MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ công: Nỗi lo nằm ở đâu?

 Trong bối cảnh năm 2014, bội chi ngân sách nhà nước được nới đến 5,3% GDP và trái phiếu chính phủ được phát hành thêm tới 170 nghìn tỷ đồng cho ba năm tới, các chuyên gia cho rằng, câu chuyện nợ công sẽ là tâm điểm của của nhiều cuộc tranh luận về an ninh tài chính quốc gia trong năm 2014.

Tránh các cú sốc


Ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia:Với thâm hụt ngân sách kéo dài như hiện nay, Chính phủ cần sớm chuẩn bị kế hoạch tài khóa bền vững để nền kinh tế tránh được các cú sốc tiêu cực trong tương lai.
Những thách thức tài khóa và nợ công cho thấy, VN cần có một cuộc cải cách triệt để và toàn diện nhằm đưa ngân sách dần trở về trạng thái cân bằng, bảo đảm tính bền vững của nợ công và duy trì sự ổn định lâu dài cho nền kinh tế. Dù ngưỡng an toàn nợ công nói chung và nợ nước ngoài nói riêng là bao nhiêu đi chăng nữa thì với thâm hụt ngân sách kéo dài như hiện nay, theo tôi Chính phủ cần sớm chuẩn bị một kế hoạch tài khóa bền vững dài hơi, giúp cho nền kinh tế tránh được các cú sốc tiêu cực trong tương lai.

 Khi mà nền kinh tế tăng trưởng nóng quá thì phải giảm bớt đầu tư công và phải điều chỉnh các chính sách để giảm nhiệt nền kinh tế. Còn khi nền kinh tế quá khó khăn, như hiện nay, Nhà nước vừa phải tăng đầu tư công lên nhưng vừa phải có chính sách nới lỏng để thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân. Vốn vật chất của nhà nước chỉ có giới hạn, là “vốn mồi”, còn chủ yếu là công cụ chính sách. Trong bối cảnh hiện nay, vốn của nhà nước tuy khó khăn nhưng cũng nên tăng thêm một chút cho đầu tư công. Muốn thế phải duy trì được tổng cầu, phải có thị trường tiêu dùng hàng hóa, lựa chọn một số nội dung cốt yếu của tái cơ cấu nền kinh tế năm 2014-2015 để tạo hiệu ứng lan tỏa lấy khu vực  kinh tế tư nhân làm động lực… Theo đó, xây dựng một kế hoạch ngân sách trung hạn, ngân sách chi tiết hàng năm để nhìn rõ nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia và chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia.

Về trung hạn: Chúng ta phải tập trung thực hiện cho được mục tiêu tái cơ cấu cơ cấu nền kinh tế, qua đó tạo yếu tố tâm lý ổn định, yên tâm đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; Đối với phần đầu tư công phải thay đổi về cơ chế phân bổ. Về tập đoàn, TCty Nhà nước, tôi cho rằng hiện nay làm việc này ì ạch nhất. Vì vậy phải đẩy mạnh thoái vốn tại các DN tại một số lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Áp lực nặng nề


TS Trần Du Lịch - Ủy viên UB Kinh tế của Quốc hội: Áp lực trong thời gian tới càng nặng nề bởi, nếu cộng 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ phát hành thêm thì tổng trái phiếu Chính phủ phát hành năm 2014 lên đến 400 nghìn tỷ đồng.
Có nhiều nguyên nhân khiến nước ta rơi vào tình trạng thâm hụt nặng về ngân sách: Thứ nhất là nỗ lực để đầu tư đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa; Thứ hai là thực hiện chính sách xã hội nhằm giảm phân hóa giàu, nghèo, cách biệt nông thôn, đô thị...; Thứ ba là liên quan đến thể chế phân bổ ngân sách, việc duy trì quá lâu một thể chế phân bổ ngân sách theo kiểu xin cho, không rạch ròi, đâu là ngân sách quốc gia, đâu là ngân sách địa phương; Thứ tư là “vung tay quá trán” trong chi tiêu. Bộ máy hành chính quá cồng kềnh, kém hiệu quả, đẻ ra quá nhiều ghế, khiến bộ máy nhà nước phình to không ngân sách nào chịu nổi; Thứ năm là kỷ cương, kỷ luật trong chi tiêu ngân sách; kiểm soát vấn đề thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản chưa tốt.

Áp lực trong thời gian tới càng nặng nề bởi, nếu cộng 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ phát hành thêm thì tổng trái phiếu Chính phủ phát hành năm 2014 lên đến 400 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, có những ý kiến cho rằng nợ công dưới 65% GDP là an toàn, nhưng sau 2015, nước ta sẽ phải dùng 1/3 nguồn thu ngân sách để trả nợ. Đây là vấn đề không còn an toàn.

Chính vì vậy, trong giai đoạn 2014 - 2015 chính sách tiền tệ  chúng ta nên duy trì mức tăng tín dụng khoảng 14-18% trong 2 năm (2014-2015) và tiếp tục 5 lĩnh vực ưu tiên như ngân hàng nhà  nước đã tích cực làm. Đối với chính sách tài khóa, chúng ta cố gắng sử dụng hiệu quả nhất dòng tiền mà Chính phủ đang sử dụng hiện nay, làm sao toàn bộ dòng tiền ngân sách nó như một dòng máu lưu thông để chúng ta tăng hiệu quả quản lý dòng tiền.

Và vấn đề lớn nhất của chúng ta trong 2 năm tới không phải là tăng trưởng 5-6% mà quan trọng nhất là tạo một sự ổn định vĩ mô, tạo niềm tin để chúng ta có thể phát triển trong giai đoạn sắp tới.

Tập trung vào các dự án hiệu quả kinh tế


TS Vũ Đình Ánh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả: Hiện nợ công dưới 60% GDP, nếu GDP tính theo giá so sánh hiện hành và theo 2013 thì nợ công lên đến hơn 100 tỷ USD, đó là con số không hề nhỏ và rất nguy hiểm.
Trong một vài năm gần đây, tốc độ nợ công tăng rất nhanh, gần như vượt qua các giới hạn tưởng là rất “ngon lành” trước đây. Với chính sách tiếp tục thế này thì đến tầm 2015 trần nợ công có khả năng vào khoảng 80% GDP.

Một vấn đề rất lớn của nợ công là không rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của Bộ Tài chính với tư cách cơ quan quản lý nợ công hay của Ngân hàng nhà nước là cơ quan gần như chuyên đi ký để vay nợ công. Từ đó để có thể làm rõ nội dung, nợ công được sử dụng như thế nào?

Chúng ta đang làm động tác rất đơn giản là trong số nợ vay mới có phần để trả nợ cũ. Nếu một ngày nào đó ta không vay thêm được thì trả nợ thế nào. Hiện nợ công dưới 60% GDP, nếu GDP tính theo giá so sánh hiện hành và theo năm 2013 thì nợ công lên đến hơn 100 tỷ USD, đó là con số không hề nhỏ.

Đầu tư công của VN hiện chưa có khái niệm rõ ràng. Mặc dù vậy, theo cách hiểu chung hiện nay thì đầu tư công là đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước, bao gồm đầu tư từ ngân sách Nhà nước, đầu tư từ vốn tín dụng Nhà nước và đầu tư từ DNNN. Theo đó, DNNN sẽ không tập trung vào mục tiêu lợi nhuận mà dựa vào đồng vốn của Chính phủ giao thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của họ chứ không phải vấn đề sử dụng làm sao thu được nhiều lợi nhuận nhất.

Theo tôi, trong bối cảnh nguồn lực hạn chế như hiện nay thì chúng ta phải tập trung vào những dự án có hiệu quả nhất. Và quan trọng là những dự án ấy không chỉ phục vụ cơ sở hạ tầng mà xét về mặt tài chính phải tạo ra hiệu quả kinh tế để có thể khoán vốn, trả nợ lãi, trả nợ gốc, giảm nhẹ gánh nặng rủi ro nợ công.

Rủi ro hiện hữu


Ông Sandeep Mahajan - Kinh tế trưởng WB tại VN: Việc nới trần bội chi từ 4,8% lên 5,3% GDP mà Quốc hội thông qua, không thể kéo dài, chỉ có thể thực hiện được trong 1-2 năm tới vì có thể gây nguy cơ méo mó các cân đối về nợ.
Mặc dù tình hình kinh tế thế giới đang tiếp tục có xu hướng biến động tiêu cực, nhưng kinh tế vĩ mô của VN đã có những bước cải thiện, lạm phát duy trì ở mức hợp lý, các tài khoản đối ngoại được tăng cường…Theo chúng tôi, tăng trưởng GDP năm 2013 đạt 5,3% và năm 2014 là 5,4%

Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn hiện hữu khi mục tiêu duy trì bền vững đà phục hồi tăng trưởng GDP của VN vẫn gặp trở ngại. Ngân sách chịu áp lực ngày càng tăng, Chính phủ đang phải đối mặt với một số lựa chọn quan trọng về chính sách tài khóa khi cùng lúc theo đuổi hai mục tiêu: Vừa phục hồi, tăng trưởng kinh tế, vừa ổn định kinh tế vĩ mô. Tiến độ cải cách DNNN đã diễn ra với tốc độ chậm hơn dự kiến do khung pháp lý rườm rà và những hạn chế về phân tích tài chính, nghiệp vụ...

Từ phân tích trên cho thấy, cho dù kinh tế vĩ mô có phát triển nhưng triển vọng về nợ công của VN vẫn  còn ẩn chứa những rủi ro. Điều này càng nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố tài khóa. Việc nới trần bội chi từ 4,8% lên 5,3% GDP mà Quốc hội thông qua, không thể kéo dài, chỉ có thể thực hiện được trong 1-2 năm tới vì có thể gây nguy cơ méo mó các cân đối về nợ. Hiện tỷ lệ nợ của Chính phủ đã lên tới trên 50% GDP, WB e ngại khả năng chống chọi với các cú sốc kinh tế giảm sút.

Để đảm bảo tăng trưởng, cân đối nợ… VN cần một chiến lược kép, cần tiến tới các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị thông qua việc cập nhật công nghệ. Nhưng trước mắt, VN cần chú trọng mục tiêu tăng cường ba trụ cột chính: Cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần; Đơn giản hóa các thủ tục, quy định về thương mại; Tổ chức lại chuỗi cung ứng để tạo thuận lợi phát triển thương mại.

Sau 2015, nước ta sẽ phải dùng 1/3 nguồn thu ngân sách để trả nợ. Đây là vấn đề không còn an toàn.

Phương Hà, Phan Nam,
Bá Tú, Tuấn Anh

cucpth

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên