MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tác động hai chiều của giá xăng dầu giảm

Trong 8 tháng qua, biến động thất thường (biên độ tăng nhanh - giảm chậm và chênh lệch giá trong - ngoài nước) và tác động hai mặt của chúng là động thái nổi bật đáng chú ý của giá xăng dầu ở Việt Nam.

So sánh giá đợt điều chỉnh đầu tiên ngày 21.1.2015 với giá điều chỉnh đợt mới nhất gần đây ngày 19.8.2015 cho thấy 2 điểm đáng chú ý: Thứ nhất, dù số lần điều chỉnh giảm nhiều hơn số lần điều chỉnh tăng, nhưng tổng bù trừ sau 4 lần tăng (thêm 5.040 đồng/lít) và 6 lần giảm (giảm 4.388 đồng/lít) thì rút cuộc mức giá xăng RON 92 trong nước vẫn tăng 652 đ/lít;

Thứ hai, mức giá bán lẻ tăng nhanh vượt trội so với mức tăng giá dầu thô, cụ thể, mức giá bán lẻ xăng RON 92 tăng tới 2.866đ/lít (15.670đ/lít so với 18.536đ/lít), trong khi giá dầu Bren biển Bắc trên sàn Singapore cùng thời điểm so sánh chỉ tăng 12 cent-chưa tới 3.000đ - cho mỗi thùng gồm 159 lít (48,69USD/thùng so với 48,81USD/thùng).

Giá giảm đã góp phần kích thích nhu cầu tiêu thụ xăng dầu (quý II/2015, sản lượng xuất bán xăng dầu của Petrolimex tăng trưởng 12% so với cùng kỳ 2014) và góp phần nhất định trong kiềm chế lạm phát (7 tháng qua lạm phát cơ bản chỉ là 2,2% và CPI tháng 7.2015 chỉ tăng 0,86% so cùng kỳ năm 2014) và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 7 tháng đầu năm trên 6,28% GDP so cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong 5 năm qua, cũng như góp phần cải thiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp, mức sống người dân.

Giá xăng dầu giảm làm tăng áp lực cân đối NSNN. Trong 7 tháng qua, theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu dầu thô mang lại 38,8 ngàn tỉ đồng, đạt 41,7% dự toán kế hoạch 93.000 tỉ đồng trong tổng thu 911.100 tỉ đồng NSNN cả nước của năm 2015 (cộng thu qua giá xăng dầu bán lẻ, ngành dầu khí đã đóng góp hơn 42,27 nghìn tỉ đồng, bằng 45,5% dự toán, giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2014).

Dù tổng thu NSNN ước đạt 544,6 nghìn tỉ đồng (60%) dự toán kế hoạch, nhưng thâm hụt NSNN đã vào khoảng 100.000 tỉ đồng, chiếm 44,5% dự toán cả năm. Theo Bộ KHĐT, nếu dầu thô giảm về 40USD/thùng, NSNN sẽ hụt thu khoảng 11.500 tỉ đồng. Bù đắp cho hụt thu NSNN đã và đang được cải thiện bằng nguồn thu bổ sung từ tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít vào ngày 1.5.2015); tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá…; tăng tỉ giá (tổng cộng 3 lần tăng 3% và nới biên độ thêm 2%) và phát hành trái phiếu chính phủ, cũng như tăng khai thác, xuất khẩu dầu thô từ những mỏ có giá thành thấp trong khi giảm khai thác ở những mỏ có giá thành cao nhằm giảm thiểu thiệt hại…

Giá xăng dầu giảm và cơ chế điều hành giá xăng dầu chưa thật hoàn thiện theo Nghị định 83 đã mang lại cơ hội tăng lợi nhuận khá hấp dẫn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Điều đáng nói là việc điều chỉnh chi phí định mức mỗi lít xăng RON 92 là 1.050 đồng/lít so với mức cũ 860 đồng/lít, dầu diesel là 950 đồng/lít, dầu madút 600 đồng/lít và duy trì lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít xăng đã khiến lợi nhuận sau thuế quý II/2015 của Petrolimex tăng lên 1.125 tỉ đồng, gấp 2,7 lần, dù doanh thu thuần của tập đoàn đạt 43.565 tỉ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ 2014.

Thực tế đòi hỏi cần có thêm nhiều bứt phá trong gia tăng sự minh bạch, công bằng, bảo đảm hài hòa lợi ích liên quan đến kinh doanh và quản lý kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam.

Theo TS NGUYỄN MINH PHONG

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên