MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ có “siêu bộ” quản lý các tập đoàn

Việc tách bạch chức năng vừa quản lý nhà nước vừa quản lý doanh nghiệp, hạn chế khả năng chính sách đưa ra bị chi phối bởi lợi ích ngành... là yêu cầu cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Ông Bùi Văn Dũng - trưởng Ban cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - đã khẳng định như vậy khi trao đổi về các ý kiến đề xuất lập cơ quan độc lập quản lý các tập đoàn, tổng công ty.

Ông Dũng cho biết: Từ năm 2011, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương được giao thực hiện đề án về đổi mới mô hình tổ chức, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN). 

Viện đã nghiên cứu nhiều mô hình tại nhiều nước, nhưng cuối cùng đã trình lên ba phương án. Thứ nhất, đó là phát triển mô hình Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), để công ty này quản lý. Mô hình thứ hai là vẫn để các bộ quản lý DNNN, mỗi bộ lập một vụ hoặc cục riêng để quản lý DNNN. Phương án ba là lập một ủy ban độc lập quản lý vốn nhà nước tại các DNNN.

Theo ông, trong ba phương án này, phương án nào sẽ phù hợp với mục tiêu đã đưa ra và có khả năng đạt hiệu quả cao nhất?

Theo tôi, lập một ủy ban độc lập quản lý vốn nhà nước tại các DNNN là phương án tối ưu. Mô hình chúng tôi đề xuất là theo hình thức truyền thống, tức từng thành viên ủy ban chịu trách nhiệm các vấn đề riêng, ai sai người đó chịu trách nhiệm. Người đứng đầu là phó thủ tướng. Tuy nhiên, với thực tế mô hình ủy ban người đứng đầu thường là quyết định, nhưng khi có trách nhiệm lại lấy danh nghĩa tập thể, nên mô hình bộ quản lý vốn nhà nước cũng có nhiều ưu điểm cần cân nhắc.

Nhưng như thế sẽ thành siêu bộ, làm sao một bộ có thể quản được cả ngàn DNNN hiện nay?

Về nguyên tắc quản lý, một cơ quan khó có thể quản lý cả trăm cơ quan khác đạt hiệu quả cao. Vì vậy, phương án đề xuất của chúng tôi là Chính phủ thành lập ủy ban quản lý giám sát DNNN (hoặc bộ - PV) nhưng cơ quan này sẽ không quản tất cả trên 2.000 doanh nghiệp có vốn nhà nước. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy có khoảng 40 tập đoàn, tổng công ty lớn đang nắm 70-80% vốn, doanh thu, lợi nhuận của các DNNN. Vì vậy, ủy ban hoặc bộ trên sẽ chỉ quản 40 doanh nghiệp này (gồm cả SCIC).

SCIC sẽ là cánh tay nối dài của ủy ban quản lý giám sát DNNN để quản lý, bán dần các DNNN nhỏ. Hướng là sẽ thành lập 3-4 SCIC, theo vùng miền, như SCIC miền Bắc, SCIC miền Trung, SCIC miền Nam... Ngoài ra các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh quan trọng, chỉ còn một số doanh nghiệp công ích, gắn chặt với địa phương, hoặc với các bộ thì vẫn để các bộ chuyên ngành hoặc UBND các địa phương quản lý.

Quyền và trách nhiệm của ủy ban hoặc bộ quản lý giám sát DNNN sẽ đến đâu?

Nguyên tắc mà đề án đưa ra là ai có thẩm quyền thì người đó sẽ chịu trách nhiệm. Ủy ban này sẽ là cơ quan đầu mối, có vấn đề gì thì họ đương nhiên chịu trách nhiệm. Bù lại, họ có quyền bổ nhiệm, ký hợp đồng quản lý, miễn nhiệm, kỷ luật từ chủ tịch HĐQT đến các thành viên HĐQT của công ty. Ủy ban sẽ quyết cả cơ cấu tổ chức, chiến lược, kế hoạch, quyết việc sử dụng lợi nhuận sau thuế của DNNN... Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ chịu trách nhiệm quyết định thành lập mới, công ty TNHH nhà nước một thành viên, quyết vốn điều lệ, hợp nhất, giải thể DNNN...


Đề án sẽ “đụng” đến lợi ích của nhiều bộ ngành?

Việc lập ủy ban quản lý giám sát DNNN nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp đã đề ra từ lâu nhưng chưa thực hiện được. Nó giúp khắc phục được những tồn tại của việc chưa tách bạch được hai chức năng, đồng thời giúp các cơ quan hành chính tập trung hơn vào công việc của mình, từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Cơ quan chuyên trách quản lý, giám sát DNNN sẽ chuyên nghiệp hóa, tạo động lực cho các cá nhân đại diện vốn nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc giải quyết vướng mắc, yêu cầu của DNNN cũng sẽ nhanh, thống nhất hơn.

Liệu phương án lập bộ riêng có giảm được tham nhũng, móc ngoặc ở DNNN không?

Việc lập ủy ban hay bộ riêng sẽ dễ dàng truy trách nhiệm và xử lý hơn so với hiện nay. Cùng việc tăng minh bạch sẽ giúp tăng trách nhiệm, giảm lãng phí, nguy cơ tham nhũng mà nhiều người lo ngại. Khi có một ủy ban riêng quản lý DNNN, thì các bộ quản lý chuyên ngành khác sẽ phát huy vai trò giám sát, thanh tra ngành tại các DNNN do ủy ban quản lý. Một lợi ích nữa cũng rất quan trọng là việc tách bạch, bỏ cơ chế bộ chủ quản sẽ giúp việc hoạch định chính sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn.

Nhưng việc thành lập một ủy ban hay bộ mới sẽ tăng biên chế, làm chậm quá trình cổ phần hóa DNNN?

Việc tăng biên chế là một hạn chế của phương án lập ủy ban quản lý giám sát DNNN. Tuy nhiên, thực tế hiện nay mỗi bộ, ngành, địa phương đều có một bộ phận quản lý DNNN. Vì vậy, ủy ban mới sẽ lấy nguồn nhân lực này, ngoài ra có thể lấy thêm nhân lực từ bản thân các DNNN. Vì vậy, tăng biên chế cũng không lớn. 

Vả lại, nếu cân bằng giữa chi phí và lợi ích thì theo tôi, lợi ích đất nước sẽ lớn hơn rất nhiều. Đặc biệt, việc hình thành cơ quan chuyên trách sẽ đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu khu vực DNNN, bởi chính ủy ban hay bộ quản lý giám sát DNNN cũng phải làm tốt lên để tránh trách nhiệm.

>>>Đề nghị lập cơ quan độc lập quản lý vốn nhà nước

                                                                                                                       Theo Cầm Văn Kình

cucpth

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên