MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu cần bước đi chặt chẽ

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, tái cơ cấu là quá trình không dễ dàng được. Vì nó thay đổi cả một tư duy nên đòi hỏi phải có thời gian.

Vừa rồi, tái cơ cấu tập đoàn, DNNN chậm nhưng cần thiết, vì phải có thể chế. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân trao đổi với chúng tôi.

Thưa ông, điều gì đã làm được và cái chưa hay của tái cơ cấu kinh tế tính đến nay?


Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân

Nhìn lại 3 đột phá, cái chúng ta đã làm tốt thời gian qua là: Về hoàn thiện luật pháp, thể chế chúng ta đang làm, trong đó đáng chú ý có việc bổ sung khoản thu từ DNNN, tức là cổ tức về ngân sách; Về cơ sở hạ tầng, chúng ta đang có kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ thêm 170 nghìn tỷ đồng để đầu tư các dự án trọng điểm và có hiệu ứng cao với nền kinh tế; Về nguồn nhân lực vừa rồi có cải cách về giáo dục…

Việc thực hiện các đột phá này cần bình tĩnh, chậm nhưng chắc, ưu tiên nhiều hơn ổn định vĩ mô để tạo tiền đề phát triển bền vững những năm sau 2016.

Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã không hoàn thành 3 năm nay. Nhưng theo tôi, trong 2 năm tới cũng không vì thế mà hoàn thành bằng mọi giá. Thà rằng, chúng ta bám vào mục tiêu chủ lực ổn định kinh tế và một phần mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều nền kinh tế trên thế giới hiện nay.

Liên quan đến cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, trong đó có vấn đề xử lý nợ xấu. Ông bình luận gì về việc này?

Tôi cho rằng, xử lý nợ xấu trong bối cảnh hiện nay còn phụ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh của các DN và điều kiện thị trường bất động sản. Theo tôi, để có được những kết quả tích cực còn phải chờ đợi trong khoảng 2 năm nữa. Phải chấp nhận. Kinh nghiệm trên thế giới, Mỹ xử lý nợ xấu bất động sản mất 5 năm. Châu Âu cũng khủng hoảng nợ công đã kéo dài 5 năm.

Còn với Việt Nam, hiện vấn đề xử lý nợ đang rất đúng hướng, không nên nóng lòng nữa. Bài toán VAMC, chúng ta cũng nên kéo dài chờ nó phục hồi. Bởi hai năm 2009 và 2010, chúng ta nới lỏng đầu tư. Năm 2011, chúng ta thắt lại thì các công trình lại treo. Giờ tiếp tục lại phải đầu tư. Đó là cảnh báo, Chính phủ và Quốc hội rất cân nhắc nên hay không nên, tiếp tục hay không cho dự án nào.

Còn chuyện tái cơ cấu DNNN, đang có ý kiến cho rằng việc triển khai quá chậm, thưa ông?

Tái cơ cấu là quá trình không dễ dàng được. Vì nó thay đổi cả một tư duy nên đòi hỏi phải có thời gian. Vừa rồi, tái cơ cấu tập đoàn, DNNN chậm nhưng cần thiết, vì phải có thể chế. Ví dụ, muốn thoái vốn phải có quy định. Trước đây, chúng ta có quy định thoái vốn không được bán lỗ. Còn bây giờ, chúng ta mở cơ chế cho thoái vốn lỗ, nhưng phải thuyết minh. Thể chế đã dần hoàn thiện, từ năm 2014 - 2015 có thể đẩy mạnh.

Trung Quốc đang chuẩn bị thay đổi cách nhìn về vị thế DNNN. Ông có nghĩ Việt Nam nên tham khảo?

Điều này phải được xem xét kỹ. Tôi nghĩ, Việt Nam đang có tư duy, đang có cuộc cách mạng về suy nghĩ. Tái cơ cấu cũng là cuộc cách mạng nên cần có bước đi rất chặt chẽ.


Xử lý điểm nghẽn sẽ mở ra hướng đi tốt cho nền kinh tế

Về mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho năm 2014, ông nghĩ như vậy có quá cao? Cản trở nào sẽ phải được tính đến?

Tôi nghĩ nó cao, nhưng để có mức phấn đấu. Vấn đề quan trọng là tổng vốn đầu tư xã hội phải được cải thiện. Tôi đã nói, Chính phủ phải khơi dậy được vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là vốn ở khu vực dân doanh cần đạt tới con số 520 nghìn tỷ đồng/năm. Nếu Chính phủ tháo được chỗ này thì vẫn tăng trưởng được.

Còn trở ngại nhất là thể chế thì đã hoàn thiện khá rõ, đã đẩy nhanh được quá trình tái cơ cấu các tập đoàn, DNNN. Rồi, có khả năng đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu trong đầu tư công, các NHTM, đồng thời đang xử lý nợ xấu. Những điểm nghẽn đang xử lý dần sẽ làm mở ra những hướng đi tốt hơn.

Nhìn vào nhân tố đóng góp cho tăng trưởng là các DN, sức khỏe yếu của nhóm này có là rào cản?

Chính phủ đang xây dựng các chính sách tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN. Gần đây, TP. Hồ Chí Minh đã cho hình thành các tổ tác chiến, đi xuống DN, vướng đâu tháo đó chứ không nói chung chung, giải quyết ngay những ách tắc ở chính DN chứ không chỉ có ban hành chính sách. Tôi cho rằng, nên nhân rộng mô hình này. Kể cả Chính phủ cũng nên có tổ tác chiến của mình. Gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng cần phải tiếp tục, vướng ở đâu thì xuống tháo cùng với ngân hàng, cần và phải tiếp tục tháo…

Một lo ngại khác là khả năng tăng trưởng chậm được phục hồi nhưng lạm phát có thể đến nhanh, thưa ông?

Kiểm soát lạm phát còn tùy vào tình hình thế giới. Năm nay, chúng ta có khả năng kìm được lạm phát do giá dầu thô thế giới không lên. Theo dự báo, sang năm giá dầu thô khó có sự biến động. Còn lương thực, hiện nay thế giới nước nào cũng đã trồng, nên giá lương thực cũng bớt sốc. Tuy nhiên, lạm phát còn tùy thuộc vào điều chỉnh giá của Việt Nam. Điều này thì Chính phủ phải cân nhắc. Nhưng nếu chúng ta quyết tâm thì sẽ kiềm chế được lạm phát.

Theo Trần Hương

cucpth

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên