MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phỏng vấn một người dân thường về chuyện kinh tế

Lâu nay chúng ta nghe nhiều các chuyên gia luận bàn các vấn đề kinh tế nóng bỏng. Nhân dịp tết đến, xuân về, chúng tôi trò chuyện với một người dân thường về những xúc cảm năm qua và nhận định về năm mới.

Xin chào anh, xin anh cho biết cảm xúc của mình khi trải qua một năm “kinh tế buồn” như năm qua?

Người dân: Tôi thấy năm qua không phải kinh tế buồn. Theo tôi cảm nhận thì mọi thứ đang diễn ra một cách trật tự hơn, thực chất hơn. Lương công ty giảm nhưng tôi vẫn sống tốt.

Anh có bí quyết gì vậy?

Các cụ có câu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Một mặt là giá cả trong năm vừa qua, ngoại trừ xăng dầu, điện, gas và cước 3G thì hàng ăn uống với những đồ dùng thiết yếu đều không tăng mấy. Tôi khéo co nên lương hàng tháng của một nhân viên văn phòng đủ để tiêu dùng. Với lại cuối năm tôi có đi buôn quả Phật thủ.

Tại sao anh lại chọn việc đi buôn loại quả này? Có bán được không?

Bán tốt! Tôi về Hoài Đức (Hà Nội) thầu một phần vườn của người ta, khoảng chục cây thôi, nhưng phải là những cây cho quả thật to, dáng chuẩn. Đối tượng khách hàng của tôi là những người có thu nhập cao. Phú quý sinh lễ nghĩa. Những người này không tiếc gì 150 – 200 nghìn đồng thậm chí là nhiều hơn để mua một quả Phật thủ đẹp bày bàn thờ. Giá mua buôn tại vườn thì không đắt lắm.

Không phải ai cũng có “vía” buôn bán.

Đúng thế. Nhưng ngoài cái đó, tôi cho rằng muốn thành công phải dám nghĩ dám làm. Người ta cứ nghĩ như bạn nên không dám thử “tìm đường máu” thoát khỏi khó khăn, chỉ biết ngồi than thở về việc kinh tế suy thoái và mong chờ cái suy thoái này mau trôi qua. Tôi rất thích câu nói của ông Alan Phan: kinh tế tư nhân quan trọng hơn kinh tế vĩ mô. Cứ phải tự tìm đường lo thân, chứ chờ các chính sách vĩ mô tác động được đến mình thì lâu lắm.

Nhân chuyện anh nói đến các chính sách vĩ mô, anh có quan tâm đến các chính sách vĩ mô của Chính phủ không?

À, có chứ. Tôi quan tâm nhất đến việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các Tập đoàn nhà nước.

Rất hay! Đây là vấn đề nóng bỏng, cốt lõi trong công cuộc tái cơ cấu các Doanh nghiệp nhà nước.

Ôi dào, tôi thì nghĩ chỉ là việc chuyển tiền từ tay trái sang tay phải mà thôi!

Tại sao anh lại nghĩ như vậy?

Tôi không có nhiều kiến thức kinh tế vĩ mô, nhưng tôi thấy thế này. Một, Doanh nghiệp nhà nước muốn rút khỏi các doanh nghiệp ngoài ngành đang làm ăn kém hiệu quả nên bán cổ phần đi. Đã làm ăn kém hiệu quả rồi mà còn đòi bán với giá mua hồi trước thì làm sao mà bán được. Người bình thường như tôi còn thấy rõ điều đấy thì ông chủ của doanh nghiệp nhà nước còn rõ hơn. Khi thấy khó mà vẫn phải làm và làm được thì chắc chắn có “mánh”.

Hai, nếu tôi là một ông chủ của doanh nghiệp nhà nước, để bán được phần vốn tại một ngân hàng hoạt động kém hiệu quả chẳng hạn, tôi sẽ phải hạ giá. Mệnh giá là 10.000 đồng nhưng thực tế tôi chỉ bán giá 6.000 đồng/cổ phiếu cho doanh nghiệp A nào đó thôi. Với các giấy tờ khống, bút toán kế toán khống, trên danh nghĩa tôi đã thực hiện thoái vốn bằng mệnh giá.

Nhưng thay vì phải trả cho tôi 1 tỷ đồng, A chỉ phải trả 600 triệu. Sau đó, tôi lại gửi 600 triệu đồng này vào ngân hàng, và ngân hàng cho doanh nghiệp A vay 600 triệu. Thế là thực ra tiền vẫn ở ngân hàng nên ngân hàng chẳng bị mất vốn. Doanh nghiệp A nâng tỷ lệ sở hữu trong ngân hàng nhưng tạm thời chưa bị hụt dòng tiền. Còn tôi, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ thoái vốn ngoài ngành mà không làm thất thoát vốn nhà nước. Số tiền 600 triệu kia, mà trên danh nghĩa là 1 tỷ, khi nào cần thì chúng tôi sẽ xử lý tiếp, trước mắt thì cứ xử lý như thế kia để hoàn thành nhiệm vụ đã. Vấn đề là tôi phải tìm được doanh nghiệp A phù hợp với sơ đồ này.

Anh ơi, câu chuyện của anh đơn giản đến phi lý. Việc chuyển vốn lòng vòng có thể xảy ra, nhưng cái vụ giấy tờ khống đâu thể dễ dàng như vậy.

Thì cũng dễ cỡ như Huyền Như lừa 4.000 tỷ chứ gì đâu.

Những người đứng đầu doanh nghiệp lớn, họ có phương pháp khoa học để tìm khách hàng và giải quyết các thương vụ làm ăn. Thế anh có theo dõi vụ Huyền Như không?

Có chứ. Trước đây các chuyên gia kinh tế khuyên người dân nên gửi tiết kiệm vào ngân hàng hoặc đầu tư chứng khoán. Sau vụ Huyền Như, tôi quyết định năm 2014 sẽ đầu tư chứng khoán.

Một vụ án “nóng” được xử cùng thời gian này là vụ Dương Chí Dũng. Anh có quan tâm không?

Tôi có quan tâm. Tôi thấy vụ án này như một bộ phim vậy, có đầy đủ các tình tiết ly kỳ, phức tạp, các mánh khóe, đầy đủ cả các mối quan hệ tình cảm như gia đình, anh em, bạn bè, tình nhân, kẻ thù, chiến hữu. Tuy nhiên những con số trong vụ án này như số tiền hoa hồng, tiền nhận hối lộ ... lớn quá, tôi khó hình dung.

Anh có cho rằng cần phải xử vụ này đến cùng để triệt hạ hết những con sâu đang đục khoét đất nước?

Không. Tôi nghĩ là nếu xử đến cùng thì sẽ gây ra rất nhiều sự bất ổn về chính trị dẫn đến bất ổn kinh tế. Minh bạch công khai là cái tốt, nhưng cũng chỉ cần minh bạch đến mức độ đủ để thỏa mãn đa số người dân thôi. Cũng như trong gia đình, đâu phải chuyện gì bố mẹ cũng công khai với các con hết được. Có khi công khai ra lại làm hỏng cả gia đình.

Sang năm mới, anh có cảm xúc như thế nào?

Tôi đang tràn trề hy vọng. Tôi hy vọng là một năm rắn ngoằn ngoèo đã xong, và một năm con ngựa phi nhanh, thẳng tắp sẽ đến. Bản thân tôi thấy cuộc sống còn nhiều khó khăn nên sẽ đi chậm và chắc. Nhưng các chuyên gia đều dự báo là nền kinh tế đã có những tín hiệu lạc quan, tôi tin các chuyên gia. Với lại, vốn dĩ tôi vẫn thích câu "kinh tế tư nhân quan trọng hơn kinh tế vĩ mô" như lúc trên.

Vâng, tôi xin phép dừng câu chuyện tại đây. Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này, nhân dịp năm mới chúc anh dồi dào sức khỏe và buôn bán thành công!

Kim Dung

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên