MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng thương mại Việt - Nhật giảm tốc mạnh: Hệ quả của cs giảm giá đồng Yên ?

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản tăng trưởng 4,5% so với năm 2012, trong khi các năm gần đây luôn duy trì mức tăng trên 20%. 1 năm qua, tỷ giá JPY/USD đã tăng đến 21,6%.

Nhật Bản luôn là thị trường thương mại quan trọng của Việt Nam, chiếm tỷ trọng lên đến 10% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với tất cả các thị trường trên thế giới.

Giai đoạn 2005 – 2012, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 17%/năm, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương tăng từ mức 8,5 tỷ USD (năm 2005) lên 21,2 tỷ USD (năm 2011).

Trong 2 năm trở lại đây thương mại song phương giữa Việt Nam – Nhật Bản đã tăng chậm lại. Cụ thể, năm 2012, thương mại 2 nước đạt 24,7 tỷ USD, tăng 16%, thấp hơn mức bình quân tăng trưởng của cả giai đoạn 2005-2011; năm 2013, thương mại 2 nước đạt 25,3 tỷ USD, tăng 2,4%.

Về xuất khẩu: Kim ngạch XK hàng Việt Nam sang Nhật Bản năm 2013 là 13,65 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2012. Các nhóm hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là: hàng dệt may đạt 2,38 tỷ USD, tăng 20,7%; dầu thô: 2,09 tỷ USD, giảm 16,4%; linh kiện ô tô đạt 1,77 tỷ USD, tăng 8,5%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng đạt 1,21 tỷ USD, giảm 1,4%.

Về nhập khẩu: Trị giá nhập khẩu hàng hoá từ Nhật Bản năm 2013 là 11,61 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 0,1% so với năm 2012. Nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng nhập khẩu là 2,96 tỷ USD, giảm 12,3%; máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện là 1,82 tỷ USD, tăng 7,4%; sắt thép các loại đạt 1,64 tỷ USD, tăng 5,9%; sản phẩm từ chất dẻo là 625 triệu USD, giảm 3,4%.

Xét về cả xuất khẩu và nhập khẩu, tốc độ tăng trưởng trong năm 2013 khá khiêm tốn so với những năm trước đó. Bởi về xuất khẩu, kim ngạch năm 2010 tăng 23%, năm 2011 tăng 40% và năm 2012 tăng 21%. Trong khi nhập khẩu năm 2010 tăng 20,7%, năm 2011 tăng 15,4% và năm 2012 tăng 11,6%.

Năm 2013, để khắc phục các khó khăn kinh tế, Nhật Bản vừa tiếp tục tung ra các gói kích thích lớn, vừa có chủ trương giảm giá đồng Yen Nhật (JPY). Điều này đã được dự báo có thể khiến xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản sẽ tăng chậm lại.

Trong vòng 1 năm qua, (1/1/2013 – 31/12/2013) tỷ giá JPY/USD đã tăng đến 21,6%, điều này đồng nghĩa các hợp đồng xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam nếu định theo JPY khi quy đổi sang USD, giá trị sẽ bị giảm. Như vậy, sự giảm giá đồng Yen  có thể xem là nguyên nhân chính/chủ yếu làm tăng trưởng thương mai song phương Việt Nhật giảm tốc khá mạnh trong năm 2013.

Q. Nguyễn


quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên