MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự quyết đoán của Chính phủ

Việt Nam đã trở thành nước có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai thế giới trong năm 2014 và dự báo sẽ đạt được mức tăng trưởng cao hơn với 6,5% trong năm 2015 đã cho thấy quyết đoán và linh hoạt trong điều hành của Chính phủ.

Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày trong kỳ họp Quốc hội vừa qua đã nhận được những phản hồi tích cực của các Đại biểu Quốc hội.

Việc người đứng đầu Chính phủ trực tiếp trình bày nội dung này không những thể hiện trách nhiệm, mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi mà năm 2015 là năm cuối của nhiệm kỳ, để đánh giá lại tình hình kinh tế - xã hội trong cả giai đoạn 2010 – 2015.

Kinh tế đã sáng trở lại

Trải qua một thời kỳ suy thoái, kinh tế Việt Nam đã được phục hồi và duy trì đà tăng trưởng trở lại khi dự báo năm 2015 GDP sẽ đạt mức cao hơn 6,5%, lạm phát được giữ vững. Nếu như giai đoạn trước, trong bối cảnh suy giảm chung của nền kinh tế thế giới, tốc độ tăng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2008-2012 chỉ đạt 6,6% bình quân hàng năm, là mức tăng trưởng thấp so với con số 7,8% trong 5 năm 2002- 2006.

Song theo đánh giá của các chuyên gia, tuy đây là mức sụt giảm đáng kể từ năm 2000 đến nay, nhưng vẫn được xem là kết quả tương đối cao so với mức tăng trưởng thấp hoặc sụt giảm sản lượng của nhiều nước trên thế giới trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Bước vào năm 2010, khi kinh tế thế giới và trong nước có xu hướng phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18 về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô với chính sách tiền tệ và tài khóa thận trọng hơn.

Đầu năm 2011, trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng tăng, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 11 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đó, chính sách tiền tệ được thực hiện chặt chẽ, thận trọng; chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội.

Nhờ vậy, mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2011-2013 đạt 5,44%, thuộc mức tương đối cao trong số các nền kinh tế đang phát triển. Năm 2014, những nỗ lực điều hành ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã mang lại kết quả tích cực, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,98%, vượt trên nhiều dự báo, đưa Việt Nam trở thành nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao thứ 2 trên thế giới, chỉ Trung Quốc.

Cho rằng những kết quả đạt được là những “quả ngọt” đến từ những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ suốt giai đoạn trước, trao đổi với chúng tôi, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhận định năm 2015 là năm rất “trọn vẹn”, thể hiện ở thể chế và sự phối hợp trong điều hành của Chính phủ.

Nhiều chỉ số được cải thiện

“Việc ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô từ Nghị quyết 11 mà Chính phủ đưa ra đã giúp cho năm 2015 đạt được kết quả như vậy. Do vậy, tôi thấy rằng sau nhiều năm mình tăng trưởng không đạt chỉ tiêu thì năm nay mình đạt, vượt chỉ tiêu đề ra về tăng trưởng” – Đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá.

Dẫn chứng, kinh tế năm 2015 mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, như tình hình về giá dầu suy giảm song nguồn thu ngân sách vẫn tăng. Vấn đề về nợ xấu cũng đã được Chính phủ nỗ lực giải quyết, tạo ra lưu thông tiền tệ, mang lại kết quả tích cực khi mà dư nợ tín dụng tăng trở lại, ở mức bình quân trước đây là 12%/năm thì giờ tăng trên 17%, tạo nguồn vốn và thông thoáng vốn, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

“Tuy nhiên, vấn đề hiện nay tôi vẫn còn băn khoăn với hai nỗi buồn là ngành du lịch và ngành nông nghiệp. Trước mình lo ổn định kinh tế vĩ mô, giờ kinh tế vĩ mô đã ổn định, mình lo về nợ công nhưng với kịch bản quản lý nợ công của Chính thì đã cảm thấy yên tâm, song cái lo về ngành nông nghiệp và du lịch thì vẫn còn” – Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Đánh giá cao những nỗ lực điều hành của Chính phủ trong năm vừa qua, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho biết, chính sách điều hành này đã mang lại kết quả tích cực. Đó là việc tăng kim ngạch xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng cao hơn, giữ được lạm phát giảm và đặc biệt là có nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh.

Trong đó, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng việc đáng ghi nhận nhất đó là Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN với nhiều nội dung rất cụ thể. Việc ban hành này đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN để nâng cao sức cạnh tranh.

“Với những kết quả như vậy, Ngân hàng Thế giới đã tăng hạng Việt Nam lên được 3 bậc và Diễn đàn Kinh tế thế giới đã nâng hạng lên được 12 bậc. Đó là những tiến bộ đáng ghi nhận trong điều hành của Chính phủ” – Chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên