“Tại sao Việt Nam không thể trở thành một bếp ăn của thế giới"
“Tại sao Việt Nam không thể trở thành một bếp ăn của thế giới, một cường quốc về cung ứng sản phẩm nông-thủy sản sạch, đa dạng cho thế giới với những điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và khí hậu đầy tiềm năng. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam, song vấn đề khó của họ hiện nay là việc tìm kiếm được một đối tác tốt."
Đó là những tâm sự của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại buổi Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2014 của VCCI hôm 15/4.
Theo đánh giá của buổi báo cáo, năm 2014, mặc dù kinh tế Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu của sự phục hồi, song trên cả nước vẫn có 67.823 doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, tăng 11,7% so với năm 2013, trong đó các ngành kinh doanh gặp khó khăn phải kể đến bán buôn-bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy-xe máy, khoa học, công nghệ…
Báo cáo cho thấy, hiệu quả sử dụng lao động trong khu vực doanh nghiệp chưa được cải thiện thậm chí còn giảm, từ mức 17,3 lần (năm 2007) xuống còn 15,7% (năm 2013) đồng thời hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp ở mức thấp, tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ có mức tăng cao nhất trong giai đoạn (2007-2013) với 44,9%. Bên cạnh đó, hiệu suất sinh lời của các doanh nghiệp có lãi cũng đạt ở mức thấp, đặc biệt là tại khối doanh nghiệp nhà nước.
“Những yếu tố trên là nguyên nhân dẫn tới tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao trong năm 2014,” nhóm nghiên cứu đưa ra phân tích.
Cảnh báo về những thực trạng này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, “các doanh nghiệp trong nước tiếp tục dịch chuyển theo hướng quy mô ngày càng nhỏ đi, khiến kinh tế Việt Nam thiếu hụt một lực lượng doanh nghiệp có quy mô vừa và đủ lớn để dẫn dắt nền kinh tế hội nhập quốc tế.”
Khảo sát cũng chỉ ra, trong năm 2014, nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những rủi ro lớn về việc điều chỉnh chính sách đột ngột (như thay đổi giá xăng dầu, giá điện, thuế sử dụng đất) và rủi ro về thị trường xuất khẩu. Hai loại rủi ro này chiếm tỷ lệ cao, tương ứng 23,2% và 24,4%.
Một điểm đáng chú ý tại Báo cáo thường niên năm 2014, là nhóm nghiên cứu đã hướng trọng tâm vào lĩnh vực nông nghiệp và thành chủ đề xuyên suốt.
Ngành nông nghiệp luôn được đánh giá là một trong những thế mạnh của kinh tế Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xóa đói giảm nghèo đồng thời là nguồn thu ngoại tệ lớn và góp phần ổn định chính trị-xã hội đất nước.
Nhưng trên thực tế, việc phát triển lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế và tụt hậu khá xa so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Để làm rõ thực trạng này, nhóm nghiên cứu đã mở rộng phạm vi tham vấn từ lĩnh vực nông nghiệp đơn thuần sang đến chuỗi cung ứng tổng hợp (bắt đầu từ khâu nguyên liệu đầu vào cho việc nuôi, trồng sản phẩm… tiếp đến khâu thu gom, bảo quản, chế biến và cuối cùng là phân phối).
Từ quá trình nghiên cứu Báo cáo chỉ ra, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong ngành nông-lâm-thủy sản cũng có chiều hướng tăng lên, từ 12,6% (năm 2007) lên 35,1% (năm 2013), với các điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam bao trùm từ khâu sản xuất với quy mô nhỏ, khả năng liên kết yếu đồng thời luôn phải đối mặt với tình trạng mất cân đối về cung cầu nguyên liệu…
Theo người đứng đầu VCCI, thời gian gần đầy nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam đang chuyển hướng kinh doanh từ tài chính, bất động sản… sang đầu tư vào nông nghiệp. Điều này cho thấy tầm nhìn dài hạn, tiềm năng về lợi nhuận trong lĩnh vực này là triển vọng.
"Tuy nhiên, những động thái này có trở thành sự kiện đột phá của nền kinh tế hay không, theo tôi chỉ khi Việt Nam thực sự có một trào lưu đầu tư vào ngành nông nghiệp kỹ thuật cao,” ông Lộc kết luận./.
>>>IMF: Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai trong ASEAN 5
Theo Hạnh Nguyễn
TTXVN