MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng GDP năm 2014 có thể đạt 5,67%

Sáng ngày 12/12, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia phối hợp với Bộ KHĐT tổ chức hội thảo khoa học “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2014: Cộng hưởng hiệu ứng chính sách”.

Kinh tế 2013 - Phục hồi nhưng chưa rõ nét

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, kinh tế năm 2013 đã có những thành công đáng ghi nhận, nhưng dấu hiệu phục hồi còn chưa rõ nét và chưa chắc chắn, đòi hỏi chúng ta phải phân tích, đánh giá một cách chi tiết tác động và hiệu quả của các giải pháp, chính sách để có kiến nghị cụ thể và xác đáng cho công tác điều hành nói chung và hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng trong năm 2014.

Ths. Nguyễn Huy Hoàng thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằngnhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh đã bước đầu phát huy tác dụng, cộng hưởng với xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế, làm tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam. Đã có xu hướng dịch chuyển đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang các nước xung quanh trong đó có Việt Nam, nhằm tranh thủ hạ tầng, lao động và chính sách ưu đãi.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư các dự án lớn vào Việt Nam trong năm 2013, đặc biệt là nhóm các nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, các chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ và hạ tầng phục vụ công nghiệp nói chung vẫn còn kém cạnh tranh so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia...

Đối với bất động sản, tuy lượng tồn kho giảm nhiều từ giữa năm đến nay, nhưng lượng hàng còn rất lớn so với khả năng hấp thụ của thị trường. Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân của gói hỗ trợ 30.000 tỷ quá chậm, chưa thực sự giúp ích và tạo ‘cú hích’ cho cả người bán và người mua.

Theo số liệu mới nhất của NHNN, tính đến ngày 30/11, các các ngân hàng đã cho 1.256 khách hàng vay 1.562,1 tỷ đồng từ gói 30.000 tỷ. Trong đó đã giải ngân cho 1.236 khách hàng với tổng dư nợ 470,8 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,6% của gói 30 nghìn tỷ đồng).

Bên cạnh đó, các giải pháp về giải quyết hàng hóa tồn kho đã phát huy tác dụng, thể hiện ở số liệu hàng tồn kho giảm qua các tháng. Tuy nhiên, số giảm này một phần là do doanh nghiệp dừng hoặc giảm sản xuất hàng hóa mới, chứ chưa phải do thị trường được mở rộng và sức mua gia tăng.

Năm 2014 nhiều khả quan hơn

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra các dự báo và một số khuyến nghị cho điều hành kinh tế năm 2014. TS Đoàn Hồng Quang, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, trên cơ sở bình ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát đuợc kiềm chế, niềm tin của doanh nghiệp dần được khôi phục, chỉ số của các nhà quản lý mua sắm (PMI) tăng, những con số các doanh nghiệp mới hình thành… là những tín hiệu cho thấy năm 2014 nhiều khả quan hơn năm 2013.

Kịch bản tương đối khả thi được đưa ra là khi nền kinh tế giải quyết được những khó khăn, chính sách điều hành dần đi vào thực tế, những điểm nghẽn của nền kinh tế được giải quyết theo hướng tích cực, thì tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 có thể đạt 5,67%. Chỉ số CPI nhiều khả năng sẽ cao hơn năm 2013, đạt khoảng 7%; tăng trưởng GDP năm 2015 có thể đạt 6,03%, CPI khoảng 7,2%.

Cũng theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia,2014 là năm được cho là sẽ có luồng vốn FDI lớn hơn đổ vào Việt Nam, khi các đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng lại đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.

Lưu ý về việc tận dụng nguồn lựcFDI, theo GS.TSKH Nguyễn Mại, cần có thêm các mô hình công nghiệp hỗ trợ để tăng cường tác động lan tỏa từ hiệu quả đầu tư các DN FDI tới kinh tế Việt Nam. Khu vực DNNN có năng lực làm công nghiệp hỗ trợ nhưng những năm vừa qua khu vực này vẫn bị tách riêng, chưa được khai thác tốt.

Bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia nhấn mạnh, cần có những giải pháp hiệu quả hơn trong việc giải quyết hàng tồn kho nói chung, trong đó ưu tiên số 1là tồn kho bất động sản, nhằm giải tỏa được khoảng 100.000 tỷ đồng đang tồn đọng. Việc tháo gỡ tồn kho bất động sản sẽ tạo sức lan tỏa sang các ngành khác.

Các đại biểu cũng thống nhất về điểm chậm trễ cần phải khắc phục ngay là vấn đề tái cơ cấu DNNN. Với quy mô nguồn lực, sức ảnh hưởng đối với nền kinh tế, doanh DNNN tiếp tục đóng vai trò đầu tàu và định hướng trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng.

Những cơ hội và thách thức nêu trên đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các doanh nghiệp phải tự điều chỉnh mình, để đón nhận được cơ hội và đối mặt với các thách thức; đồng thời, các cơ quan chức năng phải có các giải pháp cấp thiết nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và phục hồi tăng trưởng.

Theo Huy Thắng

cucpth

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên