MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu kinh tế: Vì sao 3 năm vẫn chậm?

Tại kỳ họp thứ 8 khai mạc vào ngày 20/10 tới đây, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Đây cũng là nội dung được bàn thảo nhiều chiều nhất trong các diễn đàn được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức định kỳ vào mùa xuân và mùa thu hàng năm.

Đầu tháng 4/2012, Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân từng rất sôi động quanh chủ đề “Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế”.

Và đổi mới thể chế kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, kiểm soát lạm phát, tái lập lòng tin… là những ưu tiên đã được đề nghị xác lập để quá trình tái cơ cấu nền kinh tế có thể diễn ra thành công.

Sau diễn đàn này, một bản kiến nghị 12 điểm đã được gửi tới các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong đó nêu rõ nội hàm tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, làm rõ sự khác nhau giữa “tái cơ cấu nền kinh tế” và “chuyển dịch cơ cấu kinh tế”.

Cũng tại kiến nghị này lần đầu tiên khái niệm tái cơ cấu nền kinh tế là “quá trình phân bổ lại các nguồn lực cho tăng trưởng” được nên ra và sau này đã nhận được sự đồng thuận cao trong giới chuyên gia cũng như các đề án của Chính phủ. Những đề xuất cụ thể cho tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại cũng được nêu rõ.

Gần một năm sau, giữa tháng 2/2013 đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020 mới được phê duyệt. Để rồi chỉ sau đó hơn một tháng đã nhận được đề nghị làm lại, sau rất nhiều lời phê “tơi tả”, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013.

Nhìn lại một năm quá trình tái cơ cấu nền kinh tế - theo tiêu đề của diễn đàn - TS. Nguyễn Đình Cung khi ấy khái quát: nền kinh tế như một chiếc xe ở ngã ba đường. Thẳng tiến là vực sâu, phải rẽ sang xa lộ khác, nhưng để sang được xa lộ khác đẹp hơn, rộng hơn, thì phải qua một chặng đường gập ghềnh, trong khi người lái và hành khách trên xe có vẻ chưa đồng lòng.

Ngoái lại xa hơn, từ 2007, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận định, không có điểm mới đáng kể nào trong thực tiễn kinh tế từ đó đến 2013 ngoại trừ xu hướng xấu đi của tình hình.

Vị chuyên gia này cũng đặt câu hỏi: tại sao suốt mấy năm trời, đã không có một nỗ lực cải cách thực sự nào được thực thi? Phải chăng động lực và năng lực cải cách của nền kinh tế đã bị suy yếu nghiêm trọng?

Mùa xuân 2014, “động lực phát triển mới từ cải cách thể chế” là chủ đề được chọn cho diễn đàn, nhưng tái cơ cấu vẫn là vấn đề thường trực trong sự sốt ruột của cả chuyên gia và nhà quản lý. Bởi ba năm qua, dù “hô hào quyết liệt” thì tái cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa mấy nhúc nhích.

Cũng dễ hiểu, bởi nhiều công trình nghiên cứu được công bố, đặc biệt là trong các diễn đàn kinh tế của Ủy ban Kinh tế trong năm 2013 đều cho thấy tiến độ xây dựng, phê duyệt, triển khai đề án tổng thể và các đề án thành phần còn chậm. Thực tế cũng chưa ghi nhận được những tiến bộ nào đáng kể của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Bởi thế, hệ thống phân bổ nguồn lực vẫn chưa có đổi mới về căn bản, nền kinh tế Việt Nam từ 2012-2014 vẫn chứng kiến những diễn biến bất ổn, và chưa đi vào quỹ đạo ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững, theo khái quát của nhiều chuyên gia.

Các báo cáo nghiên cứu tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 cũng cho thấy, không những thực tiễn triển khai và kết quả tái cơ cấu nền kinh tế còn hạn chế, những điều kiện tiền đề để tái cấu trúc như thay đổi tư duy và cải cách thể chế cũng không có tiến triển tích cực

Trong khi đó, năm 2015 đang đến rất gần. Cũng có nghĩa, mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2011-2015 là quá trình tái cơ cấu 3 lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng từ 2013 đến 2015 phải tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản có hiệu quả rõ rệt rất khó đạt được.

Vậy mục tiêu cuối cùng của quá trình tái cơ cấu là gì, những điều kiện nào cần có để thực hiện để tái cơ cấu thành công và những điểm nghẽn quan trọng nào khiến quá trình tái cơ cấu trong 3 năm chậm chạp?

Những câu hỏi này sẽ là trọng tâm của các phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014, chỉ vài ngày nữa sẽ diễn ra tại Ninh Bình.

Và lần thứ ba trong ba năm, tái cơ cấu nền kinh tế là cụm từ được xuất hiện ngay tiêu đề của diễn đàn, với kỳ vọng vào sự chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản.

Từ khởi động đến kỳ vọng, qua 5 diễn đàn lớn với sự tham dự của hàng trăm nhà khoa học và chuyên gia kinh tế cả quen và “lạ”, tái cơ cấu nền kinh tế đã được “soi” khá kỹ càng.

Qua đó, những lực cản rất lớn đã được nhận diện ngay từ khi khởi động. Đó là lợi ích nhóm thao túng tại nhiều lĩnh vực, là doanh nghiệp nhà nước “lời ăn lỗ dân chịu”, là cách làm ngân sách “không giống ai”… và khái quát lại là cải cách thể chế kinh tế còn nhiều lúng túng, ngập ngừng, thiếu nhất quán.

Và, nói như một số chuyên gia là khách mời thân thiết của các diễn đàn thì bước đột phá đổi mới thể chế kinh tế cần sự xuất hiện của các cá nhân đủ tầm có tư duy đổi mới. Bởi nhân tài quyết định thể chế.

>>>Chủ thuyết kinh tế nào cho Việt Nam?

Theo Nguyên Hà

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên