MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc sân bay Long Thành

Cảng hàng không Quốc tế Long Thành là công trình có tính chất đặc thù, gắn với các quy trình phục vụ đặc biệt nên cần có phương án kiến trúc phù hợp nên sẽ phải tổ chức thi tuyển.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc tuyển chọn phương án kiến trúc Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện việc thi tuyển để lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo quy định của pháp luật.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án Cảng hàng không Long Thành, Nhà ga thuộc Dự án Cảng hàng không Long Thành là một bộ phận công trình thuộc tổng thể kết cấu hạ tầng của cảng hàng không, sân bay. Nhà ga có tính chất đặc thù, gắn với các quy trình phục vụ đặc biệt và đồng bộ của cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Căn cứ các quy định của pháp luật về xây dựng, các công trình công cộng có quy mô lớn, có yêu cầu kiến trúc đặc thù (bao gồm cả nhà ga hàng không dân dụng) phải tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc.

Việc tuyển chọn phương án kiến trúc Nhà ga Cảng hàng không Long Thành cần phải được thực hiện bằng hình thức thi tuyển hoặc tuyển chọn theo quy định của pháp luật.

Trước đó ngày 25/6/2015, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nghị quyết nêu rõ việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Về quy mô của Dự án, đầu tư xây dựng các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ Dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014). Trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).

Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

 

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên