Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Đã “quyết liệt” sao vẫn chậm?
Từ đầu năm đến nay đã không ít lần người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo “quyết liệt” tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhưng tiến trình này xem ra vẫn khá ì ạch.
Ngay Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp một mặt đánh giá rằng kết quả cổ phần hóa DNNN trong các tháng đầu năm là khả quan, có thể hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa 432 DNNN từ nay đến hết năm 2015, nhưng mặt khác vẫn thừa nhận rằng nhiều Bộ và địa phương vẫn chậm tiến độ trong tái cơ cấu.
Ngoài nhiều lý do như đã được phân tích mổ xẻ, có thể liệt kê ra đây thêm một số nguyên nhân khác góp phần dẫn đến sự chậm chễ này.
Thứ nhất, mục tiêu tái cơ cấu không được xác định rõ ràng. Có thể hiểu rằng tái cơ cấu DNNN có phạm vi rộng hơn cổ phần hóa DNNN, hay nói cách khác, cổ phần hóa DNNN chỉ là một trong những biện pháp tái cơ cấu DNNN.
Nếu để ý thì sẽ thấy nhiều ý kiến vẫn có sự nhầm lẫn khi đánh đồng tái cơ cấu với cổ phần hóa, và bởi vậy mới có sự khác biệt trong đánh giá tiến trình và kết quả tái cơ cấu DNNN. Nếu chỉ nhìn vào con số DNNN đã và sẽ (có khả năng thực hiện) được cổ phần hóa thì nhiều người đã và đang cho rằng tái cơ cấu đang đi đúng hướng, đúng tiến độ và sẽ hoàn thành được mục tiêu (cổ phần hóa 432 DNNN). Sự hiểu lầm này dẫn đến sự tự bằng lòng, thái độ chây ì, không cần nhiệt tình trong việc tái cơ cấu các DNNN nằm ngoài danh sách cổ phần hóa này ở nhiều Bộ, ngành, địa phương. Trên thực tế, sự chú trọng của nhà làm chính sách lẫn công luận dường như dồn cả vào tiến trình cổ phần hóa và thậm chí là IPO của 432 DNNN mà khá xao nhãng những mặt khác của tái cơ cấu DNNN.
Nhưng nếu hiểu đúng rằng tái cơ cấu DNNN không chỉ là cổ phần hóa mà còn bao gồm thoái vốn, thay đổi ban quản trị và lề lối quản trị, giải thể, sáp nhập, thay đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặt DNNN trong môi trường cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác v.v... thì quả thật tái cơ cấu DNNN vẫn còn cả chặng đường chông gai phía trước, với đủ nguyên nhân và lý do cả chủ quan lẫn khách quan làm trì hoãn tiến trình này.
Thứ hai, bản thân những chỉ đạo “quyết liệt” của Chính phủ tuy có thể đã thể hiện ý chí và quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhưng lại thiếu một cơ chế “chiếc gậy và củ cà rốt” rõ ràng, đủ sức khuyến khích thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình tái cơ cấu và răn đe, trừng phạt những hành động, những cá nhân và tập thể cản trở tiến trình.
Xét về “củ cà rốt”, khi các Bộ, ngành, cơ quan hữu trách, địa phương và người đứng đầu DNNN thực hiện tốt tái cơ cấu thì sự “tưởng thưởng” cho thành tích của họ có lẽ chỉ dừng lại ở mức độ được đánh giá là “hoàn thành nhiệm vụ”, vốn không mang lại mấy lợi ích (quy ra) vật chất cho họ, so với những lợi ích khác họ có thể thu được nếu “không hoàn thành nhiệm vụ”.
Mặt khác, “chiếc gậy” trong trường hợp bị đánh giá là “không hoàn thành nhiệm vụ” dường như mới chỉ dừng lại ở lời đe dọa sẽ bị mất chức, chính xác hơn là “tự nguyện từ chức”. Nhưng ở Việt Nam cho đến nay thì chuyện bị miễn nhiệm, cắt chức vốn đã khó, không mấy khi xảy ra, nói gì đến chuyện “tự nguyện từ chức”? Nói cách khác, tuy những cá nhân và tổ chức liên quan đến tái cơ cấu DNNN về nguyên tắc có thể chịu hậu quả của việc không đáp ứng được yêu cầu về tái cơ cấu nhưng hậu quả này không đủ sức răn đe vì khá mơ hồ, không có tính khả thi cao.
Thứ ba, những “quyết liệt” liên quan đến tái cơ cấu DNNN cho đến nay chủ yếu được thể hiện trong các Nghị quyết hoặc qua các phát biểu của người đứng đầu Chính phủ trong các cuộc họp. Như quan chức của một Bộ bình luận thẳng thừng với người viết gần đây, Nghị quyết có tính áp đặt pháp lý yếu ớt so với các văn bản pháp luật khác của nhà nước, nên sẽ là không khó hiểu nếu có khoảng cách lớn giữa ý chí và quyết tâm của lãnh đạo cấp trên với sự tuân thủ, thực thi của cấp dưới như đã thấy cho đến nay.
Thứ tư, trong những chỉ đạo thúc đẩy tái cơ cấu của chính phủ, mục tiêu tái cơ cấu (hoặc hẹp hơn, cổ phần hóa) lại được đặt song song với hàng loạt mục tiêu khác không kém tham vọng như phải đẩy mạnh hoạt động kinh doanh; thoái vốn song phải được tiến hành một cách chặt chẽ, không được tùy tiện, không để nảy sinh tiêu cực, thất thoát; giải quyết lao động dôi dư v.v... Đây là những thách thức, đúng hơn, có thể bị lợi dụng để biến thành cái cớ cho trì hoãn tái cơ cấu.
Chẳng hạn, với lý do đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thì các DNNN đang kinh doanh tốt sẽ chẳng mặn mà, tự nguyện tái cơ cấu hoặc cổ phần hóa. Ngược lại, với cùng lý do này, các DNNN đang khó khăn sẽ có cớ để trì hoãn tái cơ cấu, viện cớ rằng họ đang tập trung cải thiện kinh doanh, nếu tái cơ cấu thì sẽ làm đảo lộn, phá vỡ kế hoạch của họ. Với những lý do phải chặt chẽ, thận trọng, không để thất thoát, các DNNN sẽ có cớ để đổ lỗi cho sự chậm chễ trong tái cơ cấu của mình (và bản thân các cá nhân và tổ chức liên đới cũng sợ bị quy cho những tội này nên tự mình cũng co vào thế thủ).
Cuối cùng, có một lý do rất thực tế thông qua các cuộc tiếp xúc của người viết với một số DNNN là chuyện các DNNN tuy rất quán triệt tinh thần tái cơ cấu, cổ phần hóa bản thân mình, nhưng họ như những con cá vốn chỉ quen bơi trong ao tù này, được thả ra trước biển lớn hoàn toàn không biết được mình sẽ bơi đi đâu, và làm gì.
Nếu có hỏi họ về, ví dụ, nguyện vọng tìm đối tác chiến lược cụ thể như thế nào để cùng làm cái gì thì câu trả lời thường rất chung chung, theo kiểu tôi có như thế và sẵn sàng bán mình, anh thấy tôi có giá trị thì mua tôi rồi thì muốn làm gì cũng được, tùy anh. Thái độ như vậy đương nhiên không thu hút được sự quan tâm cần thiết của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, và bởi vậy sự thoái vốn, tìm đối tác để liên doanh, sáp nhập, thay đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh v.v... của những DNNN loại này sẽ thêm phần nan giải.