MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy mô DN tư nhân ngày càng nhỏ lại với tốc độ nhanh đáng báo động

Một báo cáo mới được công bố tuần trước của Trung tâm nghiên cứu năng lực cạnh tranh thuộc Viện kinh tế Việt Nam cho thấy, quy mô DN Việt Nam càng ngày càng nhỏ lại với tốc độ nhanh chóng.

Bản báo cáo có tên gọi “Báo cáo hoạt động của doanh nghiệp tư nhân- Thực trạng, vấn đề và hàm ý chính sách” đưa ra những thông tin không mới nhưng ở mức độ sâu sắc và nghiêm trọng hơn các thông tin đã có về thực trang thu hẹp quy mô của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua.

Theo báo cáo, “mặc dù có sự tăng trưởng số lượng rất nhanh nhưng đại đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ và tỷ trọng của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có xu hướng gia tăng. Ngược lại, tỷ trọng của các doanh nghiệp vừa và lớn lại có xu hướng giảm." 

Xét theo tiêu chí lao động, năm 2000, tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 85% tổng số doanh nghiệp, đến năm 2011 số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã tăng lên và chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp. 

Tương ứng với sự tăng trong tỷ trọng của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là sự giảm của cả doanh nghiệp lớn và vừa. Tuy nhiên doanh nghiệp có quy mô lớn giảm mạnh hơn so với doanh nghiệp có quy mô vừa. 

Tỷ trọng doanh nghiệp có quy mô lớn giảm từ 9,5% năm 2000 xuống còn 2,5% năm 2011 (giảm 7 điểm phần trăm) và tỷ trọng 27 doanh nghiệp có quy mô vừa giảm từ 5,1% năm 2000 xuống còn 2,1% năm 2011 

Báo cáo nhìn nhận, trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cạnh tranh với nhau, mà còn cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế. Do đó, doanh nghiệp có quy mô lớn là rất quan trọng.

Bởi lẽ khi ở quy mô lớn, doanh nghiệp mới có đủ nguồn lực cần thiết để thực hiện đầu tư vào công nghệ hiện đại, để tìm kiếm thị trường và có được năng lực để gia nhập vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. 

Trong khi đó, hơn 10 năm qua, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhất là siêu nhỏ lại có xu hướng tăng so với số lượng doanh nghiệp vừa và lớn. Còn nhiều doanh nghiệp lớn thì lại ẩn nấp đằng sau hàng rào bảo hộ và sau nhiều năm vẫn chưa thể trưởng thành như ngành công nghiệp ô tô, ngành đóng tàu,… 

Xét theo tiêu chí vốn, báo cáo cho biết lượng doanh nghiệp nhỏ cũng chiếm tỷ lệ áp đảo so với các loại hình còn lại. Trong suốt giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2011, doanh nghiệp nhỏ luôn chiếm tỷ trọng khoảng gần 90% tổng số doanh nghiệp.
Tuy doanh nghiệp nhỏ trong nền kinh tế có lợi thế năng động và linh hoạt khi môi trường biến đổi, nhưng với quy mô nhỏ cả về vốn và lao động, các doanh nghiệp rất dễ bị tác động trước những biến động bất lợi của môi trường sản xuất, kinh doanh. Khả năng đầu tư nguồn lực để nâng cao năng lực quản trị sản xuất, kinh doanh, và đầu tư vào công nghệ cũng bị hạn chế. 

“Một đặc điểm quan trọng nữa là khi doanh nghiệp ở quy mô nhỏ, năng lực kết nối mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu bị hạn chế rất nhiều.”  - Báo cáo đánh giá.

“Chẳng hạn, một số công ty trồng hoa lớn ở Đà Lạt có thể tiếp cận đến thị trường bên ngoài thông qua các công ty phân phối hoa quốc tế. Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu được hoa, họ phải nhập khẩu giống hoa có đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. 

Trong khi đó, những hộ gia đình sản xuất hoa nhỏ lẻ cũng trồng chính các loại hoa đó và hoa có thể còn đẹp hơn, thế nhưng hoa của các gia đình trồng chỉ tiêu thụ được tại thị trường nội địa. Như vậy, lợi thế của doanh nghiệp lớn trong cạnh tranh toàn cầu là khá rõ ràng.” 

“Thế nhưng, tại sao doanh nghiệp tư nhân trong nước không thể lớn được?”  - Bản báo cáo đặt ra câu hỏi.

Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chủ yếu thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Năm 2011 số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khu vực ngoài nhà nước chiếm khoảng 97,3% trong tổng số 327.520 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên cả nước.


Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên