RCEP và TPP: Cơ hội nào cho Việt Nam?
RCEP là một hiệp định đầy tham vọng với một khu vực kinh tế sôi động bậc nhất thế giới với thị trường 3,4 tỷ dân, tổng GDP là 21 nghìn tỷ USD và chiếm 29% kim ngạch thương mại toàn thế giới...
- 05-12-2014Hiệp định RCEP vs TPP: RCEP có xác suất thành công cao hơn
- 26-10-2014Hiệp định RCEP: Cơ hội để VN hội nhập kinh tế khu vực
- 09-07-2014Thêm đồng thuận trong đàm phán RCEP
Chia sẻ tại Hội thảo công bố báo cáo Đánh giá tác động của Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đối với nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đã phân tích những khó khăn, thách thức của Việt Nam khi tham gia vào RCEP.
Chính thức khởi động đàm phán vào năm 2012, RCEP là hiệp định thương mại tự do chất lượng cao hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN với 6 đối tác bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ.
Hiệp định đầy tham vọng…
RCEP là một hiệp định đầy tham vọng, với một khu vực kinh tế sôi động bậc nhất thế giới với thị trường 3,4 tỷ dân, tổng GDP là 21 nghìn tỷ USD và chiếm 29% kim ngạch thương mại toàn thế giới.
Tương tự như các FTA và cam kết hội nhập khác, RCEP được kỳ vọng mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới thông qua việc cải thiện tiếp cận các thị trường đầu tư và xuất khẩu của ASEAN cùng các đối tác về những nhu cầu hàng hóa, dịch vụ đa dạng hơn.
Thành công của RCEP phụ thuộc vào việc khối ASEAN trở thành trung tâm của quan hệ đối tác kinh tế khu vực. Theo đánh giá từ giới chuyên môn, RCEP nhìn chung phù hợp với quan điểm của Việt Nam nhằm theo đuổi hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, gắn kết với những cải cách trong nước mạnh mẽ và toàn diện hơn.
Ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, điều mong chờ lớn nhất từ RCEP là sự tham gia của các thành viên vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực.
Nền kinh tế khu vực sẽ có được môi trường kinh doanh thân thiện với chi phí giao dịch rẻ hơn nhờ vào sự hài hòa giữa các quy định hiện hành trong khuôn khổ các FTA khác nhau của ASEAN.
Thêm vào đó, mở cửa có nghĩa hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ hơn, đầu vào cho sản xuất, máy móc thiết bị có công nghệ hiện đại tạo cơ hội tăng cường hợp tác kỹ thuật và vị thế của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp về thương mại và đầu tư.
“Xét về lợi ích, khi gia nhập RCEP, các ngành thuỷ sản, nông sản, công nghiệp xây dựng... sẽ được hưởng lợi lớn nhất” – ông Dương cho biết.
RCEP và TPP không hề mâu thuẫn nhau
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, RCEP và TPP không hề mâu thuẫn nhau; mà ngược lại, hai hiệp định này bổ trợ cho nhau, giúp Việt Nam tiến xa hơn vào tiến trình hội nhập.
Cả hai hiệp đinh đều có điểm chung là cam kết tự do hoá sâu rộng hơn về thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư.
RCEP được khởi động từ năm 2012 và dự kiến kết thúc năm 2015. Trong khi đó, TPP bắt đầu đàm phán từ 2010 và cũng dự kiến kết thúc vào 2015.
Trong RCEP, ASEAN là động lực, là hạt nhân dẫn dắt với mục đích hỗ trợ hợp tác để phát triển công bằng. Trong TPP, Mỹ là quốc gia chủ trì và làm chủ luật chơi.
Mục đích của TPP là thiết lập một FTA của thế kỉ 21 nhằm giải quyết những vấn đề mới như tiêu chuẩn lao động, môi trường cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ…
"Nhiều người lo ngại TPP và RCEP có cạnh tranh nhau, gây chồng chéo. Nhưng theo tôi, xét về tổng thể, hai hiệp định này bổ sung cho nhau.Việt Nam gia nhập 2 hiệp định này không chệch quỹ đạo trên con đường hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế” – TS Võ Trí Thành cho biết.
Theo ông Thành, sau khi đã cân đo đong đếm những lợi ích và thua thiệt khi gia nhập RCEP thì phần lợi ích của Việt Nam vẫn nhiều hơn.
Tuy nhiên, ông Dương cũng cho biết, quá trình hội nhập và thực thi các cam kết quốc tế cũng bộc lộ không ít điểm yếu cũng như thách thức cho Việt Nam.
Cụ thể, thương mại của Việt Nam tập trung chủ yếu vào một số đối tác thương mại lớn cũng như số ít sản phẩm trọng yếu, do đó dễ bị tổn thương hơn trước những thay đổi cung cầu của những thị trường này.
“Vấn đề trở nên khó khăn hơn khi cơ cấu thương mại của Việt Nam khá tương đồng với các nước RCEP, song chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm còn khiêm tốn. Vì vậy, khi cấu trúc RCEP cho phép các nước tự do hóa thương mại với các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam thì sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng đáng kể" - ông Dương nói.
Theo ông Dương, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với các FTA chất lượng cao (trong đó có RCEP), Việt Nam phải tận dụng những cơ hội và khắc phục thách thức. Đây là yêu cầu quan trọng nhằm thúc đẩy thương mại đầu tư, tập trung vào nhập khẩu công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực sản xuất và thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Nền tảng cho những định hướng này là nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế về khả năng tham gia sâu rộng vào các chuỗi giá trị năng động của khu vực RCEP.
Trong quá trình này, chiến lược phát triển tập trung đầu tư các sản phẩm mũi nhọn cũng như tận dụng cơ hội hợp tác phát triển cùng đối tác các nước RCEP là rất quan trọng.