MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Petrolimex: Năm 2014 lợi nhuận trước thuế ước đạt 330 tỷ đồng

Năm 2014 riêng mảng kinh doanh xăng dầu đơn vị này lỗ khoảng 200 – 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận của Petrolimex cả năm vẫn dự kiến lãi trên 300 tỷ đồng.

Tóm tắt:

- Tổng doanh thu hợp nhất năm 2014 của Tập đoàn ước đạt 200 nghìn tỷ đồng

- Petrolimex hiện đang kiến nghị Liên bộ Tài chính – Công Thương nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điểm của Nghị định 83

- Tính đến cuối năm 2014 Petrolimex có số dư quỹ bình ổn giá hơn 2.160 tỷ đồng


Theo báo cáo tổng kết năm 2014 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex),  Tổng doanh thu hợp nhất năm 2014 của Tập đoàn ước đạt 200 nghìn tỷ đồng bằng 102% so với năm trước; tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 330 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước; nộp ngân sách nhà nước khoảng 32.500 tỷ đồng.

Số liệu này được công bố tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam mở rộng chính vì thế lợi nhuận của tất cả các đơn vị thành viên Petrolimex hoạt động tại Việt Nam và ở nước ngoài, trên tất cả lĩnh vực kinh doanh: xăng dầu, gas, dầu mỡ nhờn, vận tải xăng dầu, thiết kế, cơ khí, xây lắp, bảo hiểm… đều không được bóc tách chi tiết.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2014 tại Hội nghị Trực tuyến tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015 của ngành Công Thương, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn cho biết: Năm 2014  riêng mảng kinh doanh xăng dầu đơn vị này lỗ khoảng 200 – 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận của Petrolimex cả năm vẫn dự kiến lãi 300 tỷ đồng.

Petrolimex hiện đang kiến nghị Liên bộ Tài chính – Công Thương nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định điểm d khoản 1 Điều 37 của Nghị định 83 về chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu áp dụng cho cả trường hợp nếu giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ hiện hành diễn ra trong thời gian dài – giúp doanh nghiệp kinh doanh không bị mất vốn.Trước mắt, cho phép thương nhân đầu mối thực hiện trích lập dự phòng giảm giá bán hàng tồn kho theo đúng quy định và nguồn được bù đắp từ quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG).

Bởi lẽ, do công thức tính giá cơ sở theo Nghị định 83 lấy theo bình quân 15 ngày giá thế giới sát với ngày công bố giá cơ sở; trong khi thương nhân đầu mối phải dự trữ lưu thông 30 ngày theo quy định dẫn đến giá bán thường thấp hơn giá vốn do doanh nghiệp phải xuất bán từ tồn kho 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ và phát sinh lỗ.

Chưa kể, để hạn chế kinh doanh mất vốn trong xu thế giảm giá, các đại lý/tổng đại lý thường chỉ mua hàng cầm chừng (để tối ưu hóa tồn kho, giảm dự trữ) đủ đáp ứng nhu cầu bán hàng cho khách hàng nên dự trữ lưu thông dồn về thương nhân đầu mối. Toàn bộ tích lũy lỗ từ hàng tồn kho do giảm giá dồn về thương nhân đầu mối, đồng thời Tổng đại lý, đại lý dự trữ lưu thông thấp, gây bất ổn thị trường có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Được biết, tính đến cuối năm 2014 Petrolimex có số dư quỹ bình ổn giá nhiều nhất trong hệ thống các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với hơn 2.160 tỷ đồng.

Năm 2014: Kinh doanh xăng dầu của Petrolimex bị lỗ

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên