Nợ thuế vẫn còn 70.000 tỷ đồng
Tổng cục Thuế mới truy thu được hơn 39.000 tỷ đồng, con số nợ thuế tính đến cuối năm 2015 vẫn lên đến gần 70.000 tỷ đồng.
- 26-02-2016Hơn 39.000 tỷ đồng thu từ nợ thuế cứu nguy hụt thu từ dầu thô
- 14-02-2016"Trong năm 2016 tỷ lệ thu hồi nợ thuế sẽ cao hơn năm trước"
- 13-02-2016Hà Nội tiếp tục “bêu tên” 110 doanh nghiệp nợ thuế
- 15-01-2016Hàng loạt ông lớn BĐS tiếp tục bị Hà Nội "điểm tên" nợ thuế
- 14-01-2016Hà Nội công khai 139 doanh nghiệp nợ thuế hàng trăm tỷ đồng
Năm 2016, ngành thuế tiếp tục các giải pháp truy thu, chống nợ đọng thuế, cơ cấu lại nguồn thu, ứng phó với hụt thu ngân sách nhà nước do giá dầu thế giới giảm. Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2016, do Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính tổ chức ngày 26/2 tại Hà Nội.
Theo Tổng cục Thuế, kết quả thu năm 2015 do cơ quan thuế quản lý đạt hơn 800.000 tỷ đồng, bằng 110,2 dự toán (tương ứng vượt gần 75.000 tỷ đồng). Giá dầu giảm sâu tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình thu ngân sách của cơ quan thuế khi thu từ dầu thô chỉ bằng 72,6% dự toán, tương ứng đạt 67.510 tỷ đồng. Như vậy, hụt thu từ dầu thô ở mức gần 25.500 tỷ đồng.
Đối với các hoạt động thu ngân sách, chống thất thu, cơ quan thuế đã tăng thu 12.350 tỷ đồng. Riêng công tác thanh kiểm tra chống chuyển giá, cơ quan thuế kiểm tra hơn 4.700 doanh nghiệp lỗ có dấu hiệu chuyển giá, giảm lỗ hơn 10.000 tỷ đồng, truy thu hoàn và phạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Liên quan đến công tác quản lý nợ thuế, Tổng cục Thuế truy thu được hơn 39.000 tỷ đồng tiền nợ thuế. Tuy nhiên, con số nợ thuế tính đến cuối năm 2015 vẫn lên đến gần 70.000 tỷ đồng. Nhiều địa phương, số nợ thuế tăng trên 20 - 30%.
Trong năm 2016, theo nhiệm vụ ngân sách Nhà nước được Quốc hội, Chính phủ giao, dự toán số thu là 809.500 tỷ đồng, trong đó dầu thô là 54.500 tỷ đồng; thu nội địa là 755.000 tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, số thu của ngành thuế phải đạt tối thiểu 21 – 22% GDP. Do đó, cần cơ cấu lại nguồn thu để đảm bảo bội chi không quá 4% và nợ công không quá 65%, trên cơ sở là nguồn thu nội địa phải đạt trên 80%, thay vì mức 70% của 5 năm qua.
“Việc xây dựng dự toán trên cơ sở giá dầu 60 USD/thùng, nhưng 2 tháng vừa qua giá dầu giảm còn 30-34 USD/thùng. Theo tính toán, giá dầu thô cứ giảm 1 USD thì giảm thu ngân sách 1.600 - 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra, giá thành giảm, sản xuất tăng lên, thì có thể nhìn thấy ngân sách địa phương tăng thu 50.000 tỷ đồng”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, để đảm bảo số thu của ngành thuế cần tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Dựa vào sản xuất kinh doanh để bù hụt thu ngân sách Trung ương. Thứ hai là việc xử lý nợ thuế hiện còn 70.000 tỷ đồng, số bất khả kháng, cần xử lý là trên dưới 25.000 tỷ đồng và số còn lại là nhiệm vụ thu của 63 tỉnh, thu nợ đọng là một nhiệm vụ quan trọng. Thứ ba là tập trung thanh tra, chống chuyển giá.
Năm 2016, ngành thuế sẽ tập trung đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế theo phương pháp quản lý rủi ro, phấn đấu thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đạt tối thiểu 18% số lượng doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế. Phấn đấu tăng thu qua thanh tra, kiểm tra trên 13.000 tỷ đồng; số nộp ngân sách trên 10.000 tỷ đồng.
Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm và các mặt hàng nhạy cảm, tập trung vào các lĩnh vực còn thất thu như hoạt động giao dịch liên kết, thương mại điện tử và các lĩnh vực ngân hàng, dự án đất đai, kinh doanh bất động sản, kinh doanh dược phẩm...
Ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tháo gỡ những khó khăn, khắc phục những hạn chế làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của doanh nghiệp. Đẩy mạnh tiến trình cải cách hiện đại hoá công tác thuế theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ giao./.
VOV