MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phải chấp nhận giá điện tăng thôi!

Theo TS Phan Minh Ngọc, việc giá điện tăng thêm 7,5% còn thấp hơn mức tăng CPI từ tháng 8/2013 (lần điều chỉnh giá điện gần nhất) tới nay, và một sự tăng giá điện hợp lý là cần thiết để tái cơ cấu nền kinh tế và các ngành tiêu hao nhiều năng lượng.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Nội dung nổi bật

- Giá bán điện tăng 7,5% kể từ ngày 16/3

- Việc tăng giá điện gặp sự phản đối của nhiều người vì nhiều lý do khác nhau

TS Phan Minh Ngọc cho rằng:

-Cần đưa ra những bằng chứng chắc chắn để buộc tội EVN đã nâng giá điện một cách vô lý. Nếu không đưa được bằng chứng thì phải chấp nhận giá điện tăng

- Tháng này EVN mới được tăng giá điện lên thêm 7,5%, thì mức tăng này thậm chí còn nhỏ hơn mức tăng CPI trong thời gian từ 8/2013 đến 3/2015 và là mức chấp nhận được

- Một sự tăng giá điện hợp lý là điều cần thiết để cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và các ngành tiêu hao nhiều năng lượng nói riêng


Chính phủ đã chính thức đồng ý điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh từ ngày 16/3/2015. Theo chính phủ, việc tăng giá điện lần này đảm bảo các yêu cầu EVN không bị lỗ; đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2% và bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5% v.v...

Cũng như những lần tăng giá điện trước, tất nhiên lần tăng giá điện lần này cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều giới, nhiều người, vì chắc chắn giá điện tăng, cũng tương tự như khi giá xăng dầu tăng, sẽ ít hay nhiều đều làm tăng giá thành sản phẩm và dịch vụ, và rốt cuộc sẽ đổ lên đầu người tiêu dùng và gia tăng áp lực lạm phát trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, cách thức và những luận cứ phản đối của những người phản đối này đáng tiếc là không có nhiều sức thuyết phục.

Có người cho rằng nếu buộc phải tăng giá điện thì không nên tăng cao quá, mà nên có lộ trình, mỗi lần tăng trên dưới 5% là được. Nhưng nếu nói như thế này thì EVN, hay cao hơn là Bộ Công thương và các bộ liên đới trong việc quyết định giá điện, có thể trưng ra Quyết định 2165/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ để phản biện lại. Theo Quyết định này thì từ năm 2013 đến 2015 giá bán lẻ điện bình quân sẽ được điều chỉnh nhưng cao nhất không vượt quá mức tối đa là 1.835 đồng/kwh. Như thế, EVN và các bộ sẽ có cớ để nói rằng họ đã rất “thận trọng” và “cân nhắc” trong việc tăng giá điện, khi giá điện lần này tuy tăng tới 7,5% nhưng mới chỉ tăng lên 1,622 đồng/kwh, còn thấp xa so với mức được phép tăng. Hơn nữa, EVN cũng đã khẳng định chắc sẽ không có đợt tăng giá điện thứ hai trong năm nay. Như thế thì thậm chí EVN và bộ ngành liên quan còn được tiếng là đã “quyết liệt”, nỗ lực khống chế mức tăng giá điện hơn cả mức đã được phép, vì quyền lợi của cả nền kinh tế!

Cũng có người cho rằng nếu EVN thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ giảm bớt hao hụt đường dây, nâng cao năng suất lao động, giảm biên chế, sẽ bớt lỗ. Làm được như vậy, giá điện sẽ ít bị tăng. Cũng lại đáng tiếc rằng luồng ý kiến này cũng chỉ là kiểu nói cảm tính, vì đã không đưa ra được một bằng chứng nào vạch ra chuyện EVN không nỗ lực, không nghiêm túc thực hiện những nhiệm vụ này. Trong khi đó, ít ra thì EVN đã có những buổi giải trình với nhiều số liệu và dẫn chứng cho thấy họ đã tạo ra cạnh tranh, cắt giảm biên chế, tăng năng suất lao động, tăng chất lượng dịch vụ v.v... Tất nhiên, vấn đề còn lại là liệu những bằng chứng và dẫn giải của EVN có mức độ xác tín đến đâu. Nhưng trong chừng mực mà không có một ai khác chứng minh được rằng EVN đã lừa dối cả xã hội thì chúng ta buộc phải tin và chấp nhận những điều này như là sự thật mà thôi.

Tương tự như vậy là luồng ý kiến cho rằng thời điểm này, tất cả các tài nguyên trong nước đều còn nhiều: nước không thiếu, xăng dầu giảm giá hơn một năm qua... như vậy, không thể nói rằng chi phí sản xuất của ngành điện tăng lên. Tăng giá điện lại phụ thuộc vào các chi phí như chi phí nhân công, sản xuất thì có vẻ hơi lạ.

Dễ thấy rằng luồng ý kiến này cũng mang nặng cảm tính, và EVN cũng như một số chuyên gia trong ngành đã có những giải trình và dẫn chứng cho thấy chi phí thực sự đã tăng lên (chẳng hạn sản lượng điện chạy dầu chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi giá than và khí đã tăng lên v.v...). Đương nhiên là nếu không đưa ra được bằng chứng chắc chắn cho thấy giá thành điện không tăng hoặc không đến mức 7,5% thì ta chỉ còn cách chấp nhận thực tế này (giá thành sản xuất điện đã tăng) mà thôi.

Cũng có người phàn nàn rằng trong lúc giá dầu vừa giảm, chi phí đầu vào một số ngành sản xuất vừa giảm chút ít, doanh nghiệp chưa kịp mừng thì thông tin tăng giá điện khiến các doanh nghiệp thêm phần lo âu trở lại. Và rằng, mỗi khi EVN đề xuất tăng giá điện thì cuối cùng vẫn được nhà nước chấp thuận, các ý kiến phản biện của các chuyên gia kinh tế dường như không có tác dụng gì.

Những ý kiến kiểu này không có tác dụng gì hết. Thay vì, như đã nói, cần đưa ra những bằng chứng chắc chắn để buộc tội EVN đã nâng giá điện một cách vô lý, họ lại cố gắng dùng đến vòng kim cô “trách nhiệm xã hội” để làm EVN “chùn tay” trong việc tăng giá điện. Nếu thật sự trên thực tế EVN đang chịu lỗ (từ cả các năm trước) thì không phải là bất công hay sao khi kêu gọi EVN phải “nghĩ” đến các doanh nghiệp khách hàng? Khách hàng của EVN “lo âu” vì chi phí tăng lên, không lẽ EVN không được và không nên “lo âu” vì sẽ bị (tiếp tục) lỗ khi không tăng giá điện hay sao? Phản biện của các chuyên gia đúng là sẽ chẳng có tác dụng gì nếu phản biện đó cảm tính, hời hợt như đã phân tích ở trên. Như thế thì nhà nước chấp thuận đề xuất tăng giá điện của EVN với những bằng chứng thuyết phục là điều chẳng có gì đáng phê phán.

Liên quan đến “trách nhiệm xã hội” này là một lập luận cho rằng, hiện nay sức mua cũng như sức khỏe nền kinh tế vẫn chưa thực sự phục hồi. Trong lúc nhà nước cứ hô hào kêu doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh mà giá đầu vào sản xuất cứ tăng như giá điện thì sẽ rất khó cho doanh nghiệp.

Không cần nói đến sự vô lý nếu thực sự EVN đang lỗ mà lại đòi hỏi nó phải hy sinh vì quyền lợi của các doanh nghiệp khác, mà chỉ cần phản biện lại rằng nếu EVN thực sự bị lỗ mà nhà nước nghe theo những lời phản đối này để không cho EVN tăng giá điện thì rốt cuộc nhà nước sẽ lại phải bù lỗ bằng cách này hay cách khác, nếu không muốn EVN phá sản. Mà khi đã phải bù lỗ thì rốt cuộc mọi chi phí cũng sẽ lại đổ lên đầu doanh nghiệp và người tiêu dùng dưới hình thức tăng thuế, phí, hoặc tăng gánh nợ quốc gia mà người chi trả cuối cùng cũng vẫn là doanh nghiệp và dân chúng.

Và cuối cùng là một luồng ý kiến đòi hỏi EVN phải giải trình tại sao lại làm ăn thua lỗ, con số lỗ cụ thể, chứ không thể giấu nhẹm đi các số liệu liên quan để rồi báo lỗ và đòi tăng giá điện như vậy.

Nhưng, như đã nói ở trên, không chỉ EVN và cả các cơ quan quản lý liên đới đã có những giải trình bằng con số ở nhiều mức độ khác nhau. Quan trọng hơn, những người phản đối đứng trước những con số này lại không xoáy được vào mức độ chính xác, khả tín của chúng, mà lại xoay sang dùng những lý lẽ cảm tính như trên để mong nói chuyện “phải quấy” với EVN!

Bản thân người viết, tuy không có điều kiện để kiểm chứng các con số giải trình của EVN và các cơ quan chủ quản, nhưng dựa vào những bằng chứng thô sơ để cho rằng sự tăng giá của EVN là điều phải/nên chấp nhận. Lần cuối cùng EVN được tăng giá điện là vào thời điểm tháng 8/2013. Nếu đến tháng này EVN mới được tăng giá điện lên thêm 7,5%, thì mức tăng này thậm chí còn nhỏ hơn mức tăng CPI trong thời gian từ 8/2013 đến 3/2015. Với giả thiết (một cách hợp lý) rằng chi phí sản xuất điện tăng theo mức CPI thì việc tăng giá điện 7,5% là điều không có gì quá đáng.

Người viết cũng đã tham dự một vài hội thảo về năng lượng để biết được giá mua điện của EVN đang ở mức thấp, không khuyến khích được nguồn cung điện, đặc biệt là từ những nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Nếu sau khi tăng giá bán điện mà EVN cũng tăng giá mua điện thì đây là điều rất đáng khuyến khích.

Và cũng cần nói thêm một điều để thay cho lời kết là qua các cuộc phỏng vấn nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam và nước ngoài, người viết thấy một trong những yếu tố thu hút các doanh nghiệp thép nước ngoài đến Việt Nam là giá điện ở Việt Nam thấp, và vì thế không có gì lạ khi năng lực sản xuất thép ở Việt Nam hiện nay vượt xa so với nhu cầu tiêu thụ. Bởi vậy, một sự tăng giá điện hợp lý là điều cần thiết để cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và các ngành tiêu hao nhiều năng lượng nói riêng theo hướng xanh, sạch và bền vững hơn.

TS PHAN MINH NGỌC

CTV Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên