Sân bay Long Thành: "Làm không tốt sẽ phá hủy chủ trương đúng đắn"
Xây dựng sân bay Long Thành là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm tạo đà cho sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như đáp ứng yêu cầu cao hơn về hội nhập.
- 02-06-2015Bài toán vốn cho dự án sân bay Long Thành
- 02-06-2015Sân bay Long Thành tác động thế nào đến nợ công?
- 02-06-2015Một số ý kiến của chuyên gia về Dự án sân bay Long Thành
Tuy nhiên, theo ý kiến của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), việc xây dựng sân bay Long Thành phải được triển khai với một lộ trình thích hợp, tương xứng với khả năng của nền kinh tế, trong đó phải coi trọng chất lượng, hiệu quả lên hàng đầu.
Bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã có những chia sẻ với báo chí về việc xây dựng sân bay Long Thành.
- Thưa ông, ngày 4/6 Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về chủ trương xây dựng sân bay Long Thành, là một đại biểu Quốc hội, xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Đối với sân bay Long Thành, trong cuộc sống có điều chúng ta muốn nó tốt, nó đúng, nhưng mà việc thực thi như thế nào để dẫn đến mục đích tối cao là hiệu quả.
Ngay cả khi mà Quốc hội có thông qua chủ trương về xây dựng sân bay Long Thành thì điều cực kỳ quan trọng là những công việc phải làm, những điều kiện đặt ra và những chuẩn mực, tiêu chí phải định rõ để cho chủ trương ấy trở thành hiện thực, đạt được yêu cầu đề ra.
- Dường như ông còn rất nhiều băn khoăn về chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Tôi hết sức băn khoăn về chủ trương này vì tôi biết là ở quốc gia nào cũng vậy, muốn một điều, mà khi làm được lại là một điều khác bởi vì khi làm tức là anh phải có những điều kiện cụ thể, làm tức là phải thực hiện một cách khoa học, hợp lý, phải có những điều kiện chủ quan, khách quan, điều kiện bên trong, bên ngoài và thời điểm là cực kỳ quan trọng.
Cách làm đôi khi không tốt nó sẽ phá hủy chủ trương đúng đắn, làm cho chủ trương ấy thất bại. Ví dụ con đường đó anh dự kiến là 3 tỷ USD, cuối cùng làm 6 tỷ USD thì còn hiệu quả gì nữa. Hay thời gian làm dự kiến là 3 năm, anh lại làm trong 6 năm thì còn hiệu quả gì nữa?
Vấn đề người ta đặt ra không chỉ là chủ trương xây dựng sân bay Long Thành có đúng hay không mà còn là cách làm thế nào.
Tôi nói ví dụ, việc triển khai xây dựng sân bay Long Thành kết hợp thế nào với sân bay Tân Sơn Nhất, bởi vì theo một cách nào đó có thể người ta lại hóa giải và biến sân bay Tân Sơn Nhất đó chuyển qua mục đích khác chẳng hạn, trong khi ở nhiều quốc gia thì những đô thị lớn có từ 2-4 sân bay, sân bay quốc tế cũng có 2 cái. Như vậy việc kết hợp giữa 2 sân bay này như thế nào để đạt được hiệu quả cũng là một cách phải đặt ra.
Ý tôi muốn nói cách làm, thời điểm làm là cực kỳ quan trọng. Lưu ý là trong những dự án lớn ở nước ta như hạt nhân, sân bay… ở nhiều quốc gia khác người ta có nhiều thứ mà người ta không phải mua, phải nhập, phải thuê như nguồn nhân lực, kỹ sư công nhân, làm chủ công nghệ, nguồn vốn và có thể quản lý, xử lý những vấn đề phát sinh, Do đó, khi triển khai dự án lớn thì đạt được hiệu quả.
Trở lại ý của tôi không phải chỉ có việc xây dựng sân bay Long Thành, chúng ta đã từng bàn về nhà máy điện hạt nhân, đường sắt cao tốc… sẽ còn nhiều ý tưởng, dự kiến tốt đẹp như vậy với mục đích rất là tốt đẹp nhưng nhiều quốc gia đã triển khai những dự án với những mục đích rất tốt đẹp nhưng cuối cùng trở thành nợ nần chống chất và phá sản bởi vì nó không đạt được hiệu quả.
Cho nên cái nhiều đại biểu băn khoăn trong đó có tôi chính là chúng ta làm như thế nào, cái đó là chưa rõ, chưa thấy được. Do đó, nếu mà Quốc hội có chủ trương cho tiến hành thông qua chủ trương của việc này thì bước đầu tiên là cái tiền khả thi sẽ hết sức quan trọng.
Và không nên coi việc Quốc hội thông qua chủ trương này có nghĩa là từ nay trở về sau mọi việc đều do Chính phủ cả, mà theo tôi có thể Quốc hội sẽ lại tiếp tục xem xét chủ trương này một lần nữa sau những công tác chuẩn bị về tiền khả thi.
- Theo ông hiện vẫn còn thiếu yếu tố về hiệu quả đối với dự án sân bay Long Thành?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Chúng ta cũng phải xem những ý kiến phản biện vì hiện nay có nhiều ý kiến phản biện của các nhà khoa học, chuyên gia trong ngành hàng không, những người có thẩm quyền và cũng có trình độ phân tích.
Ví dụ, điều đầu tiên người ta cho thấy, và ngay cả dư luận trong nhân dân, cử tri đều nói rằng còn khả năng để tranh thủ tối đa mở rộng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là cuộc có thể tranh luận vì có người nói rằng cho dù vẫn phát huy sân bay Tân Sơn Nhất vẫn không đủ.
Điều này có thể là đúng nhưng người ta phải được thấy rằng phải phát huy và tranh thủ tận dụng tối đa diện tích hiện hữu của sân bay Tân Sơn Nhất đã và nhiều nhà khoa học cho rằng còn có thể làm được việc này chứ không phải hoàn toàn bác bỏ chủ trương xây dựng sân bay Long Thành. Nếu như vậy bước đi trong xây dựng sân bay Long Thành cần được tính toán trở lại.
Thứ hai, khi đã xây dựng Long Thành thì phải có cái gắn bó giữa Long Thành và Tân Sơn Nhất như thế nào, bởi vì có ý kiến là giống như đô thị hóa biến Tân Sơn Nhất nhưng tận dụng nguồn đất đó cho mục đích khác từ đó để lấy tiền để xây dựng sân bay Long Thành, điều này hết sức nguy hiểm.
Thứ ba, người ta nói cuối cùng là hiệu quả, nhưng cái hiệu quả này nhiều chuyên gia chứng minh rằng cái con số của chúng ta hiện nay thiếu tin cậy, dựa trên phỏng đoán và giả định nhiều hơn.
Nếu con đường 3 tỷ mà làm đến 9 tỷ thì hiệu quả giảm 3 lần rồi. Đấy là những điều mà cử tri, nhiều cán bộ hưu trí, cán bộ công chức, đảng viên băn khoăn. Cử tri bình thường trong xã hội càng băn khoăn. Bởi suy cho cùng việc xây dựng sân bay Long Thành là vì lợi ích của xã hội, của dân, nhưng gánh cái nợ này cũng là xã hội, nhân dân chứ không phải những người ngồi đây, thông qua quyết định này.
- Có ý kiến cho rằng việc mở rộng Tân Sơn Nhất chỉ phục vụ trước mắt, về dài hạn thì rất cần có sân bay mới?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Chắc chắn sân bay Tân Sơn Nhất là hữu hạn và tận dụng cũng chỉ được một thời gian nữa thôi, nhưng ngay cả lúc xây sân bay Long Thành thì như kinh nghiệm của thế giới người ta vẫn không bỏ sân bay Tân Sơn Nhất. Thậm chí có nhiều quốc gia có 2 sân bay quốc tế ở một đô thị lớn. Ví dụ như quốc tế cho khu vực và quốc tế cho máy bay lớn và xa hơn hoặc dùng cho nội địa cũng là rất cần.
Theo tôi, khi cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất là hữu hạn và xây một sân bay quốc tế thứ hai lớn hơn nhiều là cần thiết nhưng nó phải được triển khai một cách với một lộ trình thích hợp, tương xứng với khả năng của chúng ta mà lúc nào chúng ta cũng phải coi trọng chất lượng, hiệu quả lên hàng đầu. Nếu như không có hiệu quả, những điều tốt đẹp nhất cũng đem đến tác hại.
Xin cảm ơn ông./.