MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng đầu tư công nhưng lợi ích phải lan tỏa

“Tôi đồng tình với đề nghị nâng bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu để cân đối vốn đầu tư phát triển phù hợp với mục tiêu tổng quát nhưng phải được kiểm soát chặt chẽ”

Đó là quan điểm của TS. Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội khi trao đổi với phóng viên TBNH xung quanh các vấn đề của nền kinh tế hiện nay.

Thưa ông, theo như Chính phủ báo cáo thì tình hình kinh tế đang tốt lên, nhưng nghe ý kiến phát biểu của chuyên gia kinh tế thì thấy điểm tối nhiều hơn?

Nền kinh tế vừa đi qua một giai đoạn hết sức khó khăn và đến giờ khó khăn vẫn chưa hết, như vậy, chắc chắn mảng tối vẫn còn nhưng rõ ràng nền kinh tế đang tốt lên và mảng sáng đang lan rộng hơn với 5 điểm quan trọng.

Điểm sáng rõ nhất là tốc độ tăng trưởng quý sau đã cao hơn quý trước, tuy mức tăng chưa nhiều nhưng đã thể hiện rõ xu hướng tăng lên. Lĩnh vực xây dựng thời gian trước đây tăng trưởng âm, nay đã tăng trưởng dương trở lại. Sản xuất đã phần nào hồi phục, tổng cầu được cải thiện.

Điểm sáng rất rõ nữa, như nhiều chuyên gia kinh tế đã cùng đồng thuận đánh giá, là kinh tế vĩ mô đã ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Dự trữ ngoại hối tăng cao. Tỷ giá được bình ổn. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được củng cố và hiện khá dồi dào so với thời gian trước. Đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm mạnh mà xuất khẩu tăng được ở mức khá 16%, trong khi xuất khẩu của các nước lân cận như Trung Quốc – vốn là nước xuất khẩu mạnh cũng chỉ tăng chưa được 10%, Indonesia thì giảm...

Thật khách quan mà nhìn nhận, trong điều kiện khó khăn, như nhiều chuyên gia đã nói: “chưa bao giờ khó khăn như vậy”, mà chúng ta đã đạt được kết quả như hôm nay là những điểm sáng lớn.

Điểm thứ ba nữa là an sinh xã hội được đảm bảo tốt.

Thứ tư là việc tái cơ cấu bước đầu đạt kết quả hiện thực.

Thứ năm, với 4 điểm sáng trên đã mang lại kết quả tích cực, củng cố lòng tin của thị trường và niềm tin của xã hội. Có thể minh chứng: chỉ số CDS (Credit Default Swap – chỉ số đánh giá rủi ro từ thị trường) đã giảm từ 400 điểm xuống mức 300 điểm và hiện nay là 250 điểm, giảm tới 40% chứng tỏ niềm tin nhà đầu tư tiếp tục tăng lên. Chỉ số niềm tin và năng lực cạnh tranh nâng lên 5 bậc từ 75 lên 70, chỉ số đánh giá môi trường vĩ mô cũng tăng lên được 19 bậc từ 106 lên 87 bậc. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 9 tháng đầu năm nay tăng 36% so với cùng kỳ năm 2012…

Những kết quả đạt được này đã ghi nhận thành công của chính sách và sự chuyển hướng chính sách kịp thời với việc thực hiện Kết luận 02 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết 11, Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ, đã mang lại kết quả và tạo được sự đồng thuận lớn, đáng ghi nhận trong 2013 nói riêng và cả 3 năm vừa qua nói chung.

Không ít ý kiến đang cho rằng việc đổi mới mô hình tăng trưởng, tiến độ tái cấu trúc nền kinh tế chưa làm được gì thực chất?

Tôi đồng ý như nhiều chuyên gia nói còn nhiều việc phải làm và phải tích cực thực hiện hơn nữa. Nhưng thực tế cho thấy nhiệm vụ tái cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả bước đầu.

Dẫn chứng ngay là thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, đã loại bỏ được nhiều dự án đầu tư kém hiệu quả, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Nhờ đó hệ số ICOR trong giai đoạn 2011-2013 đã giảm còn 5,53 so với giai đoạn 2008-2010 là 6,7.

Với việc tái cơ cấu hệ thống tài chính đã mang lại kết quả bước đầu, chúng ta đã khống chế và kiểm soát được hệ thống, loại ra khỏi cuộc chơi những định chế tài chính nguy hiểm nhất. Hệ thống tài chính ổn định hơn nhiều, rủi ro đối với cả các tổ chức tín dụng và các công ty chứng khoán đã giảm đi rất nhiều so với năm 2011.

Theo ông, đâu là khó khăn thách thức nhất mà chính sách điều hành kinh tế phải quan tâm trong những tháng còn lại của năm 2013 và năm 2014 tới?

Theo tôi, có hai khó khăn và thách thức lớn nhất của nền kinh tế không chỉ ở thời điểm này mà nó còn ảnh hưởng tiếp tới năm 2014. Đó là cân đối ngân sách và tình hình khó khăn của DN hiện nay.

Như chúng ta đã thấy, mặc dù hệ thống DN đã được hỗ trợ nhiều bằng các Nghị quyết của Chính phủ nhưng vẫn rất khó khăn, công suất sản xuất của nhiều DN ở một số ngành lĩnh vực rất thấp. Nếu tới đây phục hồi sản xuất không được như kỳ vọng, DN vẫn trì trệ sẽ làm gia tăng nợ xấu ngân hàng và ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách.

Đồng thời, khi nguồn thu giảm, cân đối ngân sách khó khăn sẽ ảnh hưởng trung hạn đến nguồn vốn cho đầu tư phát triển, từ đó sẽ ảnh hưởng tiếp tới tăng trưởng kinh tế; đến nợ công trong trung và dài hạn, tới an toàn tài chính, và cuối cùng sẽ tác động trở lại tới kinh tế vĩ mô. Đây là thách thức hết sức phải quan tâm.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2014 là 5,8%, nhiều chuyên gia cho là “quá lạc quan” và vẫn chạy theo mục tiêu tăng trưởng. Chỉ số trên, như TS.Trần Du Lịch, chỉ nên “quanh mức 5,5%”. Vậy theo ông, mức nào hợp lý hơn?

Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2014 mà tăng trưởng 5,8% là hơi khó khăn nhưng nó có ý nghĩa để phấn đấu hơn. Tôi tin rằng nếu nỗ lực thực sự với những giải pháp đề ra thì cũng có thể đạt được. Nói khoảng 5,5% thì cũng có thể xem là nó nằm trong khoảng này.

Hiện đang có nhiều ý kiến đề nghị nới bội chi ngân sách, nhưng cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn bởi Việt Nam đã rơi vào tình cảnh lạm phát cao như năm 2008 cũng một phần do nhiều năm liền bội chi ngân sách luôn vượt mức 5%. Hơn nữa vẫn còn ý kiến nêu ra là tình trạng lãng phí, sử dụng vốn đầu tư ngân sách kém hiệu quả. Vậy, theo ông có nên nới bội chi ngân sách như Chính phủ đề nghị?

Ý kiến đề nghị nới bội chi, phát hành trái phiếu lúc này là để cân đối vốn cho đầu tư phát triển, góp phần tăng tổng cầu, từ đó giúp DN vượt được dốc. Trong điều kiện khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế còn thấp, DN vẫn đang rất khó khăn mà không dùng vốn Nhà nước để kích tổng cầu thì nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng thấp, vòng xoáy khó khăn sẽ lặp lại với mức độ khó khăn hơn.

Tôi đồng tình với đề nghị nâng bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu để cân đối vốn đầu tư phát triển phù hợp với mục tiêu tổng quát nhưng phải được kiểm soát chặt chẽ. Vấn đề là cần cân nhắc tính toán cụ thể để làm sao số vốn thông qua việc nâng bội chi đó được đưa đúng cho đầu tư phát triển, cho các dự án quan trọng đã được Quốc hội phê duyệt, có tác động lan tỏa như các dự án mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ 14 đi qua Tây Nguyên…

Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Theo Tri Nhân

cucpth

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên