Phải đóng 2% quỹ lương cho công đoàn
Dự thảo Luật Công đoàn đã được quốc hội biểu quyết thông qua ngày 20-6 với 90,18% phiếu ủng hộ.
Đa số đại biểu quốc hội hôm 20-6 tán thành quy định của dự thảo luật về việc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Dự thảo Luật Công đoàn đã được quốc hội biểu quyết thông qua ngày 20-6 với 90,18% phiếu ủng hộ.
Nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất của Luật Công đoàn (sửa đổi) là Điều 26 về tài chính công đoàn. 72,55% đại biểu tán thành quy định của dự thảo luật về việc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định về tài chính công đoàn là rất cần thiết nhằm bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và kế thừa quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này.
“Đây không phải thuế hoặc phí mà là đóng góp của doanh nghiệp, để bảo đảm vai trò của công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, giáo dục, động viên người lao động thực hiện tốt công việc của mình”, ông Phan Trung Lý nói.
Ông cho biết, quy định mức đóng góp này hoàn toàn không phải là điều kiện buộc người lao động gia nhập công đoàn nên không trái với nguyên tắc tự nguyện.
Về căn cứ thu dựa trên quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm hay quỹ lương thực trả, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng quy định về mức đóng góp của doanh nghiệp cần tính đến sự phát triển của nền kinh tế, theo đó chế độ tiền lương và lực lượng lao động ngày càng tăng.
Căn cứ vào quỹ lương đóng bảo hiểm cho người lao động là căn cứ vào các khoản tiền lương trả cho người lao động có tính phổ biến và ổn định ở mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm sự thống nhất về căn cứ thu đối với các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý tài chính, kế toán của cơ quan có thẩm quyền.
Hơn nữa, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây không phải là nguồn thu duy nhất phục vụ cho tổ chức hoạt động của công đoàn mà còn có các nguồn thu khác từ đoàn phí đoàn viên công đoàn, ngân sách nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho giữ căn cứ để tính mức thu kinh phí công đoàn là quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đối với đối tượng là người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội thì quỹ lương trả cho họ không tính là căn cứ để đóng kinh phí công đoàn. Đề nghị này được đa số đại biểu chấp thuận.
Theo Minh Đức
TBKTSG