“Ông lớn” mất lợi thế hay đến thời của hàng không tư nhân?
Cuối năm 2013, thị phần của Vietnam Airlines giảm còn 57,1% trong khi của VietJetAir vươn lên 26,1%, của Jetstar là 15,2%.
Khách hàng có thêm nhiều lựa chọn
Theo số liệu của Cục hàng không Việt Nam, trong năm 2013, tổng thị trường vận tải hành khách đạt 29,6 triệu khách, tăng 16,7%; hàng hóa là 630 nghìn tấn, tăng 19,6%. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam là 20,7 triệu khách, tăng 18,2%; hàng hóa: 221 nghìn tấn, tăng 11%. Sản lượng thông qua các cảng hàng không là 44 triệu lượt khách, tăng 17,5%; hàng hóa 770 nghìn tấn, tăng 18,6%. Sản lượng điều hành bay năm 2013 ước đạt 502.765 lần chuyến.
Trong khi đó, dữ liệu của Trung tâm Hàng không CAPA cho thấy, thị phần vận chuyển nội địa của các hãng hàng không đang có sự dịch chuyển đáng kể. Nếu như vào quý 3/2013, thị phần của VietJetAir ở mức 20%, của Jetstar Pacific là 12% và Vietnam Airlines là 68% thì đến cuối năm, Vietnam Airlines chỉ còn nắm giữ 57,1% thị phần, VietJetAir vươn lên nắm 26,1%; Jetstar Pacific Airlines 15,2%.
Bên cạnh đó còn là các chương trình khuyến mãi với giá ưu đãi được tung ra liên tục như giá siêu rẻ là 10.000 đồng; 100 nghìn đồng của VietJetAir; giá rẻ 350.000 đồng của Jetstar; giá vé 300.000 – 600.000 đồng của “ông lớn” Vietnam Airlines ...
“Làm ăn” không dễ
Thị trường hàng không là “chiếc bánh to” nhưng “không dễ nuốt” vì cơ chế độc quyền của một số loại hình dịch vụ, giá xăng dầu biến động và ảnh hưởng của tình hình kinh tế.
Thông tin mới nhất mà chúng tôi có được, VietJetAir đến tháng 7 năm ngoái đã có lợi nhuận trước thuế khoảng 120 tỷ đồng, tuy nhiên việc hãng này đầu tư quá lớn cho kế hoạch dài hạn nên kết thúc năm 2013, lợi nhuận từ hoạt động vận chuyển hàng không không đạt con số 120 tỷ đồng. Nếu trích lập dự phòng chi phí bảo dưỡng kỹ thuật và khấu hao thì hòa vốn. Song cái được lớn nhất của hãng này đó là lượng khách hàng và thị phần đều tăng trưởng đột biến, bỏ xa Jetstar – một hãng hàng không giá rẻ khác thuộc Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines tuyên bố lợi nhuận trước thuế của toàn tổng công ty năm qua đạt tới 533 tỷ đồng, tăng 34% so với kế hoạch và riêng công ty mẹ Vietnam Airlines lãi khoảng 140 tỷ đồng. Hãng hàng không quốc gia lý giải có được kết quả trên là nhờ hãng đã thực hiện 114.000 chuyến bay, với 15 triệu lượt khách; hệ số sử dụng ghế trên toàn mạng ước đạt 79,5%, tăng 2,8% so với kế hoạch và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên thực tế, thị trường và giới trong ngành đều hiểu rằng lợi nhuận của Vietnam Airlines không hoàn toàn đến từ hàng không. Năm qua, Vietnam Airlines được chú ý bởi 2 đợt bán vốn đầu tư ngoài ngành tại Techcombank (bán hơn 24 triệu cổ phần và 827.847 trái phiếu chuyển đổi) và thu về khoản tiền khổng lồ tổng cộng lên tới xấp xỉ 370 tỷ đồng.
Bên cạnh đó còn chưa kể, việc kinh doanh của Vietnam Airlines không chỉ đơn thuần là khai thác vận tải như các hãng hàng không trong nước khác mà “ông lớn” này còn có lợi thế là được khai thác ở mặt đất các lợi nhuận có được từ kinh doanh xăng dầu.
Nếu làm một phép tính đơn giản cũng có thể thấy rằng lợi nhuận của các dịch vụ kể trên cao hơn nhiều so với 140 tỷ đồng công bố, thậm chí còn khiến thị trường đặt dấu hỏi phải chăng doanh thu từ khai thác bay không lãi, thậm chí là thua lỗ? Trước năm 2013, Vietnam Airlines cũng có tới 3 năm kinh doanh trì trệ.
Nói như vậy để thấy, dù được đánh giá là mảnh đất màu mỡ nhưng khai thác hàng không ở nước ta không hề dễ dàng, ít nhất là cho đến thời điểm này.
Đến thời của hàng không tư nhân
Cuộc chạy đua của các hãng hàng không đang dần nóng lên. Tuy nhiên, người ở giữa là các khách hàng lại được lợi. Các hãng cạnh tranh càng mạnh, càng đầu tư nhiều, mua sắm nhiều máy bay mới thì người dùng càng có cơ hội đi máy bay với giá rẻ và chất lượng phục vụ tốt hơn.
Thực tế hiện nay, nói đến việc đi lại hàng ngày, người dùng đã ưu ái hơn với máy bay, nhất là máy bay giá rẻ, vì sự an toàn và tiết kiệm thời gian. Đó là chưa kể, nếu đi máy bay còn có chi phí thấp hơn rất nhiều các phương tiện khác nếu như khách hàng lên kế hoạch từ trước và mua vé cách xa thời điểm bay.
Mới đây, sự kiện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải - đơn vị chủ quản và là cơ quan đại diện vốn nhà nước tại Vietnam Airlines yêu cầu cán bộ chuyển sang dùng máy bay giá rẻ đi công tác và nhận được sự đồng tình của các bộ ban ngành khác cùng đông đảo nhân dân là dấu hiệu cho thấy hàng không giá rẻ đang lên ngôi. Chính lãnh đạo Vietnam Airlines cũng thừa nhận, sự cạnh tranh của hàng không giá rẻ trong việc nỗ lực mở rộng đường bay, đội bay, liên tiếp tung ra các cú giá siêu rẻ... khiến hãng mất đi một lượng khách rất lớn. Bay vé giá rẻ đang trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn buộc hãng cũng phải linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh giá vé.
Sự xuất hiện của VietJetAir đã tạo nên “hiện tượng” trong ngành hàng không, phá bỏ thế độc quyền. Hồi tháng 10/2013, hãng đã ký hợp đồng đặt hàng 100 chiếc máy bay Airbus với giá trị khoảng 9,1 tỷ USD (92 chiếc mua và 8 chiếc thuê). Hãng cũng đã ký kế hợp đồng với ngân hàng CCB của Trung Quốc về tài trợ vốn mua máy bay, tháng 12 tiếp tục ký hợp đồng với ngân hàng BNP Paribas của Pháp để thu xếp tài chính cho những chiếc máy bay đầu tiên nhận vào năm 2014. |
Nguyễn Hằng