Quốc hội thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,7%
Tại phiên thảo luận này, Quốc hội đã biểu quyết và chính thức thông qua chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2016 với mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7%; lạm phát dưới 5%.
- 09-11-2015Tăng trưởng Việt Nam lạc quan nhờ hiệp định thương mại với EU
- 03-11-2015Mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7% hoàn toàn khả thi
- 22-10-2015PGS.TS Trần Đình Thiên: Tăng trưởng 6,5-7% là khả thi
Sáng nay (ngày 10/11), kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII tiếp tục bước vào phiên thảo luận tại hội trường. Tại phiên thảo luận này, Quốc hội sẽ tiến hành thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, với kết quả năm 2015 nhìn lại và khái quát ban đầu kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là bước ngoặt và đặt nền móng cho nước ta đạt được những thành tựu quan trọng trong những năm vừa qua, thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức thấp, từ 11,75% năm 2010 còn khoảng 2% năm 2015.
Tăng trưởng kinh tế tăng dần từ 5,25% năm 2012 và dự kiến đạt khoảng 6,5% năm 2015, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, nông nghiệp giảm từ 20,58% năm 2010 xuống mức 16,74% năm 2015, công nghiệp và dịch vụ tăng từ 79,42% lên 83,26%.
Bên cạnh đó, cải thiện đáng kể các cân đối lớn như sản lượng lương thực tiếp tục tăng thêm 5,8 triệu tấn so với năm 2010, công suất điện tăng thêm 18,1 nghìn MW. Nhập siêu giai đoạn 2011-2015 còn 1,93% tổng kim ngạch xuất khẩu so với mức 22,4% giai đoạn 2006-2010.
Thu nhập bình quân đầu người từ 1.168 USD năm 2010 tăng lên dự kiến 2.228 USD năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ mức 14,2% năm 2010 còn khoảng 4-4,3% năm 2015.
Dù vậy, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 dự kiến chỉ đạt 5,88%/năm thấp hơn giai đoạn trước và không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; chỉ tiêu yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp tăng trưởng chỉ ở mức 24-25%, năng suất lao động Việt Nam so với một số nước Đông Nam Á như: Singapore chỉ bằng 1/18, Malaysia bằng 1/6,5, Thái Lan bằng 1/2,7.
Tốc độ tăng của khu vực dịch vụ sụt giảm trong hai năm gần đây: năm 2014 tăng 5,96% và năm 2015 tăng khoảng 6,4% thấp hơn mức 6,56% của năm 2013; chất lượng giảm nghèo chưa thực sự bền vững, hộ nghèo tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có huyện, có xã còn hộ nghèo chiếm đến 50%.
Cung cầu trên thị trường lao động vẫn mất cân đối dẫn tới tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp chưa có việc làm cao, giai đoạn 2010-2014 trung bình tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sau 3 tháng có việc làm chỉ đạt khoảng 60%.
Về các chỉ tiêu chủ yếu năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cho rằng, năm 2012 GDP tăng 5,25%; năm 2013 tăng 5,4%, năm 2014 GDP tăng 5,98%, năm 2015 tăng trên 6,5% cho thấy xu hướng GDP tăng dần. Do vậy, mục tiêu GDP năm 2016 tăng 6,7% là khả thi.
Về chỉ số giá tiêu dùng năm 2016 dự kiến tăng dưới 5%, trong khi năm 2015 chỉ tăng dưới 2%. Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết, năm 2015 giá hàng hóa một số mặt hàng cơ bản như giá năng lượng, lương thực… đều giảm sâu so với năm 2014 là nguyên nhân khiến CPI chỉ tăng nhẹ.
Tuy nhiên, theo dự báo, giá hàng hóa thế giới năm 2016 sẽ tăng nhẹ, cùng với việc tăng một số dịch vụ công trong nước sẽ đẩy lạm phát tăng khoảng 5%.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, về dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương năm 2016, hầu hết các ý kiến đều cho rằng phải kiểm soát chặt chẽ thu chi NSNN, tăng thu giảm chi.
Về việc xử lý các ngân hàng yếu kém và mua lại ngân hàng với giá 0 đồng, Ủy ban kinh tế Quốc hội đánh giá kết quả tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục tăng cường công tác giám sát các ngân hàng yếu kém, xử lý kịp thời các sai phạm, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, Ủy ban kinh tế của Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, xóa bỏ sự chồng chéo của bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế nhằm thực hiện cải cách bộ máy hành chính, giảm bội chi ngân sách nhà nước.
Tại phiên thảo luận này, Quốc hội đã biểu quyết và chính thức thông qua chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2016 với mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7%; lạm phát dưới 5%.