MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sóng hội nhập đã ùa tới

Năm 2016, một không gian thị trường đa chiều sẽ được mở ra với nềnkinh tế nước ta, đòi hỏi các doanh nghiệp và toàn xã hội phải chuyểnmình nhanh chóng, mạnh mẽ.

“Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) 10 năm trước có thể coi là cột mốc đánh dấu sự khởi đầu làn sóng hội nhập lần thứ nhất của Việt Nam. Hiện nay, việc Chính phủ kết thúc đàm phán một loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP và FTA Việt Nam-EU) đang được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng hội nhập lần thứ hai mạnh mẽ hơn” - TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định.

Không còn khái niệm “sân nhà” nữa

Phóng viên: Theo ông, việc Việt Nam vừa kết thúc đàm phán TPP và nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, EU, Liên minh kinh tế Á-Âu, rồi cộng đồng kinh tế ASEAN, AEC… liệu có thúc đẩy nền kinh tế phát triển tốt hơn, nhanh hơn?

TS Vũ Tiến Lộc: Có thể kỳ vọng về những lợi ích vô cùng hấp dẫn của các FTA thế hệ mới, thể hiện qua thái độ lạc quan của đa số doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu điều tra gần 10.000 doanh nghiệp do VCCI thực hiện năm 2014, có tới 66% doanh nghiệp Việt Nam ủng hộ và tin vào những lợi ích mà TPP đem lại cho họ (tỷ lệ này ở các doanh nghiệp FDI khiêm tốn hơn, chưa tới 30%).

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng sự lạc quan của các doanh nghiệp Việt Nam phần nhiều còn mang tính suy đoán. Ngoài ra, có thể thấy vẫn còn không ít doanh nghiệp lo ngại về những nguy cơ đầy rủi ro từ các FTA. Chính vì vậy, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị tốt nhất để sẵn sàng nắm bắt những cơ hội cũng như thách thức to lớn trong thời gian tới.

Ông có thể lý giải rõ hơn những lo ngại của ông, chẳng hạn đối với TPP?

Gần đây, có thông tin rằng Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhất trong số 12 nước tham gia TPP. GDP Việt Nam sẽ tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020, xuất khẩu sẽ tăng 68 tỷ USD vào năm 2025...

Trên thực tế, những người đưa ra dự báo này đều là các chuyên gia của Mỹ. Các tính toán của họ đều dựa trên điều kiện lý tưởng tuyệt đối, nghĩa là Việt Nam đạt được các chuẩn mực quốc tế và tận dụng được triệt để các cơ hội. Ví dụ, tăng trưởng xuất khẩu được tính trên suy đoán là tất cả hàng hóa có liên quan của Việt Nam đều đáp ứng được các điều kiện về xuất xứ và vượt qua được các rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ từ các thị trường nhập khẩu và được hưởng lợi trọn vẹn từ các ưu đãi thuế quan… mà điều này thì rất không đơn giản. Bởi vì thực tiễn những năm qua cho thấy vì nhiều lý do, với hầu hết ưu đãi thuế quan theo các FTA đã có trong tầm tay, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ sử dụng được khoảng 30%, còn lại 70% đã tuột khỏi tay các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Ðừng chờ nước tới chân mới nhảy

Nhưng dù muốn hay không, khi đã hội nhập, thị trường Việt Nam tất phải mở cửa. Theo ông, đâu là những thách thức cơ bản cho các doanh nghiệp Việt Nam?

Từ góc độ mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác FTA (thông qua việc cắt giảm thuế quan và các điều kiện khác), doanh nghiệp Việt Nam có lý do để kỳ vọng về một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, hàng hóa và dịch vụ giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng, với công nghệ, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phong phú hơn và giá thấp hơn cho sản xuất trong nước.

Sắp tới, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ của mình rộng hơn, thông qua việc loại bỏ phần lớn thuế quan đối với hàng hóa từ các nước đối tác FTA. Chúng ta thực sự không còn khái niệm “sân nhà” nữa. Ở khía cạnh này, thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam chính là áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước TPP trên chính thị trường nội địa.

Ngoài ra, sản xuất trong nước cũng phải chịu sức ép khác từ các cơ chế pháp luật - chính sách mới đối với sản xuất từ các FTA, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.Ví dụ, theo Chương Sở hữu trí tuệ TPP bị tiết lộ, Mỹ đã đề xuất các điều khoản để tăng cường mức độ và thời gian bảo hộ bản quyền sáng chế đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón (hóa chất nông nghiệp), thuốc thú y.

Ai cũng biết bảo hộ càng cao thì giá của sản phẩm càng đắt (vì phải bao gồm cả phí bản quyền). Giá nông hóa phẩm và thuốc thú y càng đắt thì chi phí sản xuất của người nông dân càng lớn, sức cạnh tranh của nông sản vì thế sẽ càng giảm.

Cánh cửa TPP đã đến rất gần rồi, nhưng cảm nhận chung là sự chuyển động với hội nhập của chúng ta còn khá chậm. Theo ông, doanh nghiệp Việt phải hành động gì để không bị thua ngay trên “sân nhà”?

Lợi ích hay thiệt hại, cơ hội hay thách thức từ một FTA thế hệ mới phụ thuộc rất lớn ở khả năng tận dụng các cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình thực thi các cam kết này. Các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị chu đáo ngay từ bây giờ để đón đầu các cơ hội cũng như vượt qua thách thức ngay khi các FTA bắt đầu có hiệu lực.

Ví dụ, để tận dụng những cơ hội thuế quan của các FTA, vấn đề không chỉ là tiếp cận các khách hàng, mở rộng hoặc thay đổi thị trường để hướng vào các nước đối tác FTA nơi có ưu đãi thuế quan, mà còn phải tổ chức lại sản xuất, từ nguồn thu mua nguyên liệu cho đến phương thức sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ để hưởng lợi ích thuế quan và bảo đảm các yêu cầu về chất lượng để phát triển bền vững các thị trường này.

Tương tự, chúng ta phải chuẩn bị để tổ chức sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn về lao động, về môi trường để kinh doanh trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, không dựa vào quan hệ. Đối với các doanh nghiệp, sự chuẩn bị về tinh thần, chủ động, sẵn sàng và dũng cảm cho một cuộc cạnh tranh sòng phẳng là yếu tố quyết định nhất và việc này phải được bắt đầu ngay chứ không thể chờ cho đến khi FTA có hiệu lực mới bắt đầu.

Thực tế cho thấy đến giờ chưa có nhiều doanh nghiệp và các hiệp hội có được sự chuẩn bị như vậy. Nguyên nhân phần lớn do các doanh nghiệp thiếu chủ động. Tuy nhiên, một phần lý do cũng xuất phát từ việc doanh nghiệp hầu như rất khó có thể tiếp cận thông tin về các FTA ngoài những thông tin rất chung chung.

Kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu

Vậy chúng ta phải làm sao để khắc phục ngay những hạn chế này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ thông tin, từ đó có sự chuẩn bị kĩ lưỡng cho cuộc hành trình vào TPP?

Doanh nghiệp đang rất mong chờ các cơ quan nhà nước liên quan sẽ cung cấp thông tin đầy đủ hơn về các FTA. Cần xây dựng một kênh tham vấn doanh nghiệp thường xuyên và hiệu quả hơn cho quá trình thực thi các cam kết thương mại.

Nhưng điều cần làm hơn là Chính phủ phải thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước. Việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cần được đẩy mạnh để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể tận dụng tốt các cơ hội của hội nhập. Thậm chí chúng ta không chỉ vươn tới chuẩn mực của ASEAN như Nghị quyết 19 yêu cầu mà còn phải phấn đấu vươn tới chuẩn mực của các nước trong TPP. Điều này dễ hiểu thôi, vì Việt Nam đang là nền kinh tế kém phát triển nhất trong các nền kinh tế tham gia hiệp định này.

Hiện nay lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam rất đông, trong cuộc chơi lớn đó của hội nhập, lực lượng này phải chuẩn bị hành trang gì cho mình?

Chúng ta đều hiểu rằng hội nhập và FTA luôn là cuộc chơi của các đại gia, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa bao giờ cũng dễ bị tổn thương nhất trong hội nhập. Nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) để họ có thể trở thành đối tượng thụ hưởng quan trọng của quá trình hội nhập cũng là một trong những thách thức hàng đầu đối với mọi nền kinh tế, đặc biệt đối với nước ta.

Cần phải có một khung hành động chiến lược phát triển SMEs phù hợp cho giai đoạn 2016-2025 (những năm bản lề của hội nhập) với trọng tâm là tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, marketing… Mục đích là để khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vượt lên tham gia tích cực vào quá trình hội nhập, kết nối được vào các chuỗi giá trị toàn cầu, kết nối được với các doanh nghiệp FDI. Các nước ASEAN đang tích cực xây dựng một chiến lược như vậy và Việt Nam không thể là một ngoại lệ.

Chỉ có như vậy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mới có thể hoàn thành sứ mạng tạo ra công ăn việc làm cho người dân - mục đích tối thượng của hội nhập.

Xin cám ơn ông!

Theo CHÂN LUẬN

Pháp luật TP Hồ Chí Minh

Trở lên trên