Sự thật đằng sau việc doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm ngành xi măng
Gần đây, giới kinh tế rộ lên thông tin nhiều doanh nghiệp xi măng Việt Nam bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp Indonesia.
- 18-09-20145 nhà máy xi măng "tra tấn" hàng ngàn hộ dân
- 12-09-2014‘Ép’ địa phương xài xi măng trong tỉnh
- 03-09-2014Gần 200 tỷ đồng di dời nhà máy xi măng Long Thọ ra khỏi TP Huế
Trước đó, một chuyên gia kinh tế tiết lộ thông tin rằng các doanh nghiệp nước ngoài, cụ thể là Indonesia đã và đang có ý định thâu tóm ngành xi măng Việt Nam. Vị này cho hay: “Hiện nay nhiều nhà máy xi măng ở Việt Nam đã bán cho Indonesia như các nhà máy ở tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn…và nhiều nhà máy khác đang trong quá trình đàm phán với họ”.
Theo đó, theo vị này phía Indonesia cấm các các doanh nghiệp xi măng mở rộng đầu tư trong nước để bảo vệ môi trường. Đây chính là lý do các doanh nghiệp Indonesia ồ ạt ra nước ngoài đầu tư phát triển ngành xi măng và điểm đến trước tiên là Việt Nam.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam.
Về thông tin doanh nghiệp Indonesia mua các doanh nghiệp xi măng Việt Nam, ông nghĩ như nào về thông tin này?
Ông Nguyễn Quang Cung: Hiệp hội chưa nắm được nhiều thông tin mới về vụ việc này. Tuy nhiên, trên thực tế đã có một số doanh nghiệp của Indonesia sang Việt Nam khảo sát tình hình sản xuất cũng như phát triển của ngành xi măng. Một số thương vụ mua bán đã được thỏa thuận.
Cuối năm 2012, nhà sản xuất xi măng lớn nhất Indonesia - PT Semen Gresik đã ký thỏa thuận mua lại cổ phần tại Công ty xi măng Thăng Long từ Geleximco và trở thành cổ đông lớn tại doanh nghiệp này. Ngay sau đó, phía Semen Gresik cũng bày tỏ tham vọng phát triển nhiều dự án xi măng khác ở Việt Nam, nhằm chiếm thị phần lớn hơn tại Việt Nam.
Còn về các thương vụ mua bán mới đây có thể chỉ là tin đồn hoặc do tôi chưa nắm rõ nên không thể cung cấp thông tin thêm.
Tại sao ngành xi măng Việt Nam lại lọt vào tầm ngắm của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Indonesia, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Cung: Tôi cho rằng Việt Nam đang trong quá trình hội nhập với kinh tế thế giới. Thời gian vừa qua, Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, sắp tới là TPP nữa… Việc mở cửa đất nước gắn liền với làn sóng ngoại nhập mạnh mẽ cho nên các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư là tốt, kinh tế sẽ phát triển.
Về phía các doanh nghiệp nước ngoài mua cổ phần, thâu tóm ngành xi măng không có gì là lạ cả họ cảm thấy đầu tư có lợi nhuận thì họ mua. Đã mở cửa hội nhập là chấp nhận tất cả mọi rủi ro. Hơn nữa, các doanh nghiệp Indonexia vào Việt Nam làm ăn, mua các dự án xi măng theo đúng Luật cạnh tranh thì không có gì đáng nói. Chính Phủ cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được làm như vậy. Tại sao các doanh nghiệp Việt được khuyến khích ra nước ngoài đầu tư còn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam lại không được?!
Ông vừa nói đây là xu hướng chung của quá trình hội nhập mở cửa, vậy việc bán cổ phần cho các doanh nghiệp nước ngoài, ngành xi măng có bị ảnh hưởng gì không?
Ông Nguyễn Quang Cung: Theo lý thuyết thì đúng là xu hướng của hội nhập nhưng nếu nhìn vào thực tế sẽ rút ra được một điều rằng nếu doanh nghiệp xi măng làm ăn kinh doanh tốt, đạt lợi nhuận cao thì sao phải bán cổ phần cho nước ngoài để lợi nhuận chảy vào túi họ. Trong khi gánh nặng về môi trường Việt Nam phải hứng chịu. Có chăng vì mình yếu kém, công nghệ lạc hậu, làm ăn không hiệu quả nên phải chịu thôi!
Có nguồn thông tin cho rằng vì ngành xi măng gây ô nhiễm môi trường lớn nên Chính phủ Indonesia hạn chế phát triển trong nước khiến các doanh nghiệp nước này phải tìm cách phát triển ở bên ngoài. Liệu rằng Việt Nam có phải gánh chịu hậu quả về môi trường do các doanh nghiệp nước ngoài gây ra?
Ông Nguyễn Quang Cung: Sản xuất xi măng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường không khí. Trên thực tế, năm 2013 Việt Nam xuất khẩu 14 triệu tấn, nếu so sánh mức lợi nhuận của ngành xi măng thì sẽ thấy không hề tương xứng với những tệ hại về môi trường mà Việt Nam phải gánh chịu.
Tuy nhiên, những năm gần đây nhờ cải thiện dây chuyền sản xuất ô nhiễm môi trường đã được cải thiện phần nào. Đối với doanh nghiệp trong nước vấn đề ô nhiễm môi trường đã cần phải cẩn trọng. Đối với doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư ngành xi măng, các cơ quan chức năng càng cần quản lý chặt chẽ để Việt Nam không phải gánh thay nước ngoài về hậu quả ô nhiễm môi trường đằng sau sự phát triển của ngành xi măng.
Về lâu dài, với làn sóng thâu tóm này thị trường xi măng trong nước có bị phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài?
Ông Nguyễn Quang Cung: Hiện tại chưa có có gì ảnh hưởng, mức tiêu thụ trong nước vẫn bình thường. Tuy nhiên, về lâu dài nếu như doanh nghiệp nước ngoài nắm cổ phần lớn trong các doanh nghiệp xi măng Việt thì chuyện phụ thuộc là tất yếu.
Xin cám ơn ông!
Hướng Dương