MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rút bậc tính giá điện, người dùng chưa chắc hưởng lợi

Ủng hộ quan điểm giảm bớt bậc trong cách tính giá điện, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu bậc thang chênh lệch lớn, chưa chắc giá điện đã rẻ hơn.

Hiện nay, cách tính giá điện được áp dụng theo biểu giá 6 bậc: Khách hàng sử dụng dưới 50 kWh/tháng mức giá 1.484 đồng/kWh, từ 51-100 kWh giá 1.533 đồng/kWh; từ 101-200 kWh giá 1.786 đồng/kWh; từ 201-300 kWh giá 2.242 đồng/kWh; từ 301-400 kWh giá 2.503 đồng/kWh và từ 401 kWh trở lên, giá 2.587 đồng/kWh.

Phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từng thừa nhận, với biểu giá điện này, càng dùng nhiều điện, khách hàng càng phải trả giá cao. “Theo logic thông thường, khách hàng càng mua nhiều thì giá càng rẻ. Nhưng riêng với điện ở Việt Nam, càng mua nhiều giá càng đắt, đó là một nghịch lý” - TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhìn nhận.

Theo ông Long, việc chia giá điện thành 6 bậc lũy tiến như hiện nay khá rắc rối, khó hiểu và đang nghiêng về quyền lợi của “nhà đèn”.

“Nếu so sánh giá điện tăng vừa qua là 7,5%, với mức giá bình quân là 1.622 đồng/kWh, song ở biểu tính giá thì mức giá tiêu dùng cao nhất cho hộ sinh hoạt, lên tới 2.587 đồng/kWh. Vì thế, khách hàng càng dùng nhiều thì giá càng đắt, ngành điện càng có lợi” - Ông Long phân tích.

Nghịch lý mua nhiều - giá đắt

"Việc giảm bậc thang cần đi đôi với thu hẹp khoảng cách về giá điện, nếu bậc thang ít mà giá điện giữa mỗi bậc thang chênh lệch lớn, người dùng điện cũng không được lợi hơn”.

TS. Ngô Trí Long

Lật giở lại những hóa đơn điện ba tháng gần đây, ông Lê Hồng Vinh (ở Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, trước khi áp giá điện theo mức mới (từ ngày 16/3), mỗi tháng gia đình ông dùng hết khoảng 500 số điện, số tiền phải trả khoảng 1 triệu đồng.

Sau khi áp biểu giá điện mới, với chỉ số điện tiêu thụ tương tự tháng trước, ông phải trả 1,168 triệu đồng. Nhưng tháng gần đây, do dùng hết gần 800 số điện, ông phải trả số tiền gần 2 triệu đồng.

“Nếu tính về số điện, thì so với những tháng trước, chỉ tăng 60%, nhưng số tiền phải trả tăng tới 100%. Với cách tính mới này, người càng dùng nhiều điện càng phải trả giá đắt”, ông Vinh phân tích.

Giảm bậc cách nào?

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc Bộ sớm nghiên cứu xem xét điều chỉnh biểu giá điện bậc thang từ 6 bậc xuống còn ba bậc và hướng tới trong tương lai chỉ còn một bậc.

Trả lời Báo Giao thông về việc này, đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết, đơn vị đang nghiên cứu, rà soát lại, sẽ xem xét đề xuất để có bổ sung thích hợp hơn.

Theo TS. Ngô Trí Long, việc giảm bậc thang tính giá điện sẽ giúp cách tính giá bớt phức tạp hơn, nhưng nếu giá điện giữa mỗi bậc thang chênh lệch lớn, người dùng điện thậm chí sẽ thiệt thòi nhiều hơn.

Giả dụ, nếu EVN bớt số bậc thang tính giá điện theo kiểu “nhảy cóc” và giữ mức giá cao nhất cho mỗi bậc lũy tiến, tức dưới 100 kWh giá 1.533 đồng; từ 101-300 giá 2.242 đồng; từ 300 trở lên mức 2.503 đồng, thì dù không còn bậc 6 cao nhất như hiện nay (từ kWh số 401 trở lên giá 2.587 đồng), khách hàng vẫn phải trả nhiều tiền hơn.

Cụ thể, nếu tính theo ba bậc dự kiến, những hộ dùng 50 kWh sẽ phải trả mức 1.533 đồng/kWh thay vì 1.484 đồng/kWh như hiện nay; dùng 100 kWh trả 153.300 đồng (chưa thuế VAT), đắt hơn khoảng 3 nghìn đồng so với hiện nay. Dùng 200 kWh trả 377.500 đồng, đắt hơn khoảng 65 nghìn đồng; dùng 300 kWh trả 601.700 đồng, đắt hơn 48 nghìn đồng.

Từ kWh thứ 300 trở lên, tính theo dự kiến giảm được 84 đồng/kWh, tuy nhiên do phải trả tiền nhiều hơn ở những kWh bậc thấp, nên số tiền phải trả vẫn nhiều hơn: Dùng 500 kWh trả 1.102.300 đồng, đắt hơn khoảng 40 nghìn đồng; dùng 700 kWh trả 1.602.900 đồng, đắt hơn 23 nghìn đồng; dùng 900 kWh trả 2.103.500 đồng, đắt hơn 6.500 đồng. Chỉ dùng từ 1 nghìn kWh trở lên, khách hàng mới có lợi.

Nếu giả sử giảm từ 6 bậc xuống còn ba bậc dưới 100 kWh, giá bán mỗi bậc là giá trung bình giá bán lẻ điện của hai bậc thang trước đây: Dưới 100kWh trả 1.508 đồng/kWh, từ 101-300kWh trả 2.014 đồng/kWh, từ 301kWh trở lên trả 2.545 đồng/kWh, thì khi dùng dưới 1.000 kWh/tháng, số tiền khách phải trả sẽ tương tự hoặc giảm từ 1-20 nghìn đồng so với hiện nay.

Nhưng nếu dùng tới 2 nghìn kWh, số tiền trả sẽ giảm khoảng 500 nghìn đồng so với cách tính hiện nay. “Vì vậy, giảm số bậc thang có làm giảm giá điện hay không vẫn là một ẩn số”, ông Long nói.

Theo Hải Quỳnh

Báo Giao Thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên