“Sẽ có nhiều doanh nghiệp mới hình thành nhờ TPP, AEC...”
Đó là thông tin được ông Layton Pike – Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam đưa ra tại Hội thảo “Công bố báo cáo kết quả chương trình phối hợp giám sát thuế – hải quan năm 2015”.
- 12-12-2015Thuế và Hải quan: Doanh nghiệp nặng gánh với “phí bôi trơn”, “tham nhũng vặt”
- 11-12-2015Bị phong toả, doanh nghiệp FDI “cầu cứu” Bộ Tài chính
Chiều 12/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp giám sát Thuế – Hải quan tổ chức hội thảo “Công bố báo cáo kết quả chương trình phối hợp giám sát thuế – hải quan năm 2015”.
Trong Chương trình này, các bên đã phối hợp tiến hành khảo sát, đánh giá và làm việc với nhiều bên, như các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực Thuế và Hải quan, các hiệp hội doanh nghiệp, các liên minh hợp tác xã, doanh nghiệp và hợp tác xã, từ đó xây dựng báo cáo đánh giá và đề xuất các kiến nghị chính sách đối với Chính phủ và các bộ ngành, địa phương.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, chương trình phối hợp giám sát thuế - hải quan là một chủ trương hết sức quan trọng của Chính phủ nhằm đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
“Một điều đáng mừng là 75-80% các DN khi khảo sát cho đều cho rằng những năm gần đây cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan đã có những tiến bộ nhất định. Điều này khẳng định quyết tâm và hành động cụ thể của các đơn vị giám sát phối hợp trong thời gian qua” – ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng gợi ý đề ra hai hướng: thứ nhất, trong năm 2016, tiếp tục kiểm tra ở 6 tỉnh thuộc 3 vùng miền. Thứ hai, có thể triển khai thí điểm đánh giá tại từng tỉnh và nên chọn những tỉnh, thành phố có lượng hàng hóa lớn, một số địa phương có cửa khẩu biên giới, cảng lớn liên quan tới xuất nhập khẩu (dự kiến khoảng 10-15 tỉnh, thành) để giám sát được tốt hơn.
Đánh giá về những kết quả của việc cải cách thủ tục thuế và hải quan trong thời gian qua, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là những yêu cầu hàng đầu của Chính phủ.
“Trong năm 2014 và 2015, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết số 19 nhằm đề ra các giải pháp cải thiện môi trường cạnh tranh quốc gia. Bộ Tài chính đã xây dựng lộ trình và triển khai quyết liệt với quyết tâm vượt qua chính mình” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan, sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, công tác cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan đã đạt những kết quả tích cực như cắt giảm được khoảng 420 giờ, số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế giảm từ 537 giờ xuống còn 117 giờ, đồng thời giảm được 8 lần khai và nộp thuế giái trị gia tăng, giảm được 4 lần nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về thủ tục hải quan, thời gian qua đã hoàn thiện các quy định liên quan, hiện đại hóa thủ tục hải quan, triển khai thành công cơ chế một cửa quốc gia tại 12 cảng biển. Doanh nghiệp chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ duy nhất. Kết nối cơ chế một cửa ASEAN với các nước trong khu vực cũng đạt nhiều kết quả tích cực.
Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của người nộp thuế và cán bộ hải quan, ngăn ngừa hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ thuế và hải quan.
“Bộ Tài chính cam kết tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa để cải cách thủ tục hành chính, nâng cao nămg lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trong nước và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới” – Bộ Trưởng Tài chính nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, ông Layton Pike – Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết, việc thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 19 là dấu mốc quan trọng thể hiện vai trò của doanh nghiệp đối với việc hội nhập quốc tế và khu vực.
Bên cạnh đó, việc cải cách về lĩnh vực Thuế và Hải quan cũng đã giúp Việt Nam vạch ra được lộ trình rõ ràng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu hội nhập của doanh nghiệp, cũng như thể hiện được vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong việc này.
“Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc hình thàng Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định TPP, qua đó sẽ có nhiều doanh nghiệp mới hình thành. Cùng với Nghị quyết 19 sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân” – ông Pike cho biết.
Ngoài ra, ông Layton Pike cũng cho biết sự quan tâm của Australia đối với việc xóa bỏ các rào cản đối với khu vực tư nhân cũng như đối với các nước đang phát triển mạnh mẽ trong khối ASEAN như Việt Nam, Lào, Myanmar.