Phụ trợ cho Samsung và chuyện “con gà” hay “quả trứng”?
Sẽ “liều” mở rộng đầu tư, nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm, hay chờ đợi đơn hàng “rót” xuống? Câu chuyện tham gia vào chuỗi cung ứng cho Samsung đang tiếp tục đặt ra dấu hỏi cho các DN Việt Nam về khả năng cạnh tranh trong cuộc chơi toàn cầu.
- 15-07-2015Tổng Giám đốc Samsung: Nội địa hóa đã đạt 36%
- 15-07-2015Samsung xuất khẩu 26 tỷ USD: DN Việt chỉ trực tiếp đóng góp 35 triệu USD
- 28-01-2015Công nghiệp hỗ trợ: Nước đã đến chân!
Không phải cứ có “lý lịch” đẹp, có năng lực sản xuất, là có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung. Đó là khẳng định của nhiều DN phụ trợ của Việt Nam khi bàn về chuyện: cơ hội nào cho DN Việt tham gia chuỗi phụ trợ của Samsung?
"Lý lịch" đẹp, đâu dễ!
Thực tế tại Công ty Cao su Giải phóng, dù đã có nhiều năm kinh nghiệm cung ứng hàng triệu linh, phụ kiện mỗi năm cho các tập đoàn đa quốc gia như Honda, LG, Panasonic, Canon… Song khi tiếp cận vào chuỗi sản xuất của Samsung, ông Chu Trọng chung, Giám đốc DN này cho rằng câu chuyện với Samsung là cả vấn đề “nan giải” và “tế nhị”.
Theo vị này, cùng với việc đầu tư ba nhà máy tỷ đô, Samsung còn kéo theo cả một hệ thống các DN phụ trợ “con”, “cháu” hạy thậm chí là “chắt”. Do đó, chuỗi cung ứng của Samsung được hình thành chủ yếu dựa vào kiểu “quan hệ” nhiều hơn, chứ không dựa trên các yếu tố cạnh tranh lành mạnh.
“Chúng tôi đang cung cấp linh kiện cho Honda. Yêu cầu cũng rất khắt khe, nhưng nếu cần đáp ứng vấn đề chất lượng, tiến độ, số lượng và giá cả cùng các điều kiện kỹ thuật khác. Song với Samsung thì lại theo kiểu quan hệ truyền thống, họ có các DN đi theo, công ty con, cháu nên DN Việt không thể tham gia vào được”, một DN bộc bạch.
Trao đổi với một đại diện truyền thông của Samsung, vị này cho biết Samsung đã đi khảo sát nhiều DN phụ trợ của Việt Nam. Song, thực tế là phần lớn DN đều chưa đáp ứng được các yêu cầu rất khắt khe của Tập đoàn. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết là nhiều DN Việt Nam rất có tiềm năng tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung, vấn đề là DN cần phải đầu tư nhiều hơn nữa để nâng cao khả năng cung ứng về chất lượng, số lượng, giá cả.
Vị Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Complex - ông Han Myoung Sup, khi trả lời báo chí cũng khẳng định, luôn rộng cửa để “đón” DN Việt Nam. Vấn đề là các DN phải có “ý chí”, “nỗ lực” để đạt được các tiêu chuẩn nhất định mà Samsung đặt ra, thì sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất này nhiều hơn.
Vấn đề là cơ chế hỗ trợ
Dẫn chứng, hiện chỉ có 4 DN Việt là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung, 28 DN là nhà cung ứng cấp 2. Song trong năm nay, ông Han cho biết sẽ có thêm 9 nhà cung cấp tham gia vào chuỗi. Tuy nhiên, so với các DN Hàn Quốc thì số lượng này còn “khiêm tốn”, với khoảng 100 DN. Sự “chênh lệch” này đang đặt ra bài toán không hề nhỏ cho các DN, làm thế nào để “chen chân” được vào chuỗi toàn cầu?
Nhìn từ câu chuyện Samsung, có thể thấy DN phụ trợ nói riêng và cộng đồng DN nói chung đang có nhiều hơn cơ hội hơn khi với các hiệp định FTA. Thế nhưng, bài toán đặt ra là làm thế nào để tận dụng cơ hội từ các dòng chảy đầu tư FDI vào Việt Nam?
Bài toán “con gà” hay “quả trứng” có trước, tức là chờ đợi đơn hàng “nhỏ” của DN FDI đến, hay bỏ vốn đầu tư, nâng cao năng lực cung ứng để đón đơn hàng “lớn”, đang khiến cho nhiều DN đau đầu, khi mà phần lớn DN đều có năng lực hạn chế.
Nút thắt lớn nhất hiện nay, theo ông Nguyễn Minh Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty Bao bì Thăng Long, chính là chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Vị này bày tỏ sự “thất vọng” khi mà những cơ chế hiện nay chưa hỗ trợ thiết thực, “sâu sát” tới DN.
Dẫn chứng, cùng là DN trong khu công nghiệp, nhưng cơ chế lại chỉ hỗ trợ tiền thuế cho DN trong khu công nghiệp lớn, còn DN nằm trong cụm công nghiệp nhỏ thì không được ưu đãi gì, kể cả là DN làm cung ứng cho các tập đoàn lớn. Hoặc cũng là DN, nhưng FDI đang được hỗ trợ nhiều về tiền thuê đất, đất đai, thuế, nhưng các chính sách hỗ trợ cho DN Việt Nam thì rất hạn chế.
“Chúng tôi cũng muốn mở rộng sản xuất để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu của những đơn đặt hàng quy mô lớn. Song ngay như việc xin đất đai cũng rất khó, DN phải đi mua hoàn toàn, nếu không thì phải đầu tư nhà máy ở nơi khác. Chúng tôi cũng có định hướng mở rộng đầu tư, chỉ cần Chính phủ tác động tốt về đầu ra, có hỗ trợ thiết thực, thì DN sẵn sàng đầu tư thêm”, ông Ngọc nói.
Trong cuộc chơi toàn cầu, việc nâng cao năng lực cạnh tranh là một yêu cầu cần thiết với mọi DN. Song với đa phần là DN nhỏ và vừa, nguồn lực có hạn, cần phải có những chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước. Có như vậy, DN mới giải được bài toán “con gà” hay “quả trứng” khi tham gia vào sân chơi của các ông lớn như Samsung!.