MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Lê Phước Vũ: Quá dễ dãi với FDI, nguy cơ lâu dài cho đất nước

Theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, ưu đãi nhiều, dễ dãi với doanh nghiệp FDI tuy có lợi ích trước mắt, nhưng lâu dài lại là một nguy cơ.

Chia sẻ với VOV những ưu tư về chính sách thu hút đầu tư của doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, lo lắng nhiều về vị thế tương lai của doanh nghiệp Việt và cho rằng thu hút và ưu đãi nhiều cho doanh nghiệp FDI mang lại không ít lợi ích trước mắt cho nền kinh tế, nhưng về lâu dài đây chính là một nguy cơ.

Mọi nền kinh tế đều cần vốn FDI

Có thể nói doanh nghiệp nước ngoài là không thể thiếu cho sự phát triển kinh tế trong nước, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Trên thế giới, nhiều nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc… họ vẫn phải kêu gọi đầu tư nước ngoài, huống hồ nước ta đang phát triển. Việc thu hút DN FDI là kèm theo thu hút công nghệ, tích lũy vốn, năng lực sản xuất để tạo năng lực cạnh tranh quốc gia. Bất kỳ nền kinh tế nào cũng cần có đầu tư nước ngoài và luôn luôn coi trọng nó. Chính phủ Mỹ cũng mới có cuộc họp về việc kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Mỹ. Bản thân các nước phát triển cũng vẫn luôn kêu gọi đầu tư nước ngoài thì chẳng lý do gì Việt Nam lại không kêu gọi.

Tuy nhiên, cái vướng hiện nay có phần do vấn đề lịch sử, ở nước ta có sự phân biệt doanh nghiệp quốc doanh với ngoài quốc doanh. Doanh nghiệp quốc doanh thì vì nhiều lý do, làm ăn còn chưa hiệu quả nên nước ta chưa có những tập đoàn quốc doanh lớn thật để dẫn dắt nền kinh tế.

Trong bối cảnh mở cửa hội nhập, kinh tế quốc gia phải do các doanh nghiệp Việt Nam là chủ chốt, làm lực lượng cơ yếu. Nhưng hiện nay, do sự yếu kém của doanh nghiệp trong nước nên tỷ trọng doanh nghiệp FDI quá lớn. Một ví dụ cụ thể như gần đây có thông tin siêu thị của doanh nghiệp FDI không cho hàng Việt vào. Thông thường siêu thị của Thái Lan thì ưu tiên hàng Thái vào, siêu thị của Nhật Bản thì ưu ái hàng Nhật. Hay như nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam, nhưng các hợp đồng cung ứng sản phẩm phụ trợ lại không có hàng Việt Nam. Chẳng hạn Samsung chỉ có công ty con, vệ tinh của Hàn Quốc cung ứng mà không doanh nghiệp Việt nào xen vào được. Nhà đầu tư Nhật Bản và Đài Loan khi đầu tư vào nước ta cũng vậy.

Địa phương đang dễ dãi với DN FDI…

Rõ ràng là chúng ta ưu đãi cho DN FDI rất lớn, nhưng không biết do ta quá dễ hay quá muốn kêu gọi doanh nghiệp FDI mà các điều khoản kèm theo ở đưa ra chưa rõ ràng, ví dụ, anh vào làm cái này thì những việc này phải giao cho người Việt Nam làm và làm với tỷ trọng là bao nhiêu. Trong khi đó, Singapore, Trung Quốc họ làm việc này rất chặt.

Chẳng hạn, khi doanh nghiệp nước ngoài muốn bán thiết bị cho nhà máy của doanh nghiệp FDI tại Trung Quốc, doanh nghiệp đó buộc phải chuyển giao công nghệ vào Trung Quốc. Khi Trung Quốc nắm được công nghệ thì họ lại có thể cạnh tranh trở lại được. Đó là một nước cờ cao. Còn với Việt Nam, nhiều người đang cho rằng chính sách thu hút đầu tư ở nhiều tỉnh đang dành quá nhiều ưu đãi mà dễ dãi trong ràng buộc nhà đầu tư, thậm chí có ràng buộc thì cũng không có tính tuân thủ cao, không có chế tài xử lý. Vậy nên, đơn cử như ngành thép Việt Nam, trong tương lai không xa, nếu doanh nghiệp trong nước yếu thì có thể sẽ “chết” luôn, không cạnh tranh nổi với sản phẩm của doanh nghiệp FDI.

Không nên phân biệt quốc doanh hay tư nhân nữa

Thực tế đang đặt ra vấn đề chúng ta phải đối mặt trong tương lai là khi mà doanh nghiệp nước ngoài đã “đánh” cho DN trong nước không cạnh tranh nổi, tự thua, mất thị phần, khi đó giá cả sản phẩm đó sẽ như thế nào?

Nói về doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay, chúng ta không nên phân biệt doanh nghiệp quốc doanh hay tư nhân nữa mà đó đều là doanh nghiệp của người Việt Nam. Nhưng cần phải phát triển công ty đại chúng và cơ chế kiểm soát. Mô hình công ty này thì nếu làm ăn lộn xộn, các cổ đông sẽ lên tiếng, can thiệp. Khi đó khỏi cần lo chuyện tham nhũng. Chính phủ chỉ cần lo tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ra nhiều sản phẩm, đóng thuế nhiều, tạo nhiều việc làm cho người dân, tạo sức mua, sức bật cho nền kinh tế.

Đối với những doanh nghiệp làm được việc đó, Chính phủ cần đứng sau lưng. Cách làm này nhiều quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều đang làm, nhiều tập đoàn lớn của họ có Chính phủ "chống lưng". Khi có tranh kiện quốc tế liên quan đến các tập đoàn này thì Chính phủ sát cánh cùng doanh nghiệp.

Vậy làm sao để đưa doanh nghiệp Việt Nam phát triển? Trước tiên, ví dụ các doanh nghiệp như bộ phận cấu thành của một cơ thể quốc gia thì doanh nghiệp trong nước phải là các tay phải, chân phải, còn doanh nghiệp FDI là tay trái, chân trái, và tay phải, chân phải phải thực sự mạnh. Nhưng tiếc là hiện nay không phải vậy. Thậm chí có thể nói doanh nghiệp trong nước còn có tình trạng bị teo tóp đi.

Trong vòng 10 - 20 năm nữa, những tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan, với tiềm lực lớn, họ sẽ thâu tóm hệ thống bán lẻ của nước ta thì làm sao hàng Việt có thể đưa được vào hệ thống bán lẻ này? Với các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc… khác đang đầu tư ở Việt Nam cũng sẽ tương tự.

Như thế, nhìn trước mắt, doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đang mang lại nhiều lợi ích thật là tạo công ăn việc làm, tạo ra ngân sách và tạo ra sự phát triển… Nhưng về lâu dài nếu nhìn ở tấm chiến lược thì đây chính là một nguy cơ, kinh tế Việt Nam khó mà tự lực tự cường được.

Chính phủ phải ra tay

Ngay từ bây giờ chúng ta cần xử lý các vấn đề một cách đạt tình, thấu lý; và đồng thời phải có tầm nhìn trung hạn và dài hạn một cách chiến lược để đẩy doanh nghiệp Việt Nam phát triển lên. Làm việc này thì cần phải có Chính phủ đứng sau lưng. Ví dụ, năng lực cạnh tranh của FPT là quá rõ rồi thì Chính phủ cần đứng sau chống lưng cho họ phát triển lên một tầm mới.

Nhiều doanh nghiệp có tiềm năng tốt nhưng thiếu vốn, đất đai để phát triển nên đành chịu. Tại sao Chính phủ không đứng ra can thiệp để có cơ chế giúp doanh nghiệp vay được vốn, ổn định lãi suất…. Nếu làm được như thế doanh nghiệp sẽ phát triển dần lên, sẽ có nhiều tập đoàn lớn và tất nhiên có nhiều tỷ phú người Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp và tiền của doanh nhân sẽ lại gửi chủ yếu vào ngân hàng Việt Nam thôi. Tức là tài sản, vốn của doanh nghiệp đó là của Việt Nam. Còn với doanh nghiệp FDI, họ làm ra lợi nhuận hàng tỷ USD nhưng khi cần họ sẽ dễ dàng mang ra khỏi Việt Nam. Phát trienr doanh nghiệp thực sự của Việt Nam, làm trụ cột thực sự cho nền kinh tế, do vậy là một vấn đề mang tầm chiến lược, không thể chậm trễ ./.

Theo Xuân Thân(ghi)

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên