Sẽ tăng thị phần vận chuyển hàng không giá rẻ
Đó là một trong những nội dung của Đề án “Tái cơ cấu vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020” vừa được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
Bộ Giao thông vận tải vừa ký Quyết định số 1495/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020”.
Cụ thể, đề án đặt mục tiêu đến 2020, vận tải hành khách nội địa chiếm tỷ trọng 3,23%; vận tải hàng hóa nội địa chiếm khoảng 0,04% trong tổng thể ngành giao thông vận tải; tăng thị phần vận tải hành khách quốc tế đối với hàng không Việt Nam lên 45,9%; qua đó đưa thị trường vận tải hàng không Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN.
Đồng thời, đề án cũng đặt mục tiêu, đến năm 2020, tổng số tàu bay của các hàng hàng không Việt Nam đạt từ 190-210 chiếc.
Trong đó Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) có 140-150 chiếc (sở hữu 70-80 chiếc); các hãng hàng không khác dự kiến có thêm 50-60 chiếc; tàu bay tầm ngắn khoảng 60-70 chiếc (sở hữu 30-35 chiếc); tàu bay tầm trung 30-35 chiếc (sở hữu 17-20 chiếc); tàu bay tầm xa 20-24 chiếc (sở hữu 10-12 chiếc); tàu bay chở hàng 8-10 chiếc (sở hữu 3-5 chiếc).
Bên cạnh đó, đề án đặt mục tiêu mở rộng, khai thác thị trường hàng không, tiếp tục phát triển vận tải hàng không trở thành phương thức vận tải an toàn và thuận tiện theo hướng thị trường mở, gắn liền với thị trường vận tải khu vực và thế giới.
Cụ thể, giai đoạn 2015-2020, Vietnam Airlines mở các đường bay mới đến Hoa Kỳ (San Francisco, Los Angeles), Ấn Độ (New Delhi, Mumbai), New Zealand (Wellington), UAE (Dubai), Qatar (Doha), điểm thứ 3 tại Úc (Brisbane, Perth); các đường bay quốc tế thường lệ đi/đến Phú Bài, Cần Thơ.
Cũng trong giai đoạn 2015-2020, Vietnam Airlines và Vietjet Air cũng sẽ khai thác đội tàu bay chở hàng khai thác các đường bay quốc tế thường lệ, không thường lệ đi/đến từ Việt Nam tới các điểm tại Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á và châu Âu.
Ngoài ra, đề án cũng đặt ra mục tiêu tăng thị phần vận chuyển của loại hình vận chuyển hàng không chi phí thấp. Các hãng hàng không tiếp tục giảm chi phí, giá thành, đặc biệt là chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả vận tải hàng không.
Ngành hàng không phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong việc tối ưu hóa các đường bay không lưu, tạo điều kiện cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không. Nghiên cứu, phát triển vận tải đa phương thức trong đó có vận tải hàng không, tăng cường vai trò của vận tải hàng không trong dây chuyển logistics Việt Nam, ưu tiên kết nối vận tải đa phương thức đối với vận chuyển hàng hóa; tăng cường phát triển các kho hàng hóa, bãi chứa container; đẩy mạnh khả năng kết nối vận tải hàng không với các loại hình vận tải khác.
Đến năm 2020, đảm bảo các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng đều có kết nối với hệ thống vận tải đường bộ và dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng, phát triển hoàn thiện hệ thống kho vận tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất đáp ứng nhu cầu của dây chuyền logistics.
Thảo Anh