Nợ công đang níu áo mỗi người dân
“Nợ nó đè lên đầu lên cổ...” - ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây khiến nhiều bạn đọc, cử tri lo lắng.
Thực chất nợ nần quốc gia như thế nào? Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh phân tích: "Tôi nhớ cách đây ba năm, cá nhân tôi cũng đã cảnh báo nợ công đang tăng rất nhanh và chắc chắn nó sẽ vượt các ngưỡng do Quốc hội đặt ra. Nhưng vấn đề lớn nhất là không ai có thể khẳng định được những cái ngưỡng ấy có an toàn hay không".
Lý do là tất cả chúng ta trông chờ vào báo cáo của Bộ Tài chính, họ nói sao biết vậy. Năm 2015, dự tính nợ công bằng khoảng 64% GDP.
Nếu chỉ dựa vào tỉ lệ như vậy thì không thể đánh giá được tình trạng nợ của VN hiện nay thế nào. Ngay cả nhận xét của Chủ tịch Quốc hội cũng từ cảm quan của người phụ trách công tác tài chính - ngân sách lâu năm chứ nếu mổ xẻ bằng các dữ liệu cũng rất khó nói.
Cái trần nợ công 65% GDP là Quốc hội đặt ra, nhưng không có cơ sở nào để khẳng định dưới mức đó là an toàn và trên mức đó là không an toàn.
Dự báo đến năm 2015 nợ công của VN vượt mức 64%, trong khi nhu cầu chi vẫn rất lớn, những dự án khủng như sân bay Long Thành đang được trình ra, vậy Quốc hội có nới trần nợ công lên 70%, 80% không?
Xin ông phân tích rõ hơn?
Thực tế cho thấy khi khủng hoảng nợ xảy ra thì chẳng có giới hạn nào cả, một quốc gia có nợ công bằng 30% GDP vẫn có thể bị vỡ nợ, nhưng nợ 250% GDP như Nhật Bản vẫn an toàn. Cho nên nhìn vào chỉ số của VN đưa ra mà nói rằng có nguy hiểm không thì rất khó.
Điều tôi muốn nói đến ở đây là nghĩa vụ nợ hay nói cách khác là việc trả nợ. Hai năm nay ở nghị trường mới xuất hiện cái từ “đảo nợ”, tức là phải đi vay để trả nợ, nhưng trên thực tế bản chất ngân sách của chúng ta thì việc đảo nợ đã xảy ra lâu rồi.
Thâm hụt ngân sách kéo dài như căn bệnh kinh niên, chúng ta đang tính cả phần chi trả nợ gốc vào cân đối ngân sách, tạo nên mức thâm hụt ngân sách như năm 2014 dự tính là 5,3%.
Vậy lấy đâu để bù thâm hụt? Chỉ có thể là đi vay trong nước và nước ngoài.
Cách thiết kế ngân sách như vậy thì đảo nợ nó đã nằm trong đó rồi. Hơn nữa, chúng ta thấy quy mô vay nợ ngày càng lớn, không chỉ để đảo nợ mà khoản vay mới là rất lớn.
Số nợ tuyệt đối cả về đồng VN và cả ngoại tệ có xu hướng tăng vọt, tăng liên tục và tăng rất nhanh với bình quân cả chục phần trăm mỗi năm.
Nhưng vấn đề đáng nói là nợ của VN các số liệu công bố không rõ ràng, hoặc là không cập nhật nên không biết kết cấu nợ như thế nào.
Kết cấu nợ là gì: đang vay của những ai; trong nước, ngoài nước bao nhiêu; lãi suất của từng khoản như thế nào? Khoản nào vay ngắn hạn, khoản nào vay dài hạn?... Rồi kỳ hạn đồng tiền, nếu vay yen Nhật sẽ khác với USD.
Bộ Tài chính đang nợ đất nước này, nợ đại biểu Quốc hội, nợ nhân dân giải thích thỏa đáng về kết cấu nợ.
Khi nào Bộ Tài chính chứng minh cho đại biểu Quốc hội là chúng ta đang vay chừng này, của người này, các khoản ấy trong tương lai sẽ trả thế này, thế kia và việc trả nợ nằm trong tầm tay, như vậy thì các đại biểu Quốc hội mới đánh giá được.
Chính phủ đưa ra Quốc hội năm 2013 vay 40.000 tỉ đồng để đảo nợ, năm 2014 là 70.000 tỉ đồng và sẽ tiếp tục vay đảo nợ trong năm 2015... Đảo nợ là nói theo thuật ngữ của ngân hàng, nhưng nói theo cách thông thường của người dân là phải vay chỗ nọ đập chỗ kia...
Thông thường thiếu tiền thì đi vay nợ, ở đây là Nhà nước thiếu tiền, Chính phủ thiếu tiền thì đi vay, do đó gọi là nợ công.
Để trả nợ công thì phải lấy nguồn thu trong tương lai để trả. Nhưng có những quốc gia nợ công không phải do họ thiếu tiền, ví dụ như Nhật Bản không thiếu tiền nhưng tại sao vay lắm thế? Câu trả lời là nước Nhật rất nhiều tiền, dân không sử dụng thì chính phủ buộc phải sử dụng.
Và để sử dụng được tiền trong dân thì chính phủ phải vay và sử dụng công cụ vay nợ để can thiệp vào thị trường tài chính, tức là mua bán trái phiếu chính phủ, hay nói cách khác mua bán bản thân cái nợ của mình để bơm hay hút tiền trên thị trường.
Quay lại VN, bản chất là chúng ta thiếu tiền triền miên nên phải đi vay. Vay ở VN có hai khoản là vay để bù đắp thâm hụt ngân sách và vay về để đầu tư. Thâm hụt ngân sách triền miên hàng chục năm, mỗi năm khoảng 5% nên số nợ tích lũy là rất lớn.
Thứ hai là vay để đầu tư thì nhu cầu ngày càng tăng. Thứ ba là một số khoản Chính phủ bảo lãnh vay cho ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước.
Bây giờ nói đến việc sử dụng nợ thế nào mới nhìn thấy vấn đề là liệu có khả năng trả nợ hay không. Chính phủ đi vay về cho vay lại, nếu đi vay lãi suất 10% thì liệu có cho vay lại được 11%/năm hay chỉ 5-7% thôi?
Vay về để đầu tư thì có hoàn vốn được không? Có những khoản đầu tư công không hoàn vốn, nhưng khoản đầu tư công đó đóng góp gì cho tăng trưởng kinh tế để có nguồn thu cho ngân sách?
Câu hỏi đặt ra là sử dụng như thế nào để hoàn trả nợ gốc và nợ lãi hiện nay đang là một khoảng trống không có trả lời.
Trong ba năm 2012, 2013, 2014 số chi đầu tư phát triển giảm tương ứng từ 180.000 tỉ đồng, 175.000 tỉ đồng, 163.000 tỉ đồng; trong khi đó chi trả nợ lại tăng tương ứng là 100.000 tỉ đồng, 105.000 tỉ đồng, 120.000 tỉ đồng. Con số này nói lên điều gì, thưa ông?
VN đang tái cơ cấu đầu tư công, cá nhân tôi cho rằng phải giảm đầu tư công xuống thì mới tăng hiệu quả lên được, không thể duy trì cách đầu tư công ồ ạt, dàn trải, kém hiệu quả như thời gian vừa qua.
Ngay trong lĩnh vực hạ tầng, bây giờ chúng ta có nhiều hình thức chứ không phải chỉ trông chờ vào đầu tư công. Nhưng nhìn vào con số trên đây và nghe phát biểu của những người có trách nhiệm thì đầu tư công giảm là do không có tiền chứ không phải là do muốn giảm.
Tất nhiên nhìn vào những con số tuyệt đối như vậy thì nhiều người sẽ lo lắng mà đặt ra câu hỏi rằng tại sao trả nợ tăng lên, vay cũng tăng lên mà không có tiền cho đầu tư phát triển?
Có một vấn đề cần phải lưu ý là nhìn vào danh mục cân đối ngân sách chỉ thấy mỗi mục chi đầu tư phát triển, nhưng lại không có mục Chính phủ vay về cho vay lại mà thực chất đây cũng là khoản chi đầu tư.
Mục chi đầu tư phát triển không liên quan đến vay nợ mà liên quan đến thu ngân sách. Nếu thu ngân sách được nhiều và kết cấu của chi ngân sách được cơ cấu lại thì mới giải được bài toán về chi đầu tư phát triển.
Vâng, lấy gì để trả nợ, con cháu chúng tôi có bị gánh nặng nợ nần mà nói như Chủ tịch Quốc hội là “đè lên đầu lên cổ” không? Đó là câu hỏi của người dân dành cho Chính phủ và Quốc hội. Ông cảm nhận gì về gánh nặng nợ nần trên vai của chúng ta?
Vay nợ là để tiêu hôm nay và sẽ phải trả vào ngày mai. Nợ công như tôi đã nói là bây giờ cứ vay và gánh nặng sẽ dồn về sau, con số trả nợ được bạn dẫn ra trên đây cho thấy cái gánh càng ngày càng nặng.
Về mặt nguyên tắc Chính phủ vay thì Chính phủ phải trả, nợ công thì công trả. Nguồn để trả thì phải đi thu. Vậy thu thì ai nộp? Dân phải nộp, có thể không phải thế hệ này trả thì thế hệ tới trả, thế hệ này trả ít thì thế hệ tới phải trả nhiều.
Các cụ thường nói “đời cha ăn mặn thì đời con khát nước”. Đây là câu chuyện giải bài toán tiêu và trả nợ. Thế thì quyền tiêu và nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi phải gắn với nhau chứ không thể có chuyện người tiêu cứ tiêu còn nghĩa vụ thì không rõ.
Hiện nay ai cũng thấy rằng cả vay nợ và trả nợ đang có xu hướng tăng và chưa dừng lại.
Như vậy thì trước hết trong cơ cấu chi ngân sách sẽ đẻ ra vấn đề là nó chèn ép các khoản chi khác, ví dụ năm 2014 không có tiền để tăng lương và năm 2015 cũng đang dự kiến như vậy. Chi đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách ngày càng eo hẹp.
Thứ hai là nó sẽ gây sức ép lên thu, vì để đảm bảo nhu cầu chi sẽ phải đẩy thu lên. Thông thường cách dễ nhất là phải mở rộng các nguồn thu, hay thậm chí tăng gánh lên thu ngân sách, thậm chí tính cả bài toán bán tài sản đi.
Ví dụ vừa rồi đề cập đến phương án vốn cho dự án sân bay Long Thành, có người đề xuất là bán sân bay Tân Sơn Nhất.
Nhưng quan trọng hơn cả trong câu chuyện vay nợ là cái được và cái mất. Với VN thì không tính rõ là được cái gì bởi như trên tôi đã nói là không rõ các nguồn vay đang được sử dụng thế nào. Tóm lại, cái được thì chưa biết.
Trong khi cái mất thì rất rõ, nhãn tiền, đó là sức ép lên thu chi ngân sách, gây sức ép lên bội chi, tăng bội chi tức là tăng vay nợ. Và đặc biệt là sức ép cho tương lai.
Điểm cuối cùng đáng lưu ý là con số nợ công của VN công bố và con số của thế giới công bố cho VN vênh nhau hàng chục phần trăm. Đồng hồ nợ công thế giới đã chỉ rằng số nợ của VN sắp cán ngưỡng 90 tỉ USD, tức mỗi người VN gánh khoảng 1.000 USD nợ công.
Đây là con số đáng suy ngẫm bởi thu nhập bình quân đầu người của VN chưa đến 2.000 USD/năm.
Vừa rồi tôi cũng giật mình khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhắc Chính phủ trả khoản nợ 22.500 tỉ đồng cho bảo hiểm xã hội. Đây là chi tiết rất đáng nói bởi Chính phủ nợ bảo hiểm tức là nợ lương hưu.
Thủ tướng: Nếu tính cả đảo nợ thì nợ công của Việt Nam là 26,2% GDP
Theo Lê Kiên - Lê Thanh