Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư - đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Lao Động trước thềm xét xử vụ án Dương Chí Dũng.

Ông có thể cho biết tính hiệu quả của Ban chỉ đạo (BCĐ) sau  gần một năm  tổ chức lại trực thuộc Ban Chấp hành T.Ư Đảng, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị và Ban Bí thư?

- Trong 10 vụ, việc trọng điểm được đưa vào diện chỉ đạo thì có 8 vụ án và 2 vụ việc. 8 vụ án các cơ quan chức năng đang xử lý ở các giai đoạn tố tụng khác nhau, đến nay đã đưa ra xét xử 2 vụ và hôm nay (12.12) đưa ra xét xử vụ án tham ô, cố ý làm trái tại Vinalines. Vụ án này có khung hình phạt đến mức cao nhất là tử hình.

Trong phiên họp toàn thể BCĐ dự kiến vào cuối tháng 12 năm nay có thể sẽ chọn tiếp một số vụ, việc trọng điểm nữa để đưa vào diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo. Ngoài ra sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ, tính chất phức tạp sẽ chọn thêm một số vụ, việc để BCĐ xem xét giao cho Cơ quan Thường trực của BCĐ là Ban Nội chính T.Ư theo dõi, đôn đốc. 

Vừa qua, BCĐ đã thành lập 7 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát một số ngành, địa phương, kết quả của những đoàn kiểm tra này thế nào? 

- Đợt kiểm tra, giám sát này đã tạo ra một áp lực cho các cơ quan tố tụng để các cơ quan này chú trọng, nâng cao chất lượng xử lý các vụ án; đồng thời cũng tạo ra một yêu cầu, đòi hỏi các cơ quan phải phối hợp tốt hơn trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử. 

Thêm nữa, 7 đoàn công tác vừa rồi đã cùng các ngành, địa phương trực tiếp rà soát hàng trăm vụ, việc. Qua đó, các đoàn cùng các ngành và địa phương được kiểm tra, giám sát lựa chọn rút ra hơn 60 vụ, việc cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc. Đồng thời phấn đấu đến cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1.2014 đưa tiếp vụ Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) ra xét xử.

Còn điều ông thấy chưa được trong công tác này?

- Cái chưa được đó là việc kiểm tra, giám sát chưa có điều kiện “phủ sóng” hết 63 tỉnh, thành mà mới chỉ làm được 11 tỉnh, thành; thời gian kiểm tra, giám sát ngắn, không đủ để đi sâu từng vụ, việc; thời gian tới,  sẽ phải làm tiếp tục.

Đây cũng là chủ trương của Bộ Chính trị, phải coi đây là việc làm thường xuyên, không phải là làm theo đợt cho có, cho xong. Vấn đề là qua đợt kiểm tra, giám sát này, cần rút kinh nghiệm để tìm ra cách làm tốt hơn, hiệu quả hơn; đồng thời cũng để giúp các cấp ủy, chính quyền quan tâm hơn, coi đây là hoạt động thường xuyên.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!