MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Soi” cơ chế tài chính ngân sách đặc thù mới cho TP.HCM

Từ 8/8 tới, TP.HCM sẽ được nhận cơ chế tài chính ngân sách đặc thù theo những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng của Nghị định 61 của Chính phủ vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Trong đó, đáng chú ý là các nội dung liên quan đến một số cơ chế quan trọng đối với ngân sách mục tiêu bổ sung cho thành phố đã được Chính phủ quyết định sửa đổi.

Theo đó, về hoạt động quản lý ngân sách của TP.HCM, Nghị định 61 của Chính phủ sửa đổi nội dung tại Khoản 2 Điều 3 như sau:

Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho TP.HCM tương ứng 70% tổng số tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu sau:

Các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố còn lại (sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 124/2004/NĐ-CP);

Các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%, không kể các khoản thu như: Thuế giá trị gia tăng hàng hoá nhập khẩu; các khoản thu không giao thành phố quản lý thu, không phát sinh trên địa bàn mà chỉ hạch toán nộp ở TP.HCM; các khoản hạch toán ghi thu, ghi chi và các khoản thu được để lại đơn vị chi quản lý qua ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;

Tuy nhiên, tổng số ngân sách bổ sung có mục tiêu không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán đối với các khoản thu quy định tại khoản này.

Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho TP.HCM để đầu tư các chương trình, dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường và phúc lợi công cộng.

Việc bố trí vốn đầu tư cho các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được thực hiện theo nguyên tắc cụ thể đã được quy định chi tiết trong Nghị định 124.

Mức hỗ trợ cụ thể về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn thực hiện các chương trình, dự án cho thành phố, trên cơ sở đề nghị của thành phố và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Chính phủ cân đối trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm trình Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Đối với hoạt động huy động các nguồn tài chính cho đầu tư phát triển TP.HCM, Nghị định 61 sửa đổi Khoản 3, bổ sung thêm Khoản 4 Điều 5 với các nội dung quan trọng liên quan đến huy động vốn đầu tư.

Theo đó, tổng dư nợ các nguồn vốn huy động cho đầu tư các dự án, công trình thuộc nhiệm vụ đầu tư từ ngân sách thành phố không vượt quá 150% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách thành phố theo dự toán Hội đồng nhân dân thành phố quyết định hàng năm.

Nội dung sửa đổi này đã nâng mức dư nợ của thành phố lên khá cao so với quy định cũ tại là không vượt quá 100% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách thành phố theo dự toán được quy định tại Nghị định 124 năm 2004.

Các nội dung quan trọng khác vẫn theo quy định cũ như được huy động vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật; ngân sách thành phố có trách nhiệm thanh toán gốc, lãi và các chi phí khác liên quan.

Mặt khác, Nghị định 61 cũng bổ sung thêm quy định, các khoản vay để đầu tư vào dự án có khả năng hoàn vốn, các khoản vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công.

Cơ chế ngân sách đặc thù được quy định tại Nghị định này được thực hiện từ năm ngân sách 2014 đến năm 2016.

Được biết, Nghị định 61 có hiệu lực thi hành chính thức từ ngày 8/8/2014; khi Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi có hiệu lực thi hành thì sẽ thực hiện theo Luật mới.

Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 124/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2014 của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với TP.HCM.

Theo báo cáo mới đây của UBND TP.HCM, hoạt động thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2014 đã có sự chuyển biến tích cực, tổng thu ước đạt 105.563 tỷ đồng, đạt 46,65% dự toán, tăng 16,26% so cùng kỳ.

Trong đó, nhiều chỉ tiêu đạt khá so với dự toán và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2013, đặc biệt là việc tăng hơn 21% thu ngân sách từ khu vực kinh tế, điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng trở lại.

Theo Vũ Minh

cucpth

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên