam.

Mặt khác, thời gian gần đây gạo Myanmar và Campuchia nổi lên là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam và đã từng bước chiếm lĩnh thị trường. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam dao động ở mức 345-355 USD/tấn (gạo 5% tấm); giảm hơn 115 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Ông Kiên dự báo, gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm giá do tồn kho gạo Trung Quốc tăng và duy trì ở mức cao. Bên cạnh đó, tồn kho gạo Thái Lan, Ấn Độ còn lớn; trong khi đồng Bath và đồng Rupee lần lượt giảm 7,5% và 5% so với hồi đầu 2014.

“IMF dự báo giá gạo bình quân năm 2016 giảm 13% so với năm 2015. WB dự báo giá gạo tiếp tục khuynh hướng giảm 2-3% năm 2016-2017 và giảm 7% vào năm 2020” – ông Kiên cho biết.

Còn theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, gạo Việt Nam có chất lượng thấp hơn so với gạo Thái Lan và Campuchia do người nông dân sử dụng các giống canh tác ngắn ngày (3 tháng/vụ) và trồng 2-3 vụ/ năm để tận dụng đất đai hạn hẹp, thời gian sinh trưởng ngắn.

“Trong khi đó, gạo của 2 nước trên chủ yếu là gạo một vụ, chất lượng ngon, an toàn và giá cả cạnh tranh hơn” – ông Tuấn nói.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên