MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu xuất phát từ khu vực FDI?

Theo đánh giá của Bloomberg, tốc độ tăng trưởng kinh tế VN tăng cao vượt kỳ vọng trong 9 tháng năm 2014 phần lớn nhờ vào đóng góp của khu vực có vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.

Trước những lo ngại về nợ xấu, tăng trưởng tín dụng thấp và tái cơ cấu ngân hàng nhà nước còn chậm, cuối tháng 9 vừa qua, Ngân hàng phát triển Châu Á – ADB đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 5,5%. Đồng thời, trong một cuộc khảo sát, các chuyên gia kinh tế của Bloomberg cũng đưa ra dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ có thể đạt khoảng 5,4% trong 9 tháng năm 2014 do doanh nghiệp trong nước khó tiếp cận nguồn vốn vay.

Tuy nhiên, số liệu thống kê mới được công bố cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam Quý III năm 2014 tăng 6,19% so với cùng kỳ năm trước; tăng cao hơn so với con số dự báo 5,42% của Tổng cục thống kê trước đó. Tính từ đầu năm đến tháng 9/2014, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 5,62%; mức tăng trưởng vượt mọi dự báo.

Để đạt được kết quả tăng trưởng đáng ngưỡng mộ như trên, một phần nhờ vào nỗ lực giải quyết nợ xấu của các ngân hàng và thúc đẩy cho vay doanh nghiệp. Cùng với đó, ngân hàng trung ương thực hiện cắt giảm lãi suất và phá giá tiền Đồng.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho năm nay; mức tăng trưởng dưới 7% trong 7 năm liên tiếp - thời kỳ dài nhất kể từ những năm 1980 khi mà nền kinh tế bắt đầu mở cửa. Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cũng dự báo, mức tăng trưởng GDP 9 tháng của Việt Nam chỉ đạt ngưỡng 5,54% so với cùng kỳ năm trước.

Nhận định về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 9 tháng qua, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện kinh tế Việt Nam tại Hà Nội cho biết “Chính xuất khẩu, mà đặc biệt là xuất khẩu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã vực dậy tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong Quý III năm 2014. Thêm vào đó, sản xuất đang phục hồi, mặc dù còn hơi chậm bởi vì các công ty trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn. Chính phủ cần thực hiện nhiều động thái tích cực hơn nữa để vực dậy các doanh nghiệp trong nước”.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong 9 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 109,6 tỷ USD; tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực FDI đạt gần 73 tỷ USD; tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp hơn 66,6% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 107,1 tỷ USD; tăng 11,1% so với cùng kỳ 2013.

Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 9 tháng năm 2014 đạt 11,18 tỷ USD; vốn giải ngân đạt 8,9 tỷ USD; tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Ba đối tác đầu tư lớn nhất tại Việt Nam gồm Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản. Các nhà đầu tư lớn đa phần là các công ty công nghệ như Samsung, LG, Nokia, Intel … Hầu hết các nhà đầu tư này tìm địa điểm để thay thế Trung Quốc – “công xưởng thế giới” và đều đã xây dựng cơ sở sản xuất ở Việt Nam.

Đến cuối tháng 8/2014, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đạt 5,82%; thấp hơn so với mức tăng trưởng 6,44% cùng kỳ năm 2013 và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng kỳ vọng từ 12% – 14% năm nay. Theo ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam nhận định: "Tăng trưởng tín dụng thấp do các doanh nghiệp và ngân hàng thiếu niềm tin lẫu nhau".

Cùng với đó, Quỹ quản lý tiền tệ cho biết, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng tăng 4,17% tính đến cuối tháng 6/2014. Theo đánh giá của S&P, tỷ lệ nợ xấu tăng cao đột biến do sự thiếu nhất quán trong việc phân loại và chuẩn mực công bố của các ngân hàng.

Tính đến tháng 9/2014, chỉ số sản xuất công nghiệp Việt Nam ước đạt tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,4%; lĩnh vực dịch vụ tăng 6%. 

GDP cả nước tăng trưởng 5,62% sau 9 tháng, vượt các dự báo trước đó


Nguyệt Quế

huongtt

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên