MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài nguyên khoáng sản: Tài sản lớn, quản lỏng

Theo số liệu đưa ra tại hội thảo, đến nay, nước ta đã phát hiện được trên 50.000 mỏ, điểm quặng có trên 60 loại khoáng sản khác nhau.

Thất thoát nguồn thu

Theo số liệu đưa ra tại hội thảo, đến nay, nước ta đã phát hiện được trên 50.000 mỏ, điểm quặng có trên 60 loại khoáng sản khác nhau. Trong đó, một số loại khoáng sản có tiềm năng đủ để khai thác, chế biến quy mô công nghiệp với thời gian lâu dài như: Bauxite, titan zicon, đất hiếm, than, apatit, đá hoa trắng, cát trắng… Một số có quy mô trung bình như: Sắt đồng, chì, kẽm cromit, thiếc, vonfram, cao lanh...; một số có quy mô nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn như: Molypen, antimony, kim loại hiếm, tacl, graphit sericit... 
 
"Sáng kiến EITI” sẽ góp phần quản lý tốt tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu và giảm thất thoát cho ngân sách Nhà nước, tăng khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực khai thác khoáng sản; giúp tạo hệ thống cơ sở dữ liệu trong khai khoáng; giảm thiểu xung đột trong phân chia lợi ích khai thác khoáng sản giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; đặc biệt là hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện các chủ trương, chính sách về minh bạch, trách nhiệm giải trình và phòng chống tham nhũng”.
 
Ông Phạm Quang Tú
Phó viện trưởng Viện Tư vấn phát triển

Tính đến tháng 5/2013, có 79 giấy phép thăm dò khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và 503 giấy phép khai thác khoảng sản do cơ quan Trung ương cấp còn hiệu lực và có trên 4.200 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND các địa phương cấp còn hiệu lực... Mặc dù trữ lượng khoáng sản và số lượng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản trong nước khá lớn, nhưng cơ quan chức năng lại không kiểm soát được sản lượng khai thác thực, dẫn tới thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước. Hiện mới có khoảng 40% tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản tự giác thực hiện báo cáo định kỳ về hoạt động khai thác. Trong khi trung bình 2 năm cơ quan chức năng Trung ương và địa phương mới thanh kiểm tra khu vực khai khoáng được 1 lần.

Theo ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), công tác quản trị khoáng sản còn nhiều bất cập do hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh. Đến nay, vẫn chưa có quy định hướng dẫn mức thu, phương thức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; chưa có nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, chưa có thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản… Công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản vẫn chồng chéo, dẫn đến thực trạng cùng một mỏ khoáng sản nhưng có 2 quy hoạch do 2 bộ chủ trì lập, được phê duyệt ở các thời điểm khác nhau; hay một số quy hoạch có tính ổn định thấp, còn lệ thuộc vào nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, địa phương...

TS. Kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá: “Hoạt động khai thác khoáng sản chưa đánh giá hết được những tác động tới môi trường xung quanh, vẫn còn tồn tại vấn đề “lợi ích nhóm”. Thực tế, Trung ương cấp rất ít giấy phép khai thác khoáng sản trong khi tại các địa phương lại cấp ồ ạt, có khi một mỏ khoáng sản được xẻ nhỏ để cấp nhiều giấy phép”. 
 
Minh bạch trong khai thác

Để quản trị tốt tài nguyên khoáng sản Việt Nam, ông Lại Hồng Thanh cho rằng, cần xây dựng hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về khai thác khoáng sản, quản lý chặt nguồn thu về ngân sách Nhà nước từ khoáng sản, tăng cường, nâng cao chất lượng thẩm định cấp phép, thanh tra, giám sát hoạt động khai khoáng…

TS. Kinh tế Lê Đăng Doanh đề xuất: “Cần tính đến bài toán chia sẻ lợi ích hợp lý, đảm bảo quyền lợi các đối tượng bị tác động từ Nhà nước, doanh nghiệp tới người dân, môi trường… Để làm được điều này cần sự công khai, minh bạch trong quá trình quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản”.

Nhiều chuyên gia tại hội thảo đã đề xuất đến năm 2015, Việt Nam phải tham gia “Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng - EITI” nhằm xây dựng một cơ chế giám sát hoạt động khai thác khoáng sản hợp lý, có hiệu quả, rõ ràng, minh bạch trách nhiệm của các chủ thể liên quan, đồng thời điều tiết hài hòa lợi ích mang đến từ khoáng sản. EITI được coi là công cụ tích cực góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng trong công tác quản trị, khai thác và sử dụng khoáng sản và hiện đã được 39 quốc gia trên thế giới tham gia.
 
Theo Bảo Chi

thunm

Giao thông vận tải

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên