MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

T&T toan tính gì với Bệnh viện Giao thông Vận tải?

Mức giá khởi điểm 10.000 đồng/CP là khá hấp dẫn vì bệnh viện sở hữu quỹ đất rộng hơn 2,1ha, thiết bị hiện đại vừa được đầu tư trị giá 15 triệu USD… Để nắm 30% vốn, NĐT chiến lược chỉ cần bỏ ra tối thiểu khoảng 50,4 tỷ đồng ban đầu và sau khi tăng vốn

Là bệnh viện công lập đầu tiên được thí điểm cổ phần hóa, Bệnh viện giao thông vận tải (GTVT) lập tức thu hút sự quan tâm của một số nhà đầu tư tầm cỡ như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T, Tập đoàn FLC, Brookline Medical (Singapore) và một đối tác đến từ Malaysia.

"Miếng bánh" hấp dẫn nhất của bệnh viện này là khu đất vàng trung tâm rộng tới 21.200 m2 (tại ngõ 1194 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội) cùng thiết bị y tế hiện đại trị giá 15 triệu USD đã được đầu tư bằng nguồn vốn ODA.

Bán cổ phần giá "hời"?

Ngày 10/9, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 3252/QĐ-BGTVT phê duyệt danh sách nhà đầu tư chiến lược (NĐT) cùng phương án bán cổ phần, thời điểm, giá khởi điểm của Bệnh viên GTVT.

Trong đó, xác định nhà đầu tư chiến lược là công ty CP Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển)–Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Việc bán cổ phần sẽ được thực hiện theo hình thức thỏa thuận, thời điểm bán là trước khi bán đấu giá công khai (dự kiến vào quý III/2015). Giá khởi điểm là 10.000 đồng/CP.

Giá trị doanh nghiệp của Bệnh viện GTVT được xác định chỉ có 158,54 tỷ đồng (phần vốn Nhà nước là 158,5 tỷ đồng). Vốn điều lệ dự kiến là 168 tỷ đồng, tương ứng 16,8 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần). Sau đó, bệnh viện sẽ thực hiện phát hành thêm cổ phần, bán cho NĐT chiến lược để tăng vốn lên mức 430 tỷ đồng (tương ứng phần vốn bổ sung đầu tư vào tòa nhà khoảng 262 tỷ đồng).

Có thể thấy, mức giá khởi điểm 10.000 đồng/CP là khá hấp dẫn vì bệnh viện sở hữu quỹ đất rộng hơn 2,1ha, thiết bị hiện đại vừa được đầu tư trị giá 15 triệu USD… Để nắm 30% vốn, NĐT chiến lược chỉ cần bỏ ra tối thiểu khoảng 50,4 tỷ đồng ban đầu và sau khi tăng vốn, chỉ mất khoảng 129 tỷ đồng (tính theo mệnh giá cổ phần).

Hai tháng trước, Tập đoàn FLC đã phải chấp nhận mua 102.000 đồng/CP để nắm quyền kiểm soát công ty CP Cameco – đơn vị sở hữu khu đất 265 Cầu Giấy đắc địa (quận Cầu Giấy, Hà Nội). FLC cũng từng "đánh tiếng" muốn mua toàn bộ cổ phần bệnh viện vì các tài sản giá trị, song đến phút chót lại bất ngờ rút lui.

Do là đơn vị thí điểm đầu tiên, nên Bộ GTVT muốn đẩy nhanh tiến độ CPH bệnh viện này và thu hút NĐT chiến lược có tiềm lực. Trong phương án CPH được Bộ trình lên Thủ tướng vào tháng 3/2015, Bệnh viện GTVT sẽ thực hiện bán bớt một phần vốn Nhà nước kết hợp phát hành tăng vốn điều lệ. Cách này cũng vừa được áp dụng khi CPH Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) với việc bán tới 84% cổ phần chiến lược cho Vingroup.

Cơ cấu sở hữu khi CPH (vốn điều lệ 168 tỷ đồng) gồm: Nhà nước dự kiến nắm giữ 30% vốn (5,04 triệu cổ phần), NĐT chiến lược nắm 30%, bán ưu đãi cho người lao động 8,7%, bán đấu giá công khai 31,3%.

Còn nhiều bất đồng

Mặc dù Bộ GTVT đã "chấm" Tập đoàn T&T, song phía Bộ KH-ĐT lại chưa ưng ý NĐT này mà đề nghị cân nhắc lại việc lựa chọn T&T. Vì ngoài T&T, hiện ba doanh nghiệp khác đề nghị được làm cổ đông chiến lược cũng rất có tiềm lực, kinh nghiệm như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Bảo Sơn, hai đối tác nước ngoài.

Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, còn đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Bệnh viện thực hiện bán cổ phần cho NĐT chiến lược thông qua đấu giá giữa các doanh nghiệp, nhằm đảm bảo thu được lợi ích cao nhất cho Nhà nước và bệnh viện… Hơn nữa, sau CPH, Nhà nước nắm giữ tỷ lệ 30% vốn là không có nhiều ý nghĩa khi biểu quyết, hoặc phủ quyết các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp.

Thực tế, nếu cổ đông và nhóm cổ đông nắm sở hữu 36% thì đã có tiếng nói rất có trọng lượng tại doanh nghiệp. Đại diện của nhóm cổ đông này có thể nắm giữ vị trí chủ chốt trong HĐQT như Chủ tịch, Phó chủ tịch, Trưởng ban kiểm soát…

Trong hoạt động của DN nhà nước sau khi CPH, có NĐT chiến lược, đã có không ít trường hợp cổ đông chiến lược đã đề xuất kế hoạch tăng vốn, làm giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước xuống rất thấp, từ đó dễ dàng thâu tóm doanh nghiệp.

Xét về năng lực tài chính, Bộ GTVT đã đưa ra các tiêu chí lựa chọn NĐT chiến lược (theo Quyết định số 2783) gồm: doanh nghiệp hoạt động cùng ngành nghề kinh doanh (khám chữa bệnh), có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 200 tỷ đồng và không có lỗ lũy kế. Nếu doanh nghiệp không hoạt động khám chữa bệnh thì phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 1.000 tỷ đồng và không có lỗ lũy kế…

Với các tiêu chí này, các NĐT nói trên đều vượt qua, như FLC có vốn điều lệ hơn 5.000 tỷ đồng, T&T có vốn hơn 2.400 tỷ đồng và có ngân hàng SHB hậu thuẫn, Vingroup có vốn hơn 18.400 tỷ đồng… Song cả T&T và FLC đều chưa kinh doanh lĩnh vực khám chữa bệnh.

Các bộ vẫn bất đồng ý kiến về những cơ chế ưu đãi do Bệnh viện GTVT đề xuất. Về ưu đãi tài chính, Bộ Tài chính cho rằng có thể hỗ trợ bệnh viện về ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất, thuế suất TNDN, bán cổ phần ưu đãi cho các lao động là các chuyên gia, bác sỹ giỏi…

Nhưng Bộ KH-ĐT lại không đồng tình với đề xuất về duy trì nguồn ngân sách chi thường xuyên cho bệnh viện trong 3 năm sau CPH, vì ưu đãi này là "không công bằng" với các DN khác.

Theo Hải Hà

Thời Báo Kinh Doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên