Những cơ hội và thách thức cho các đặc khu kinh tế Việt Nam
Nếu lịch sử là một bài học, câu hỏi đặt ra ở đây là cần làm gì để nâng cao cơ hội thành công của đặc khu kinh tế?
- 04-04-2014Casino: Giấc mơ hốt bạc từ 'dân chơi' Trung Quốc?
- 04-04-2014Cần sớm hoàn thiện đề án Đặc khu kinh tế Phú Quốc
- 03-04-2014Casino: Đại gia lớn tiếng, xí chỗ chờ thời
- 27-03-2014Xây dựng Đặc khu kinh tế: Quan trọng nhất là đột phá thể chế
Hoặc từ quan điểm lo ngại rủi ro, cần làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ thất bại của đặc khu kinh tế?
Tin Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc được lựa chọn trở thành đặc khu kinh tế (SEZ) đã thu hút sự chú ý trên các mặt báo. Có một sự phấn khích thực sự tại các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang.
Các đặc khu kinh tế này sở hữu những lợi thế so sánh không thể phủ nhận: lao động giá rẻ, bất động sản chưa được khai thác, vị trí ven biển chiến lược, và quan trọng nhất là vùng đất hoang sơ và rộng để phát triển du lịch và công nghiệp.
Vân Đồn tiếp giáp với Vịnh Hạ Long, được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa thế giới” và gần kề Hải Phòng, cảng biển hàng đầu của miền Bắc Việt Nam.
Bắc Vân Phong là một phần của Vịnh nước sâu Cam Ranh, có thể đóng vai trò như là một trung tâm công nghiệp chiến lược quan trọng để phân phối năng lượng cho miền Trung. Và Phú Quốc, một công nhận khác của UNESCO, có thể trở thành một điểm du lịch lớn và là một trung tâm quốc gia để giới thiệu nuôi trồng thủy sản Việt Nam.
Với việc chính phủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như sân bay và đường cao tốc, và có các chính sách thu hút các đầu tư, các cơ hội đang xuất hiện.
Kể từ cuối những năm 1970, đã có hơn 3.000 dự án đặc khu kinh tế tại 135 quốc gia. Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) báo cáo trong nghiên cứu năm 2008 rằng Việt Nam có 185 khu. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hiện đang đầu tư 1 tỷ USD để hỗ trợ bốn đặc khu kinh tế ở Việt Nam, cùng với nhiều đặc khu kinh tế khác ở Myanmar, Campuchia, Trung Quốc, Lào, và Thái Lan trong dự án phát triển “hành lang” Đồng bằng sông Cửu Long.
Về lý thuyết, khái niệm SEZ dường như là một chính sách hữu ích để thu hút đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy khả năng cạnh tranh. Nhưng, việc thực hiện còn nhiều thứ để bàn.
Các nghiên cứu của Ngân hàng thế giới và nhiều học giả cho thấy kết quả SEZ là hỗn hợp hoặc chưa thuyết phục. Nhiều SEZ đã làm rất tốt, thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế quốc gia như SEZ ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Nhiều SEZ khác đã làm kém, các công ty tận dụng lợi thế miễn thuế mà không góp phần tạo việc làm mới hay thúc đẩy xuất khẩu.
Một báo cáo năm 2012 của chính quyền New South Wales, nước Úc khuyến cáo chống lại việc thành lập SEZ ở các vùng nông thôn, với lý do khó khăn trong việc xác định ưu đãi tài chính thích hợp, và nguy cơ bóp méo cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy kinh tế kém hiệu quả.
Nếu lịch sử là một bài học, câu hỏi đặt ra ở đây là cần làm gì để nâng cao cơ hội thành công của SEZ? Hoặc từ quan điểm lo ngại rủi ro, cần làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ thất bại của SEZ?
Một nhận thức phổ biến là SEZ sẽ thu hút đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao và rủi ro thấp. Đối với một SEZ mới được thành lập, thậm chí với các ưu đãi tài chính đặc biệt, lợi nhuận cao trong ngắn hạn là gần như không thể.
Ba mươi năm kinh nghiệm quan sát SEZ trên toàn thế giới cho thấy phải mất từ 5 đến 15 năm cho một dự án có kết quả. Ngược lại, nguy cơ khởi động là cao. Do đó, thách thức là tìm kiếm các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao và kiên nhẫn chờ đợi lợi nhuận trong tương lai.
Nghiên cứu từ Ấn Độ và Honduras cho thấy các giải pháp có thể được tìm thấy ở các doanh nghiệp trong nước. Bởi vì các nhà đầu tư trong nước hiểu môi trường kinh tế, xã hội và chính trị địa phương tốt hơn nhiều so với các đối tác nước ngoài, họ có thể giảm thiểu rủi ro và quản lý tốt hơn để thu lợi.
Ví dụ ở Honduras, các doanh nghiệp dệt may tư nhân trong nước đầu tư đầu tiên vào khu vực thương mại tự do Puerto Cortes . Một vài năm sau, họ đã có thể thuyết phục các công ty toàn cầu như Arrow, Gildian và Haynes đầu tư theo.
Một giải pháp khác là tìm kiếm khoản đầu tư “mồi” từ một công ty lớn có tiềm lực tài chính mạnh. Đầu tư 1 tỷ USD của Intel vào Khu Công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh đã thu hút một loạt các công ty khác.
Để thu hút một nhà đầu tư lớn – cho dù là một nhà máy sản xuất điện tử công nghệ cao hoặc Casino – cần có một cơ sở hạ tầng hỗ trợ hiệu quả, như giao thông, nhà cung cấp, ngân hàng, nhà hàng , bệnh viện, khách sạn, trường học. Cơ sở hạ tầng TP. Hồ Chí Minh là một yếu tố quyết định trong đầu tư của Intel. Sẽ cần mất thời gian cho một khu kinh tế mới thiết lập cơ sở hạ tầng, nhưng đó cũng là một cơ hội để xây dựng từ đầu cơ sở hạ tầng của thế kỷ 21.
Một chiến lược khác nữa là phát triển quan hệ đối tác chính phủ song phương, cùng phát triển các SEZ. Chính phủ Trung Quốc và Singapore đã bắt tay để phát triển khu công nghiệp ở Tô Châu, Trung Quốc. Singapore cung cấp vốn khởi động đáng kể đối với khu kinh tế mới này. Singapore cũng chuyển giao chuyên môn trong quy hoạch đô thị, phát triển khu công nghiệp , thiết kế đô thị, và quan trọng nhất, chiến lược kinh doanh gia công phần mềm.
Với cam kết của chính phủ Singapore, nhiều nhà đầu tư từ Singapore và các đối tác quốc tế của họ đã di chuyển đầu tư đến Tô Châu. Do đó, một trong những thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc phát triển đặc khu kinh tế là lựa chọn một nhóm các nhà đầu tư ban đầu phù hợp với tầm nhìn tổng thể và lâu dài của sự phát triển khu kinh tế, và có tiềm năng thu hút các đối tác tương lai tham gia SEZ .
Mô hình kinh doanh SEZ truyền thống là sử dụng lợi thế chi phí thấp để thu hút đầu tư. Đối với Văn Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, chiến lược phát triển dựa trên lợi thế chi phí thấp có thể hiệu quả. Nhưng xét về tương lai, lợi thế chi phí thấp chỉ kéo dài trong vài năm đầu tiên. Chi phí lao động cuối cùng sẽ tăng lên, như đã thấy ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thâm Quyến (Trung Quốc) và Bangalore (Ấn Độ) và các SEZ được thành lập trên thế giới. Điều này cũng đúng đối với ưu đãi tài chính.
Giảm thuế đã được chứng minh có hiệu quả để thu hút các nhà đầu tư, nhưng không nên kéo dài mãi vì như thế là bóp méo cạnh tranh.
Trong kinh doanh, cố định duy nhất là thay đổi. Thâm Quyến, được ca ngợi như SEZ thành công nhất trên thế giới đang nỗ gắng tự tái tạo. Được thành lập đầu những năm 1980 như là xưởng sản xuất thế giới với mô hình chi phí thấp, nhận các khoản đầu tư tổ chức lớn, Thâm Quyến đã trở thành cường quốc kinh tế của Trung Quốc. Hiện nay Thâm Quyến đang phải đối mặt với cuộc di cư của các công ty đến những địa điểm khác do chi phí cao và một loạt vấn đề cơ cấu đã xuất hiện gần đây .
Học hỏi từ ba thập kỷ kinh nghiệm SEZ ở nơi khác, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam và các nhà đầu tư nên tìm kiếm một mô hình kinh doanh mới, không dừng lại ở mô hình chi phí thấp. Hướng tới một tương lai cạnh tranh bền vững, một đặc khu kinh tế sẽ cần liên tục tạo thêm giá trị cho sản phẩm và dịch vụ hiện có.
Lý tưởng nhất, đối với Vân Đồn và Phú Quốc, các SEZ không nên chỉ là điểm du lịch với một số khách sạn nghỉ mát và sòng bạc bình thường; thay vào đó, cần phải là nơi độc đáo cung cấp các giá trị khó bắt chước cho du khách.
Tương tự vậy, Bắc Vân Phong không phải chỉ là một thành phố công nghiệp, mà nên tạo cơ hội để thử nghiệm những ý tưởng sáng tạo như năng lượng tái tạo và công nghệ xanh nhằm đối phó tác động của biến đổi khí hậu.
Liệu tầm nhìn này có thể đạt được với ba đặc khu kinh tế mới được chọn? Có thể không phải trong tương lai gần. Một giải pháp thực tế sẽ là áp dụng cách tiếp cận có tổ chức với mỗi bước tại mỗi thời điểm, với cùng hai mục đích: phát triển các ngành công nghiệp lớn với hiệu quả quy mô, và đồng thời, nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo.
Lý tưởng nhất, thiết kế SEZ phải là một phần trong nỗ lực lập kế hoạch quốc gia để sử dụng các đặc khu kinh tế như các cổng vào kết nối toàn bộ nền kinh tế quốc gia với thế giới, đồng thời xem xét nguyện vọng và khả năng của người dân.
Từ góc độ đầu tư công, một khái niệm tổng thể SEZ phải được thiết kế khôn ngoan với các phân tích chi tiết về chi phí – lợi ích. Với SEZ, tất cả mọi người đều kỳ vọng những khuyến khích từ chính phủ.
Những ưu đãi tài chính và phi tài chính nào sẽ là hiệu quả nhất và công bằng? Miễn thuế doanh nghiệp? Không có thuế thu nhập cá nhân? Không thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu? 100 % sở hữu nước ngoài để thu hút đầu tư nước ngoài? Hồi hương vốn? Đất miễn phí?…Khi liên quan đến tiền thuế người dân, quỹ công được sử dụng để thúc đẩy SEZ phải được chi tiêu hiệu quả.
Ngoài ra, tất cả các bên liên quan tham gia vào sự phát triển SEZ cần hiểu thành công đối với họ nghĩa là gì. Là tạo việc làm quan trọng hơn lợi tức đầu tư? Là xóa đói giảm nghèo quan trọng hơn bảo vệ môi trường? Là toàn cầu hóa quan trọng hơn thúc đẩy văn hóa dân tộc?
Sự thành công kinh tế lớn của SEZ Thâm Quyến, Quảng Đông không phải không có vấn đề xã hội và môi trường, ví dụ như sự di cư lớn của lao động và ô nhiễm sản xuất gây hại cho sức khỏe.
Được thành lập vào năm 1979, đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc vẫn còn loay hoay tìm kiếm bản sắc riêng như một thành phố. Nó vẫn không có cá tính độc đáo của Venice, Ý hoặc Antwerp, Bỉ, New York và San Francisco, Mỹ – tất cả các thành phố cảng được kiến tạo trong những thời gian tương ứng của tăng trưởng kinh tế quốc gia. Do đó, các địa phương và quốc gia xem xét tổng thể cần biết những chỉ số thành công nào họ muốn đo.
Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc nằm trong danh sách những điểm đến đẹp nhất trên thế giới. Cơ hội đang lên và thách thức cũng cao. Sự thành lập của các đặc khu kinh tế mới được phê duyệt này chắc chắn sẽ có những tác động kinh tế to lớn không chỉ tới các tỉnh Quảng Ninh , Khánh Hòa và Kiên Giang , mà còn tới toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam.
Theo GS. Tùng Bùi
Giám đốc Chương trình Vietnam Executive MBA, Đại học Hawaii