MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ổn định vĩ mô, tạo động lực cho 2014

Trong những ngày cuối năm bận rộn, TS.Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có cuộc trò chuyện về góc nhìn của ông đối với những mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong năm 2014.

Năm tới Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng GDP 5,8%. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế 2013 chưa đạt mục tiêu đề ra, theo ông, có triển vọng gì cho thấy kinh tế Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này?

Trước hết, nhận định tình hình kinh tế năm 2014 có một số tác động thuận lợi và không thuận lợi.

Thuận lợi lớn nhất mà năm 2013 chuyển sang đó là chúng ta đã ổn định được kinh tế vĩ mô. ổn định này rất quan trọng, làm cho các yếu tố khác có cơ hội phát triển và ổn định theo. Biểu hiện rõ nét lạm phát đã được kiểm soát. Chúng ta đã thành công và có kinh nghiệm. Chắc chắn sang 2014 vẫn sẽ tiếp tục được kiểm soát.

Thứ hai, những vấn đề về kinh tế, đặc biệt là điều hành về chính sách, công cụ chính sách để điều hành kinh tế đã theo xu hướng thị trường, hội nhập, đảm bảo ngày càng tốt hơn những nguyên tắc của thị trường và theo hướng cung cầu để kiến tạo những yếu tố bền vững. Ví dụ như điều hành giá. Chúng ta thấy khó khăn nhưng vẫn kiên quyết điều hành giá theo lộ trình thì đó cũng là yếu tố bền vững.

Đồng thời kiên quyết giảm lãi suất vay và tiền gửi để cứu cho sản xuất, để lãi suất trở về trạng thái bình thường. Hay là ổn định tỷ giá tạo ra sản xuất cung cầu tốt hơn, tạo ra những yếu tố xuất khẩu tốt hơn và tăng dự trữ ngoại tệ cho quốc gia.

Thứ ba, trong điều kiện hiện nay vẫn có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như miễn thuế kể cả thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp...

Đấy là những yếu tố tạo dựng được sự thuận lợi để đạt được chỉ tiêu năm 2014.

Ổn định vĩ mô, tạo động lực cho 2014 1Khó khăn 2014 phải kể đến sức khỏe doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nâng lên, số thu hẹp sản xuất và phá sản còn cao, thậm chí có lĩnh vực tăng.TS.Cao Sỹ Kiêm

Vậy đâu sẽ là những khó khăn trong năm 2014, thưa ông?

Theo tôi, khó khăn 2014 phải kể đến sức khỏe doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nâng lên, số thu hẹp sản xuất và phá sản còn cao, thậm chí có lĩnh vực tăng. Ngoài ra, tốc độ sản xuất công và nông nghiệp đều giảm. Đặc biệt là công nghiệp đang ở xu hướng giảm tốc còn nông nghiệp thì chững lại. Thu ngân sách trước mắt và lâu dài vẫn sẽ tiếp tục khó khăn. Sản xuất co lại, sức khỏe doanh nghiệp và sức dân như thế thì đóng góp sẽ bị hạn chế.

Theo ông, cần làm gì để có thể tạo động lực tăng trưởng cho năm nay?

Năm 2013 có một vài yếu tố sẽ giúp cho kết quả năm 2014 tốt hơn. Đó là đã có chuyển hướng tích cực hơn về các chủ trương dài hạn. Những năm trước đây, chúng ta chủ yếu tập trung giải pháp tình thế, đôi khi dùng biện pháp hành chính, mệnh lệnh trái ngược với kinh tế thị trường. Hiện nay đã giảm. Tiến tới năm 2014 sẽ tập trung vào các vấn đề dài hạn, như mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế, hệ thống thể chế.

Có 3 trọng tâm vừa qua chúng ta đã làm nhưng chưa triệt để. Việc phân bổ lại vốn bắt đầu thành công, hệ số ICOR giảm xuống, đầu tư dàn trải ít đi... Đây là hướng dài hạn tôi cho là tốt.

Về sắp xếp hệ thống ngân hàng, sau khi làm được 8-9 ngân hàng yếu kém thì cần tiếp tục tập trung sắp xếp lại toàn bộ hệ thống ngân hàng. Chúng ta bắt đầu giải quyết vòng đầu nợ xấu để khỏi đổ vỡ. Cần tiến lên một bước là tập trung nợ xấu và tháng 6 năm nay tính lại một cách triệt để hơn. Điều này sẽ đưa nền kinh tế vào thế bền vững.

Ngoài ra, cũng cần sắp xếp doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước cũng theo tinh thần triệt để và cổ phần hóa nhanh... về cả nội dung, phương pháp, điều hành, cán bộ như thông điệp của Chính phủ.

Ông nhìn nhận thế nào về việc Chính phủ nâng mục tiêu lạm phát lên 7% trong khi năm 2013 chỉ 6,04% và chỉ tiêu tín dụng, bội chi ngân sách cũng nới hơn?

Mục tiêu đề ra cho 2014 là lạm phát 7%, đây không là nới lỏng ra, nhưng sự thực cũng là để cho yếu tố phát triển mạnh lên. Kể cả ngân hàng, nâng tổng phương tiện thanh toán lên 16 - 18% và tổng tín dụng lên 12-14%.

Tổng dư nợ tín dụng tăng lên, trái phiếu tăng lên, nợ dư ngân sách tăng lên thì yếu tố tăng trưởng 5,8% và nâng lạm phát 7% là hài hòa, vừa tung vốn ra để tăng lạm phát lên một chút vừa cứu được yếu tố tăng trưởng.

Ổn định vĩ mô, tạo động lực cho 2014 2Nếu tăng bội chi ngân sách lên 5,3% GDP, tăng tín dụng lên 14%, nếu trái phiếu có số lượng lớn mà không đúng lúc đúng chỗ, không tạo ra sức mua, không tạo ra khả năng tăng trưởng thì sẽ bùng lạm phát trở lại.TS.Cao Sỹ Kiêm

Ông có cho rằng, lạm phát năm tới là vấn đề lo ngại nhất không?

Lạm phát hiện tại đang có hai khuynh hướng chi phối, với sức mua và tổng cầu này thì lạm phát không đến mức áp lực lớn, đe dọa nhiều. Nhưng nếu tăng bội chi ngân sách lên 5,3% GDP, tăng tín dụng lên 14%, nếu trái phiếu có số lượng lớn mà không đúng lúc đúng chỗ, không tạo ra sức mua, không tạo ra khả năng tăng trưởng thì sẽ bùng lạm phát trở lại.

Tuy nhiên, hoàn toàn có thể tin tưởng nếu các biện pháp quản lý tốt hơn, trái phiếu được đưa vào xây dựng cơ bản, tạo ra công ăn việc làm, tạo sức mua, thu nhập mà không rơi vào rủi ro, nợ chéo, cho vay chéo thì khả năng có thể kiềm chế được lạm phát và đảm bảo được khả năng tăng trưởng. Với điều kiện là khả năng quản lý tốt hơn và rút được kinh nghiệm năm vừa rồi.

Lượng doanh nghiệp phá sản năm qua rất lớn, số doanh nghiệp thành lập cũng tăng. Năm tới Chính phủ nên có biện pháp hỗ trợ gì để phục hồi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Số liệu hơn 60.000 doanh nghiệp phá sản trong 2013 thực tế có thể còn cao hơn. Số vừa thành lập mới cũng ngang ngửa nhưng chất lượng thấp hơn. Phần lớn những doanh nghiệp “chết” là những doanh nghiệp trung bình, hoặc những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có thương hiệu, có tỷ suất hàng hóa và lợi nhuận đóng góp nhiều.

Còn những doanh nghiệp mới thành lập thì còn hạn chế trong sử dụng lao động, số vốn ít, số ngân sách đóng góp cũng hạn chế. Thậm chí nhiều doanh nghiệp mới thành lập là do nhiều doanh nghiệp bê bết quá nên bỏ cái cũ và xây dựng mới, lấy thương hiệu khác để được vay vốn.

Muốn lành mạnh bộ phận này thì bắt buộc phải thả ra khỏi thị trường, có như vậy mới có thể làm lại được. Những doanh nghiệp còn có thời cơ, yếu kém không phải do điều kiện chủ quan gây nên thì cần tiếp sức. Kể cả là đổi mới công nghiệp, đào tạo tổ chức thị trường mới, tạo điều kiện thủ tục hành chính, tiếp cận vốn thậm chí về năng lực chủ quan như giảm thuế để tăng nội lực của doanh nghiệp. Tất cả biện pháp trên mới giúp doanh nghiệp chớp được thời cơ.

Liệu Chính phủ có nên thêm biện pháp nào hỗ trợ cho doanh nghiệp nữa không, thưa ông?

Vừa qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều chỉ tiêu giải cứu doanh nghiệp. Như vậy là đủ nhưng có 3 vấn đề cần làm tiếp để rút kinh nghiệm.

Thứ nhất, giải pháp định hướng phải sớm cụ thể hóa. Vừa rồi triển khai chậm, không kịp thời thậm chí còn nửa vời khiến doanh nghiệp không thể chớp thời cơ và mất lòng tin.

Thứ hai là khi đề ra các giải pháp cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chính sách, các bộ phận và các địa phương với nhau.

Thứ ba, trong quá trình thực hiện cần kiểm tra giám sát thường xuyên đồng thời cần minh bạch, công khai để phát huy nhân tố tốt, đồng thời xử lý các vi phạm, hành vi lợi dụng cục bộ cho mục đích cá nhân. Có như vậy mới tạo động lực và niềm tin cho các doanh nghiệp.

Khối doanh nghiệp FDI xuất khẩu khá cao đã góp phần quan trọng giúp cán cân thương mại thặng dư. Vậy điểm sáng khối FDI đáng mừng hay đáng lo khi mà khối FDI này cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước?

Có hai phía để nhìn nhận vấn đề này. Khối doanh nghiệp FDI có giá trị xuất khẩu tốt hơn, khả năng sinh lời cao hơn, có trình độ quản lý hiệu quả hơn. Họ thực sự là tấm gương cho doanh nghiệp Việt Nam học hỏi. Tuy nhiên đối với vốn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, lợi nhuận chuyển cho họ là chủ yếu còn chúng ta thu nhập ở giá trị gia tăng của người lao động.

Đóng góp của khối FDI vào ngân sách có mức độ, giải quyết việc làm và lợi ích toàn xã hội có cũng mức độ nhất định. Nếu chúng ta không vươn lên, không phát triển toàn diện, không phối hợp nhịp nhàng giữa các doanh nghiệp trong nước thì về lâu dài là thiệt hại. Chúng ta làm để cho người nước ngoài hưởng lợi gần hết và mình chịu hậu quả, phúc lợi xã hội phải lo, cơ sở hạ tầng mình đầu tư không thể tái tạo được. Vừa mừng vừa lo là như vậy.

Do vậy, chúng ta cần nâng cao năng lực hồi sinh để sử dụng lao động tốt, tăng chuỗi giá trị gia tăng để có thể được hưởng lợi. Dù hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài đã có sự đóng góp nhưng về lâu dài, về hiệu quả kinh tế thì cần thận trọng.

Theo Duy Cường

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên