MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những cái sai đằng sau lo ngại lạm phát thấp

Lạm phát năm nay đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm là tin vui, tốt lành với cả nền kinh tế. Tuy vậy, lạm phát thấp đồng thời cũng làm dấy lên nỗi lo của không ít người khác.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Họ cho rằng: (1) Lạm phát thấp là biểu hiện của tổng cầu yếu, giảm phát (hoặc thiểu phát); (2) Tổng cầu yếu thể hiện ở con số gần 65.000 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, cao hơn so với năm ngoái, tình trạng thất nghiệp cao, hàng tồn kho cao, siêu thị không bán được hàng, tổng mức bán lẻ giảm mạnh; 

(3) Lạm phát thấp ảnh hưởng nhiều đến động lực sản xuất của doanh nghiệp. Do giá xăng giảm, chi phí đầu vào sản xuất giảm là yếu tố làm giá thành hàng hóa giảm song vấn đề then chốt sức mua người dân yếu, giá rẻ nhưng dân không mua cũng vô ích; (4) Lạm phát thấp dẫn đến việc điều chỉnh thị trường trước các cú sốc không được tốt và nhanh; (5) Lạm phát thấp, không tăng được lợi nhuận trong khi chi phí vẫn cao thì sẽ kìm hãm sản xuất trong ngắn hạn;

(6) Trong ngắn hạn đặt ra mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát 3-4% thì tương đương với mức tăng trưởng dưới 6%; (7) Lạm phát thấp làm chênh lệch giữa lãi suất thực và lãi suất danh nghĩa sẽ giãn ra, dẫn đến dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ đổ vào Việt Nam trong bối cảnh tỷ giá Việt Nam tương đối ổn định. Ngân hàng Nhà nước cần phải đưa ra các giải pháp để vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vừa tránh được tình trạng kinh doanh chênh lệch tỷ giá và lãi suất; 

(8) lạm phát thấp thu ngân sách nhà nước sẽ khó khăn, Chính phủ sẽ tiếp tục thiếu tiền do đầu tư, trả nợ và thực hiện các nhiệm vụ cải cách và phát triển kinh tế - xã hội v.v...

Về ý kiến số 1 nói trên, tác giả bài viết này đã đôi lần phản biện lại rằng lạm phát thấp không nhất thiết là biểu hiện của tổng cầu yếu, bằng một ví dụ đơn giản là sốt cao không nhất thiết là biểu hiện của căn bệnh Ebola, mà có thể là do căn bệnh khác nào đó như viêm phổi.

Hơn nữa, những người lo ngại lạm phát thấp còn sai lầm về khái niệm giảm phát hoặc thiểu phát. Giảm phát là hiện tượng giá cả hàng hóa và dịch vụ nói chung giảm đi (giá cả tăng trưởng âm). Hiện tại, lạm phát tuy thấp nhưng vẫn ở mức dương, lớn hơn 0 nhiều, sao lại nói là Việt Nam đang có giảm phát? Còn nếu nói là Việt Nam đang có thiểu phát thì lại càng sai hơn nữa khi ngoài điều kiện là lạm phát âm (giảm phát), GDP phải tăng trưởng âm thì mới có thể gọi một nền kinh tế là có thiểu phát, trong khi GDP của Việt Nam đã tăng trưởng gần 6% trong năm nay!

Về ý kiến số 2, có thể dễ dàng thấy đây là ý kiến hết sức chủ quan, hời hợt và không chính xác. Ngoài những dẫn chứng thuyết phục bằng những con số cụ thể trên từng lĩnh vực mà Tổng cục Thống kê đã đưa ra gần đây để giải thích tại sao lạm phát thấp và tại sao không thể nói là tổng cầu yếu, cũng như tác giả đã đôi lần viện dẫn đến để phản biện lại luồng ý kiến sai lầm này, có thể chỉ ra thêm một số lỗ hổng trong ý kiến này. 

Ví dụ, về con số 65.000 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, cao hơn năm ngoái tuy có thể là con số thực tế, chính xác, nhưng nêu ra như vậy chỉ là phiến diện nếu người ta quên không kể thêm rằng con số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại còn lớn hơn con số này. Tình trạng thất nghiệp cao cũng chỉ là một yếu tố cảm tính vì chẳng được củng cố bằng bất cứ dẫn chứng số liệu nào. Về chỉ số hàng tồn kho, tổng mức bán lẻ, doanh số của siêu thị v.v..., rất tiếc là số liệu của Tổng cục Thống kê đã cho thấy rõ là đều cải thiện hơn so với (các) năm trước.

Về ý kiến số 3, vừa không rõ ràng, vừa cảm tính và mâu thuẫn. Nói “lạm phát thấp ảnh hưởng nhiều đến động lực sản xuất của doanh nghiệp”, phải chẳng người ta ngụ ý rằng lạm phát thấp làm cho doanh nghiệp không tăng được giá bán nên không khuyến khích doanh nghiệp tăng cường sản xuất? Nếu vậy thì ý kiến này tự mâu thuẫn vì người ta cũng thừa nhận rằng lạm phát thấp làm giảm giá thành sản xuất. Do đó, biên độ lợi nhuận của nhà sản xuất vẫn được bảo đảm, bất kể họ không tăng được giá bán hàng hóa.

Nói “song vấn đề then chốt sức mua người dân yếu, giá rẻ nhưng dân không mua cũng vô ích” cũng sai vì như đã nói ở trên, chẳng có dấu hiệu nào để mà nói rằng “dân không mua”, nếu không muốn nói ngược lại rằng dân thực ra đã tăng cường mua, thể hiện qua doanh số bán lẻ ròng đã tăng 6,5% so với năm trước và là mức tăng cao nhất trong mấy năm gần đây.

Về ý kiến số 4, nói “lạm phát thấp dẫn đến việc điều chỉnh thị trường trước các cú sốc không được tốt và nhanh” là vô căn cứ và không xác đáng. Lạm phát thấp thực ra là điều tích cực cho các phản ứng chính sách vĩ mô vì nó tạo ra thêm room cho cơ quan chức năng. Ví dụ, nếu có cú sốc về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể nâng lãi suất thêm lên từ mức lãi suất thấp (do lạm phát thấp) để bảo vệ sự ổn định của tỷ giá mà không gây ra tác động tiêu cực quá lớn lên doanh nghiệp do lãi suất vẫn ở mức vừa phải, chịu đựng được. Nếu lạm phát ở mức cao thì buộc lãi suất phải điều chỉnh lên mức cao hơn, và do đó khi NHNN thắt chặt chính sách tiền tệ để bảo vệ tỷ giá, điều đó càng làm cho lãi suất tăng cao hơn nữa, gây khó khăn hơn nhiều cho doanh nghiệp.

Về ý kiến số 5, nói “lạm phát thấp, không tăng được lợi nhuận trong khi chi phí vẫn cao thì sẽ kìm hãm sản xuất trong ngắn hạn” là sai, vì cũng như đã nói ở ý kiến số 3 bên trên, lạm phát thấp thì làm cả giá bán và giá thành hàng hóa đều không tăng mạnh được, dẫn đến biên độ lợi nhuận không thay đổi, và doanh nghiệp thậm chí lại còn có thêm động lực để mở rộng sản xuất để tăng tổng lợi nhuận (dù biên độ lợi nhuận có thể không thay đổi), nếu các tính toán lỗ lãi của họ được bảo đảm ở mức độ chắc chắn nhờ lạm phát thấp và ổn định.

Về ý kiến số 6, nói “trong ngắn hạn đặt ra mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát 3-4% thì tương đương với mức tăng trưởng dưới 6%” là sai vì có nhiều năm/thời kỳ CPI của Việt Nam chỉ ở mức 3%-4% nhưng tăng trưởng GDP vẫn đạt trên 6% như những năm 1997 và 2000-2003 (theo số liệu của ADB). Vì thế, không thể thiết lập một cách định tính tốc độ tăng trưởng GDP với mức lạm phát theo kiểu như thế này được.

Với ý kiến số 7, không thể nói “lạm phát thấp làm chênh lệch giữa lãi suất thực và lãi suất danh nghĩa sẽ giãn ra” vì, cũng như với khu vực sản xuất, lạm phát thấp làm giảm lãi suất danh nghĩa (cả lãi suất huy động và cho vay), như số liệu công bố của NHNN cho thấy. Bởi vậy, lãi suất thực cũng không thay đổi (lớn), và cũng như vậy là chênh lệch giữa lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực. Do đó, dòng vốn đầu tư gián tiếp đổ vào Việt Nam sẽ không biến động (mạnh), khi các điều kiện khác không thay đổi. Như thế thì gánh nặng của NHNN trong việc “vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vừa tránh được tình trạng kinh doanh chênh lệch tỷ giá và lãi suất” là không có gì thay đổi.

Và cuối cùng, với ý kiến số 8, dù lạm phát thấp có thể ảnh hưởng đến (làm giảm) nguồn thu của chính phủ như luồng ý kiến này lo ngại (mặc dù không có lý do xác đáng), nhưng, cũng giống như với nhà sản xuất, lạm phát giảm làm giảm (hoặc không tăng) doanh thu của họ và cũng đồng thời làm giá thành (tức chi) của họ giảm đi (hoặc không tăng), rốt cuộc cán cân thu chi của chính phủ không thay đổi. Vì thế, không thể nói như luồng ý kiến này rằng lạm phát thấp “làm thu ngân sách nhà nước sẽ khó khăn, Chính phủ sẽ tiếp tục thiếu tiền do đầu tư, trả nợ và thực hiện các nhiệm vụ cải cách và phát triển kinh tế - xã hội”.



TS Phan Minh Ngọc

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên