Tạo sức bật cho du lịch
Để du lịch tăng tốc, phải có lộ trình giải quyết dứt điểm những tồn tại, không thể hô hào suông, cũng không thể khỏa lấp các yếu kém bằng những biện pháp tinh thần kiểu lễ hội.
- 14-02-2016Hội nhập ASEAN tác động tích cực đến ngành du lịch Việt Nam
- 12-02-2016Du lịch Việt Nam phát huy thành quả từ “bệ phóng” 2015
- 08-02-2016Nỗ lực làm nổi bật thương hiệu du lịch Bình Định
Du lịch (tourism) bao gồm cả lữ hành (travel) và khách sạn - nhà hàng (hotel - restaurant). Lữ hành lại chia thành nội địa và quốc tế. Quốc tế bao gồm inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam) và outbound (khách Việt Nam ra nước ngoài và khách nước ngoài từ Việt Nam đến nước thứ ba).
Trong kinh tế, xuất khẩu là một “chuẩn” để đánh giá tiềm lực. Với du lịch, việc xếp hạng cũng dựa chủ yếu vào khách inbound, những người mang ngoại tệ vào cho đất nước. Do vậy, bài viết này tập trung bàn đến du lịch inbound.
Bạn bè tăng tốc, ta khựng lại
Năm 2015, du lịch nội địa và outbound của Việt Nam tăng trưởng rất tốt. Nội địa tăng hơn 15%, ước đạt 45 triệu khách. Outbound tăng hơn 20%, khoảng 6 triệu khách, có thị trường tăng trên 50%, như Nhật Bản. Ngược lại, du lịch inbound khựng lại, chỉ tăng gần 0,9%; chưa thể vượt mốc 8 triệu khách. Đây là mức tăng thấp nhất từ năm 2009. Biểu đồ tăng trưởng du lịch inbound đang tuột dốc thê thảm, bất trị như xe đứt thắng. Năm 2010 tăng 35%, 2011 giảm 19%, 2012 giảm 14%, 2013 giảm 11%, 2014 giảm 4%.
Nguyên nhân đa phần đổ cho kinh tế khó khăn, giá dầu sụt giảm. Tuy nhiên, khó khăn thì cả thế giới bị ảnh hưởng chứ đâu riêng Việt Nam. Thống kê năm 2015 cho thấy khách Nga giảm 7,1%, khách Trung Quốc giảm 8,5%, khách Campuchia giảm 43,8%. Khách đến Việt Nam tăng mạnh nhất là châu Phi với 44,3% (hầu hết là đi lẻ, khách “ba lô”), tiếp theo là Hàn Quốc 31,3% và Singapore 16,9%.
Trong khi Việt Nam chững lại thì các nước ASEAN vẫn tăng trưởng tốt. Lào đạt gần 4,3 triệu khách, tăng 5%; Campuchia cán mốc 5 triệu khách, tăng 11%; Singapore (chỉ lớn hơn đảo Phú Quốc chút ít) thu hút 17 triệu khách, tăng 14%. Thái Lan bị đánh bom khủng bố nhưng tăng trưởng với hơn 20%. Lần đầu tiên, Thái Lan đe dọa giành ngôi đầu của Malaysia với 29,6 triệu khách...
Nhật Bản dẫn đầu với mức tăng trưởng kỷ lục 47%. Cả thế giới gặp đủ thứ khó khăn nhưng du lịch vẫn tăng trưởng 4,4%. Cứ đà này, chừng 3 - 4 năm nữa, Campuchia, Lào và cả Myanmar sẽ qua mặt Việt Nam về thu hút du khách. Xét về hiệu quả đón khách du lịch trên dân số của ASEAN, Việt Nam hiện chỉ xếp trên Indonesia.
Trong khi du lịch inbound của Việt Nam năm 2015 tăng trưởng không đáng kể thì du lịch nội địa lại tăng trưởng rất tốt. Trong ảnh: Du khách tham quan đường hầm đất sét ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng Ảnh: Tấn Thạnh
Qua các cuộc thăm dò “bỏ túi” cả khách nội địa và quốc tế, có 3 lý do ngán ngại nhất khi du lịch ở Việt Nam. Đầu tiên là nạn ăn xin, bán hàng rong chèo kéo, móc túi, cướp giật, “chặt chém” và trấn lột. Tiếp theo là vệ sinh môi trường và vệ sinh thực phẩm. Thứ ba là giao thông hỗn loạn, kẹt xe, trạm thu phí dày đặc, nguy cơ tai nạn cao và mất quá nhiều thời gian trên xe.
Ngoài ra, tinh thần và thái độ phục vụ du khách kém, thủ tục rườm rà. Do đó, du lịch Việt Nam thua xa các nước ngay từ cửa khẩu, nơi được xem là bộ mặt quốc gia. Dịch vụ du lịch định giá tùy tiện, thường cao hơn nhiều nước. Sản phẩm du lịch trùng lắp, nghèo nàn… Có thể nói, du lịch Việt Nam thua “toàn tập”.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn: “Cản trở lớn nhất của du lịch Việt Nam là visa, visa và visa”. Tuy nhiên, nếu Việt Nam miễn visa cho toàn thế giới, lượng khách quốc tế đến Việt cũng chưa thể sánh với Singapore (17,1 triệu khách), chứ đừng mơ bằng Thái Lan hay Malaysia. Visa đi Mỹ rất khó và đắt, người Việt vẫn rồng rắn xếp hàng đăng ký. Các nước Kyrgyzstan, Dominica, Ecuador, Panama miễn visa cho hộ chiếu phổ thông Việt Nam nhưng có bao nhiêu người Việt đến đó du lịch.
Làm sao rút ngắn khoảng cách?
Năm 2016, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8,5 triệu khách quốc tế (gần bằng 1/2 lượng khách đến Singapore năm 2015), tăng khoảng 7% so với năm trước. Để đạt mục tiêu này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công bố “Chương trình Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc và đồng bằng sông Cửu Long” gồm 56 sự kiện.
Trong đó, chủ nhà Kiên Giang đảm trách 11 sự kiện, trung ương chủ trì 13 sự kiện, các địa phương khác phối hợp tổ chức 32 sự kiện. Nghe có vẻ hoành tráng và bài bản nên nhiều người tin là du lịch Việt Nam năm 2016 sẽ bứt phá. Tuy nhiên, những người trong ngành thì ngán ngẩm và hoài nghi về hiệu quả.
Việt Nam năm nào cũng có chương trình du lịch quốc gia. Năm 2015 là “Nối kết các di sản thế giới” (tên rất hay), tổ chức tại Thanh Hóa cũng rất tầm cỡ với 6 sự kiện do trung ương chủ trì, 5 sự kiện do Thanh Hóa đảm nhận và 21 sự kiện của các địa phương khác. Nỗ lực như thế mà du lịch inbound năm 2015 tăng trưởng chưa được 1%.
Không ít người nhận định chưa có lễ hội nào ở Việt Nam thật sự thành công về du lịch. Lễ hội nào cũng na ná nhau theo công thức: diễn văn khai mạc dài dòng và báo cáo lê thê + sân khấu hóa + một chút ẩm thực, một chút triển lãm và hội chợ, một ít ca nhạc… Nội dung và hình thức đều nghèo nàn, chỉ có kinh phí là “hoành tráng”. Ngày 9-4 mới khai mạc chương trình du lịch quốc gia, trong khi muốn đón khách nước ngoài, phải chào bán tour trước cả năm. Trên thế giới không có kiểu du lịch “đùng một phát”, nổi hứng là đi như nhiều người Việt.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến toàn xã hội. Để ngành này tăng tốc là bài toán khó. Với du lịch inbound Việt Nam, để rút ngắn khoảng cách với tốp đầu của ASEAN và không để tốp sau qua mặt lại càng khó. Đáp số và cả lời giải cho bài toán này đã có từ nhiều năm nay. Vấn đề là có quyết tâm “giải” hay không.
Thực tiễn đã chỉ rõ muốn du lịch phát triển và tăng tốc, phải có lộ trình giải quyết dứt điểm cụ thể các vấn nạn. Không thể hô hào suông hết năm này sang năm khác. Cũng không thể khỏa lấp các yếu kém bằng những biện pháp tinh thần kiểu lễ hội. Mỗi tỉnh chọn một vài việc, mỗi năm làm dứt điểm vài việc cụ thể thì chỉ cần vài năm là du lịch Việt Nam lột xác. Nhà vệ sinh là chuyện nhỏ mà cả chục năm hô hào vẫn chưa giải quyết xong thì đừng mơ tăng tốc.
Phải bắt đầu từ con người, từ cấp lãnh đạo cao nhất. Chế độ trách nhiệm chung chung, hết “đùn” lại “đẩy” và chưa có cơ chế giám sát hiệu quả công việc thì đừng mơ cất cánh. Du lịch như một cuộc đua quốc tế, thời gian vô định nhưng đích đến từng năm thì rõ ràng. Trong cuộc đua về du lịch, Việt Nam ngày càng đuối sức. Để không tụt hậu, cần phải thay đổi chiến thuật, thay đổi cả “huấn luyện viên” thì may ra mới rút ngắn khoảng cách với bạn bè.
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ:
Cần con người làm du lịch
Vừa rồi, tôi đi tham quan nhiều công trình kiến trúc, di sản ở phía Bắc như Thành nhà Hồ, Tràng An, Tam Cốc… và thấy dịch vụ ở những nơi này đã cải thiện so với trước. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông cũng thuận lợi, ngay cả ở những vùng tận cùng của Tổ quốc như Mũi Cà Mau, đường bộ đã thông thoáng chứ không còn “qua sông phải lụy đò” như trước. Trong khi đó, một số tỉnh, thành đã thành lập sở du lịch, không còn chung với văn hóa, thể thao. Vì thế, tôi kỳ vọng ngành du lịch năm nay sẽ khởi sắc, tăng trưởng cả khách nội địa lẫn khách quốc tế.
Tuy nhiên, điều cần thiết nhất lúc này là con người làm du lịch. Các hãng lữ hành phải nâng tầm để thích nghi trong bối cảnh mới, đồng thời nâng chất đội ngũ nhân viên. Các hãng lữ hành nên phát triển thêm nhiều tour, sản phẩm mới để phù hợp và thu hút cả khách nội địa và khách quốc tế. Lâu nay, các hãng lữ hành ít nghĩ tới du lịch vùng phên giậu, nay giao thông thuận tiện đến tận Mũi Cà Mau thì nên mở thêm tour đường bộ thay vì chỉ có đường thủy như trước đây để du khách có thêm sự chọn lựa.
Th.Phương ghi
Theo Nguyễn Văn Mỹ
Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam