MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Oằn vai gánh nợ từ trạm bơm điện”: An Giang tiếp tục cầu cứu Chính phủ

Thông tin này do ông Lê Văn Nưng, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đưa ra.

Tuổi Trẻ ngày 29-8 đăng bài “Oằn vai gánh nợ từ trạm bơm điện” nói về tình trạng nợ nần của người dân tham gia làm dịch vụ tưới tiêu cho lúa vụ ba trong hệ thống trạm bơm điện ở An Giang.

Ông Lê Văn Nưng cho biết để trả vốn cho Tổng công ty Điện lực Miền Nam vay từ ngân hàng, An Giang nhiều lần kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tài chính nhưng không được nên đã phân bổ nguồn vay tín dụng ưu đãi từ chương trình kiên cố hóa kênh mương (năm năm không lãi suất) để trả một phần nợ.

Đồng thời, UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện thị đôn đốc, tập trung thu nợ của các chủ khai thác, từ dân để hoàn trả cho Điện lực Miền Nam, nhưng do mấy năm nay giá lúa bấp bênh nên việc thu hồi nợ đạt thấp. Năm nay, nguồn vốn chương trình kiên cố hóa kênh mương cũng phải tập trung làm đê bao và đường giao thông nên không còn nguồn hỗ trợ trả nợ.

Trước tình hình đó, An Giang tiếp tục cầu cứu Chính phủ hỗ trợ để giảm bớt khoản đóng góp từ dân.

Còn ông Đỗ Vũ Hùng, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho rằng ngành điện nên gánh vác, chia sẻ với dân trong chuyện nợ nần này.

Ông Hùng còn lý giải chuyện tỉnh An Giang phải nhờ Điện lực Miền Nam vay vốn để đầu tư trạm bơm điện là do: “Trước yêu cầu bức thiết cần phải có trạm bơm điện, trong khi nguồn hỗ trợ từ trung ương thì không biết chừng nào mới có nên sau nhiều lần bàn bạc, UBND tỉnh An Giang chấp nhận phương thức giao Điện lực Miền Nam làm chủ đầu tư vay vốn đầu tư hệ thống điện ba pha, UBND tỉnh chịu trách nhiệm hoàn trả vốn lẫn lãi theo tiến độ của hợp đồng, còn dân đóng góp trả vốn và lãi vay lại cho họ thông qua đóng phí bơm rút nước cho các chủ khai thác”.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng: “Nông dân đóng góp đầu tư nhưng ngành điện lại độc quyền sử dụng hệ thống ba pha để bán điện cho các cơ sở khác, với lại sau này toàn bộ trạm bơm điện phải bàn giao cho ngành điện quản lý khai thác. Tỉnh đã có hướng giải quyết chuyện bất hợp lý này?”. Ông Đỗ Vũ Hùng cho biết:

“Trước đây khi ký hợp đồng giao Điện lực Miền Nam đầu tư, UBND tỉnh và các ban ngành đã bàn tới bàn lui rất nhiều nhưng cuối cùng tỉnh chấp thuận cho Điện lực Miền Nam quản lý, sử dụng hệ thống điện đã đầu tư để bán điện trực tiếp cho khách hàng có nhu cầu. Bởi theo quy định, đơn vị có nghiệp vụ chuyên môn mới được quản lý, khai thác, sửa chữa hệ thống điện”.

Tuy nhiên, ông Hùng thông tin thêm sau khi có rất nhiều ý kiến phản đối, không đồng tình việc này, UBND tỉnh và Sở NN&PTNT vừa yêu cầu các huyện thị cơ cấu, tính toán lại cụ thể việc tới đây giao ai quản lý, khai thác hệ thống điện này.

“Nếu như bên điện lực muốn khai thác sử dụng hệ thống đó để bán điện thì Điện lực Miền Nam phải gánh vác, chia sẻ lại chi phí đã đầu tư. Các ban ngành, địa phương đều thống nhất theo hướng xử lý này” - ông Hùng nói.

* Trong khi đó chiều cùng ngày, ông Lê Xuân Thái - trưởng ban quan hệ cộng đồng Tổng công ty Điện lực Miền Nam - cho biết Điện lực Miền Nam không có vốn và cơ chế để hỗ trợ An Giang trong việc trả nợ vay đầu tư trạm bơm điện.

Theo ông Thái, việc Điện lực Miền Nam đầu tư lưới điện phục vụ hệ thống trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2008-2012 được cụ thể hóa bằng hợp đồng.

Theo đó, UBND tỉnh An Giang bỏ vốn đầu tư thông qua ngân hàng và chịu trách nhiệm trả lãi vay. Để đầu tư lưới điện phục vụ các trạm bơm, Điện lực Miền Nam đã tốn hơn 1.000 tỉ đồng để phát triển lưới điện khác vừa để kết nối vừa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh An Giang.

Với số tiền đầu tư lớn như vậy nhưng giá thành điện bán cho các trạm bơm (thời điểm năm 2008 là 250 đồng/kWh (thời gian thấp điểm), hiện nay từ 785-890 đồng/kWh - tùy theo cấp điện áp) thấp hơn giá thành nên ngành điện chịu lỗ.

Hiện nay, tình hình vốn rất khó khăn, chưa kể muốn sử dụng vốn làm chuyện gì phải dựa trên cơ chế, quy định nên không có nguồn và cơ sở để hỗ trợ An Giang trong vấn đề tài chính này.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Nguồn vốn do UBND tỉnh An Giang đầu tư nhưng Điện lực Miền Nam được quyền khai thác vận hành lưới điện, nên chăng cần có sự chia sẻ trong việc trả nợ vay?”, ông Thái cho rằng việc này đã được quy định cụ thể trong hợp đồng là: “Điện lực Miền Nam được quyền khai thác sử dụng lưới điện này để bán điện... nhưng đảm bảo không ảnh hưởng việc cấp điện các trạm bơm”.

Ông Thái cho biết thêm từ khi đưa lưới điện vào khai thác đến nay, Điện lực Miền Nam đã đấu nối cho 136 trường hợp khác nhưng những khách hàng này chủ yếu cũng dùng điện cho các trạm bơm phục vụ tưới tiêu, thắp sáng sinh hoạt cho người dân.

Theo ĐỨC VỊNH - QUANG KHẢI

thanhhuong

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên