TGĐ Vinalines: Bán tàu không là ưu đãi, VNA có đặc thù riêng?
Trước phương án được Vietnam Airlines đề ra với nhiều ưu đãi sau cổ phần hoá, Vinalines đã có những đánh giá khách quan.
- 01-07-2014Siết quản lý bay để doanh nghiệp mạnh lên
- 27-06-2014Cổ phần hóa Vietnam Airlines: "25% cổ phần bán ra thị trường là tương đối lớn"
- 27-06-2014TS Nguyễn Đình Cung: Vietnam Airlines làm sai lệch bản chất cổ phần hóa
CPH của VietnamAirlines là...ưu đãi kéo dài!
Trao đối với chúng tôi ngày 7/7, ông Lê Anh Sơn - TGĐ Công ty vận tải hàng hải VN - Vinalines bày tỏ quan điểm: "Tôi không rõ phương án CPH của VNA, nhưng theo tôi biết thì họ xin tiếp tục được bảo lãnh miễn phí để vay vốn. Đề xuất này nằm trong chiến lược của nhà nước, liên quan đến an ninh bầu trời, cho nên nó cũng hợp lý".
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho biết thêm: "Những phương án xin ưu đãi mà VNAđưa ra cũng là những ưu đãi trước khi chuyển đổi, như xin bảo lãnh miễn phí để vay vốn, trước kia đã được bảo lãnh rồi thì bây giờ xin bảo lãnh tiếp, bởi vì đã có những thỏa thuận với quỹ tín dụng nước ngoài. Hơn nữa, năng lực của VNA không đáp ứng được yêu cầu của nước ngoài khi xét cho vay vốn".
Theo quan điểm của ông Sơn thì những ưu đãi trong phương án CPH của VNA trước đây khi tiến hành CPH đã được chấp thuận, bây giờ chỉ là xin tiếp tục nhận ưu đãi.
Cụ thể, trong phương án CPH của VNA trình lên Bộ GTVT, thì nguồn tiền thu được sau phát hành cổ phiếu, hãng mong muốn được Chính phủ cho phép giữ lại toàn bộ làm cơ sở bổ sung thêm tiền để mua thêm máy bay. Theo chiến lược phát triển đội tàu bay đã được phê duyệt, trong 5 năm 2014-2018 sẽ cần trên 63.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đồng thời kiến nghị sau cổ phần hóa, công ty cổ phần vẫn tiếp tục được Chính phủ bảo lãnh miễn phí 100% vốn vay mua máy bay, bao gồm cả vay tín dụng xuất khẩu và vay thương mại.
Mặt khác, về cơ cấu vốn điều lệ, trong năm 2014 VNA sẽ phát hành cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược và các đối tượng khác là 25%. Sau cổ phần hóa, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước còn 75%. Trong giai đoạn 2, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ tiếp tục giảm nhưng không thấp hơn 65%.
Bán tàu không phải là ưu đãi của nhà nước!
Trước đó, Vinalines cũng kiến nghị loại 5 con tàu (gồm Vinalines Global, Vinalines Ocean, Vinalines Sky, Vinalines Trader và Vinalines Ruby) khỏi danh mục tài sản xác định giá trị doanh nghiệp. Ngoài ra, Vinalines cũng xin loại chi phí xây dựng cơ bản dở dang của 4 tàu đang đóng gồm một tàu 1.800 TEU và các tàu Liberty, Victory và Mercy.
Thế nhưng, theo phân tích của ông Sơn thì bán tàu không phải là một ưu đãi của nhà nước, mà bán tàu là một hoạt động dân sự, một hoạt động kinh doanh bình thường của DN,nó không bao hàm bất cứ một cơ chế ưu đãi, một cơ chế bao cấp, một chế tài đặc biệt nào của nhà nước.
Ông Sơn cũng phân tích rõ: "Một DN tư nhân bình thường khi đưa ra một sản phẩm lỗi thời không phù hợp với thị trường, chắc chắn sẽ thua lỗ, lúc đó thì phải thu hồi, xử lý và chịu tổn thất đó, bất cứ DN tư nhân nào cũng thế. Hoặc là một DN tư nhân đã đưa những tài sản, công trình máy móc vào hoạt động không hiệu quả thì buộc phải thanh lý đi để cắt lỗ và Vinalines cũng như vậy".
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra khó khăn hiện nay, đối với DN tư nhân là họ có quyền tự quyết, bởi vì tiền của họ. Còn Vinalines là tiền của nhà nước, nên phải xin nhà nước, chứ không có gì là ưu đãi.
Ông cho hay: "Bởi vì, cái lỗ chúng tôi vẫn phải tự gánh vác và cái nợ ban tổ chức tín dụng nếu còn thì chúng tôi phải trả, chỉ khác ở chỗ phải đi xin. Bởi vì vốn của chúng tôi là hoàn toàn 100% của nhà nước, vì vậy phải xin các cơ quan quản lý chứ chúng tôi không được toàn quyền quyết định".
Chính vì vậy, ông Sơn khẳng định: "Chuyện bán tàu không phải là một sự ưu đãi, hay là một sự bảo hộ, hay một sự nhà nước có chính sách đặc biệt đối với Vinalines khi bán tàu, hoàn toàn không phải mà đó là hoạt động bình thường, lỗ thì xử lý tài sản để cắt lỗ. Khi nào không hiệu quả, đương nhiên phải xin báo cáo, thua lỗ thì chuyện đó có nhiều nguyên nhân khác nhau, thực chất về thị trường vận tảibiển đang ở mức thấp kỷ lục".
Còn theo chia sẻ của ông Sơn thì về phía Vinalines, công ty vẫn sẽ cố gắng đẩy nhanh quá trình CPH để hoàn thành mục tiêu và kế hoạch đúng thời gian đề ra.
>>>CPH Vietnam Airlines: Có thể đặt giả thiết "phân chia quyền lợi"!
Theo Thanh Huyền