Quy định “cong vênh” khiến xuất khẩu mất hàng tỷ đô
Nhiều bộ ngành ban hành những danh mục quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu không phù hợp đang khiến cho nhiều DN phải lãnh đủ khi phải “cắn răng” chịu mất hàng tỷ USD.
- 27-06-2015TS Nguyễn Đình Cung: Việt Nam đang “làm khó” xuất khẩu
- 22-06-2015Xuất khẩu dệt may không đạt kỳ vọng
- 19-06-2015TS. Nguyễn Đức Thành: Lo DN tư nhân sẽ “lụi” vì thuế, phí khi hội nhập
Tại buổi họp giao ban tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương sáng ngày 1/7 tại Hà Nội, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhắc lại câu chuyện DN ngành dệt may bị mất tiền tỷ do quy định cấm nhập khẩu sản phẩm quân trang, quân phục gia công do bộ chuyên ngành quy định.
Nhiều Bộ vẫn chưa “thông”
Tình trạng các bộ quản lý chuyên ngành “cong vênh” trong quy định quản lý danh mục sản phẩm hàng hóa xuất nhập khẩu đang tạo ra nhiều rào cản cho DN.
Điều đáng chú ý là mặc dù cơ quan quản lý xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương đã có văn bản trao đổi đến các bộ, ngành liên quan, song vẫn còn nhiều bộ chưa “thông”, gây không ít khó khăn và thiệt hại cho DN.
“Riêng về nhập khẩu, có bộ ban hành danh mục quản lý quá dài và quá nhiều, có những mặt hàng không cần và không phù hợp để đưa vào danh mục quản lý, cũng không với tinh thần của Luật Đầu tư sửa đổi”- ông Chinh cho biết.
Cũng theo ông Chinh, hiện đơn vị này đang yêu cầu và đề nghị các bộ bỏ bớt danh mục sản phẩm chuyên ngành không cần thiết, trừ sản phẩm liên quan đến sức khỏe và an ninh.
Báo cáo về tình hình xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm, ông Chinh biết mặt dù tình hình thị trường còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã có nhiều triển vọng hơn khi tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 77,7 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Cấp bách gỡ thủ tục
Dự báo về tình hình thị trường sắp tới, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng các DN xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt.
Cũng bởi, mặc dù kinh tế thế giới đã hồi phục nhưng nguồn cung tăng mạnh, trong khi cầu chưa tăng tương ứng nên nên cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.
Tuy nhiên, ông Chinh cũng cho rằng việc tham gia ký kết các hiệp định thương mại đang tạo ra nhiều thuận lợi để mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ.
Trong đó, mới đây nhất là việc ký kết Liên minh Hải quan, hiệp định thương mại Việt Nam – Hàn Quốc và sắp tới là ký kết Việt Nam – EU, TPP…
Hiện, làm sóng DN nước ngoài vào Việt Nam đang diễn ra, nhiều DN vào tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất.
Ông Chinh cho rằng, nếu không có giải pháp kịp thời về vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, tiếp cận lãi suất, thì DN sẽ càng chịu sức ép cạnh tranh ngày càng lớn.
Do đó, thời gian tới ông Chinh cho biết sẽ tập trung vào việc xây dựng các thông tư, văn bản để tháo gỡ khó khăn cho DN, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Hiện Bộ Công Thương đang thí điểm cấp giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet, sắp tới là ban hành thông tư tự chứng nhận xuất xứ, quản lý xuất nhập khẩu, tham gia cơ chế một cửa quốc gia, đẩy mạnh cải cách hành chính.
Đặc biệt, cơ quan quản lý xuất nhập khẩu cũng cho biết sẽ rà soát thủ tục xuất nhập khẩu chuyên ngành, loại bỏ những quy định bất hợp lý.
Xây dựng đề án quản lý nhập khẩu phù hợp cam kết quốc tế theo định hướng chiến lược xuất nhập khẩu 2020 – 2030.