MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Nuôi quân ba năm, dụng một giờ'?

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho rằng mua xe bơm siêu sang là giải pháp chống ngập cấp bách, hiệu quả, còn mua về có “đắp chiếu”, gây lãng phí không thì phải chấp nhận bởi không thể dự báo được khi nào có mưa lớn. Ông Dũng nói:

Năm 2011, khi thủ đô Bangkok (Thái Lan) bị ngập nặng thì thành phố có cử đoàn qua học hỏi kinh nghiệm. Để bảo vệ thủ đô, họ huy động toàn bộ máy bơm với tổng công suất lên đến 1.600 m3/giây, trong đó có nhiều xe bơm di động. Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) cũng sử dụng. Họ làm hầm ngầm có thể chứa được máy bay Boeing, mỗi khi ngập lại dồn nước về để bơm. Tháng 9/2015, UBND TPHCM tổ chức hội thảo chống ngập, nhiều chuyên gia châu Âu khuyến cáo TPHCM nghiên cứu giải pháp này.

Nhiều chuyên gia băn khoăn TPHCM đã làm nhiều trạm bơm nhưng vẫn ngập, bây giờ các ông lại đề xuất chi 1.400 tỷ đồng mua xe bơm thì có hiệu quả?

Hệ thống cống qua các thời kỳ, hiện nay có những tuyến xây từ thời Pháp vẫn còn sử dụng. Trước đây mức độ ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) không lớn như bây giờ. Có những tuyến mới làm 10 năm đã quá tải, bị tràn khi mưa lớn. Trong khi đó, TPHCM chỉ có vài trạm bơm cố định công suất không đáng kể như Nhiêu Lộc - Thị Nghè (ngã ba sông) công suất 48 m3/giây, cầu Ông Buông, Mễ Cốc, Bình Lợi, Rạch Lăng, Thanh Đa. Tổng công suất các trạm bơm chưa tới 200 m3/giây không đủ khả năng hỗ trợ thoát nước khi mưa lớn.

Bơm cố định không thể di chuyển từ nơi không ngập đến nơi đang ngập để hút nước.

Vì sao không làm thêm một số trạm bơm tại các điểm ngập lại đề xuất mua xe bơm giá cực đắt khiến người dân ví là mua xe Rolls Royce chống ngập?

Lập trạm bơm thì cần có mặt bằng. Vì không có mặt bằng mới tính đến xe bơm. Về khả năng thoát nước thì công suất bơm của trạm cố định lớn hơn xe. Trạm có đầy đủ hố thu nước, bể xả, còn xe bơm thì tận dụng điều kiện thực tế tại hiện trường. Trạm bơm cố định luôn cần nhà trạm và thường đi kèm theo hạ thế, còn xe bơm thì không cần mà vận hành bằng động cơ xe. Vì vậy, chi phí làm một trạm bơm cố định luôn cao hơn so với mua xe bơm. Hơn nữa, trạm cố định cần duy trì người trực, phải trả lương, còn xe sau khi bơm xong đưa về cất thì tiết kiệm hơn.

Thưa ông, xe bơm mỗi chiếc gần 20 tỷ đồng, nếu không có tính năng đặc biệt thì chỉ dát vàng mới có giá đó?

Mô tả sơ bộ thì xe bơm tự vận hành được. Xe có đủ ống hút, ống xả, chắn rác, thiết bị mở nắp cống,… khi đến hiện trường chỉ với nhân sự vận hành, xe có thể tự thao tác được.

Trung tâm mới trình đề xuất này đầu tháng 3, hiện UBND TPHCM và Sở KHĐT chưa có ý kiến. Chúng tôi nhờ tư vấn cung cấp thông tin các chủng loại xe bơm, giá mua rồi lấy mức bình quân. Tóm lại 20 tỷ chỉ là tạm tính để có con số, chắc chắn là chưa chính xác. Sau này nếu làm dự án cụ thể thì giá có thể thấp hơn nhiều. Nếu chúng tôi xin ít, sau này thiếu phải xin thêm là tự làm khó mình. Mua xe bằng vốn ngân sách thì phải tuân thủ chặt chẽ Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu. Nếu UBND TPHCM chấp thuận chủ trương thì sẽ mời tư vấn làm chi tiết…

Mỗi năm chỉ vài tháng mưa, mưa lớn gây ngập thi thoảng mới có. Ngoài thời gian trên, số xe bơm trị giá nghìn tỷ các ông “đắp chiếu” hay sử dụng vào mục đích khác?

Sử dụng vào việc gì thì chúng tôi chưa nghiên cứu nhưng phải nói có những việc phải biết chấp nhận. Người xưa vẫn nói “Nuôi quân ba năm, dụng quân một giờ”, còn sợ lãng phí không làm thì phải chấp nhận sống chung với ngập. Người ta nuôi cả bộ máy quân đội, đâu phải ngày nào cũng đánh nhau.

Không ai dự đoán trước được ngày nào mưa lớn, chỉ tính tần suất xảy ra thôi. Như trận mưa ngày 15/9/2015, không ai dám khẳng định trong năm nay không lặp lại và lặp lại khi nào. Đương nhiên, TPHCM phải chống ngập căn cơ, tốn rất nhiều tiền và không thể làm ngay. Như chương trình ứng phó BĐKH giai đoạn 1, mới ngăn triều cường và chưa chống ngập do mưa chi phí đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng để xây 6 cống ngăn triều. UBND TPHCM chỉ đạo trong thời gian chờ dự án căn cơ hoàn thành phải làm dự án cấp bách. Chờ các dự án căn cơ thì TPHCM tan hoang hết.

Cám ơn ông.

Theo đề xuất của Trung tâm, TPHCM sẽ trích ngân sách khoảng 1.400 tỷ đồng mua 63 xe bơm, gồm: 28 xe công suất 20 m3/phút, 23 xe công suất 30 m3/phút, 12 xe công suất 60 m3/phút, tức khoảng 20 tỷ đồng/xe. Số xe trên xóa ngập cho lưu vực khoảng 336,3 ha ở phía Bắc và khu vực trung tâm TPHCM, giảm ngập cho khoảng 30 tuyến đường.

Tiền dân không được sử dụng tùy tiện

Ngày 24/3, tại một cuộc họp của UBND TPHCM đề cập đến đề xuất mua xe bơm chống ngập, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói: Tiền mua xe là tiền của dân, không thể sử dụng một cách tuỳ tiện. “Cái này mới là đề xuất của nhà đầu tư với trung tâm chống ngập. Giám đốc trung tâm chống ngập cũng chưa đồng ý. 1.400 tỷ đồng tiền ngân sách đâu thể sử dụng một cách tùy tiện. Tất cả phải qua hội đồng thẩm định, các cơ quan chức năng,…báo cáo rồi UBND thành phố còn thảo luận, có những vấn đề phải xin ý kiến thường vụ thành ủy”, ông Phong nói.

Theo Huy Thịnh

Tiền Phong

Trở lên trên