MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sân bay Long Thành tác động thế nào đến nợ công?

Sáng 4/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng vừa có báo cáo về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành gửi đến Quốc hội.

Hoàn thành ngày 26/5/2015, bản báo cáo đã có một số điểm khác đáng chú ý so với báo cáo được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 cuối năm 2014.

Giảm 2,6 tỷ USD

Tổng mức đầu tư và cơ cấu vốn đầu tư là một trong các vấn đề được đại biểu Quốc hội rất quan tâm với dự án này.

Theo báo cáo, trong giai đoạn lập báo cáo đầu tư ban đầu, giá trị khái toán cho cả dự án được xác định sơ bộ trên cơ sở suất đầu tư các dự án của Nhật Bản, với giá trị là 18,7 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 7,8 tỷ.

Tại phiên họp tháng 2/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 5,236 tỷ USD, giảm khoảng 2,601 tỷ USD so với dự toán trình Quốc hội.

Khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn rằng: đại biểu Quốc hội sẽ đặt vấn đề là lần đầu thì đưa tổng mức đầu tư rất cao, Quốc hội mới có ý kiến một lần đã giảm như thế, nếu tiếp tục có ý kiến thì có giảm nữa hay không...

Ở báo cáo lần này, tổng mức đầu tư giai đoạn một không tiếp tục giảm.

Sau khi rà soát và tính toán chi tiết hơn trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triển khai trên thế giới cũng như trong khu vực (nhưng không làm thay đổi kỹ thuật chung của dự án) giá trị khái toán rà soát lần này là 15,8 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 5,2 tỷ USD, Bộ trưởng Thăng cho biết.

Dự kiến cơ cấu nguồn vốn của giai đoạn 1 cũng được báo cáo nêu khá chi tiết. Theo đó, vốn ngân sách nhà nước ước tính 12.149 tỷ đồng, chiếm 11,1%  tổng mức đầu tư của dự án. Số vốn này dự kiến phân bổ trong 3 năm, mỗi năm khoảng 4.000 tỷ đồng thì theo Bộ trưởng là “có thể cân đối được”.

Vốn ODA ước tính được nêu tại báo cáo là 29.177 tỷ đồng, chiếm 26,5% tổng mức đầu tư của dự án. Nhiều nhất là vốn huy động ngoài ngân sách ước tính 68.644 tỷ đồng, chiếm 62,4% tổng mức đầu tư của dự án.

Lý do chủ yếu khiến cho tổng mức đầu tư giai đoạn 1 giảm khoảng 2,6 tỷ USD được bộ trưởng nêu là điều chỉnh quy mô, phạm vi giải phóng mặt bằng và tái định cư giảm từ 5.000 ha với kinh phí 989,04 triệu USD xuống còn 2.750 ha với kinh phí còn 454 triệu USD.

Bên cạnh đó là giảm các hạng mục đầu tư do chỉ đầu tư một đường hạ cất cánh giai đoạn 1 và tính toán chuẩn xác lại suất đầu tư với kinh phí giảm là 1.057,9 triệu USD.

Lý do nữa là không đưa vào dự án các hạng mục đầu tư triển khai theo phương án xã hội hóa khác (462,9 triệu USD). Các chi phí khác (tư vấn, dự phòng, thuế…) giảm tương ứng là 581,4 triệu USD.

Bộ trưởng Thăng khẳng định, việc rà soát, xác định lại tổng mức đầu tư chỉ liên quan đến việc phân kỳ đầu tư, chi tiết hơn đơn giá tính toán và giảm diện tích sử dụng đất chứ không làm thay đổi quy mô cảng hàng không, công nghệ - kỹ thuật dự kiến áp dụng cho dự án.

Ảnh hưởng thế nào đến nợ công?

Cuối tháng 2 năm nay, khi thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi vốn ngân sách ở cả ba giai đoạn sẽ là bao nhiêu khi ODA cũng là vốn ngân sách và PPP cũng có vốn ngân sách.

Lo lắng hơn, theo ông Hiển là sẽ liên quan đến nợ công như thế nào, bởi nợ công còn liên quan đến vay để bù đắp bội chi, ảnh hưởng của vay về cho vay lại...

Ở báo cáo này, Bộ trưởng Thăng nêu rõ tác động của các khoản vay dự án lên GDP (theo giá hiện hành), trên cơ sở dự kiến sử dụng vốn theo từng năm trong giai đoạn triển khai dự án (tạm tính từ 2016 – 2026) từ phần vốn vay ODA trên GDP.

Cụ thể, với phương án 1 - ngân sách nhà nước cân đối đủ - thì tác động lớn nhất là 0,22% GDP vào năm 2024 và 2025.

Còn phương án hai - ngân sách nhà nước không cân đối được, phải vay để đóng góp cho dự án - thì tác động lớn nhất là 0,28% GDP vào năm 2024.

Với các kịch bản nêu trên, tác động của dự án đến nợ công tối đa chỉ là 0,28% GDP. Như vậy, ảnh hưởng tới nợ công của dự án là không đáng kể, Bộ trưởng đánh giá.

Bộ trưởng cũng thuyết phục Quốc hội rằng, dự án hoàn toàn có khả năng thu hồi vốn và khả năng trả nợ vốn vay đúng hạn. Vì kết quả phân tích cho tỷ suất nội hoàn kinh tế cao hơn tỷ suất chiết khấu xã hội nên dự án có tính khả thi cao.

Trong khi đó, các khoản vay của dự án do doanh nghiệp tự hoàn trả và thời gian cho vay kéo dài từ 30 đến 40 năm nên áp lực trả nợ vay không lớn, không gây áp lực cho nợ công.

Về cơ chế đặc thù cho dự án, Chỉnh phủ đề nghị được thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của dự án một lần và thực hiện ngay trong giai đoạn 1, tách công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư thành một dự án riêng.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tổng thể dự án và giai đoạn 1 của dự án tại kỳ họp này.

Theo nghị trình, sáng 4/6 Quốc hội  sẽ thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên