Thả lỏng FDI: 'Có trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ'
"Phải thẳng thắn nhìn nhận đây là trách nhiệm của bộ máy, trước hết là Chính phủ, sau đó là vai trò giám sát của Quốc hội".
- 18-08-2014Chuyên gia Bùi Trinh: Nuông chiều FDI sẽ có ngày phải trả giá!
- 16-08-2014Doanh nghiệp FDI chuyển giá vì đâu?
- 12-08-2014Doanh nghiệp FDI phải mở tài khoản tại một ngân hàng được phép
- 12-08-201412 năm không bình thường của Metro Việt Nam
- 12-08-2014GS Trần Văn Thọ: Chiến lược FDI có giúp Việt Nam cất cánh?
Ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội bình luận về việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đều báo lỗ, không đóng thuế, thậm chí bỏ trốn.
Thả lỏng, thiếu giám sát
PV: -Thưa ông, gần đây liên tiếp có những thông tin về DN có vốn đầu tư nước ngoài bỏ trốn. Trong năm 2013, báo cáo của Bộ KHĐT cho thấy các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bỏ trốn trên cả nước đã lên tới con số 500. Ông bình luận gì về điều này?
Ông Mai Xuân Hùng: - Đúng là có tình trạng các doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam về rồi cơ quan quản lý mới vỡ lẽ. Cũng có trường hợp chỉ tạo điều kiện mời các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư nhưng không ai quan tâm họ có sản xuất hay không. Đến khi vỡ lở chuyện công nhân không có lương, không được đóng bảo hiểm thì mới đi truy xét. Kết quả là ông chủ đã rời đi từ khi nào không ai hay biết.
Rõ ràng điều này thể hiện việc cả cơ quan quản lý địa phương và cấp cao hơn quan tâm, giám sát chưa hết trách nhiệm, nếu không muốn nói là thả lỏng.
Thực tế này cho thấy chúng ta cần một bộ máy giám sát chặt chẽ hơn.
PV: - Không chỉ bỏ trốn, con số DN FDI trốn thuế, chuyển giá cũng đáng báo động. Tổng cục Thuế đã chỉ rõ khi thanh tra tại 870 DN FDI có tới 720 DN vi phạm trốn thuế, hoặc kêu lỗ không đóng thuế. Trong khi đó các DN này đang được nhận ưu đãi lớn (giảm thuế, đất đai, nhà xưởng, tín dụng…) tạo sân chơi bất công bằng khiến các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ không thể cạnh tranh được đã dẫn đến phá sản hoặc chết lâm sàng. Xét cả hai chiều hướng DN FDI và các DN trong nước đều dẫn đến kết luận kéo giảm nền kinh tế, ông có nhận xét gì về tình trạng lạ lùng này?
Ông Mai Xuân Hùng: - Tôi cho rằng cần phải xem lại đối với những ứng xử khi thu hút các doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Từ Quốc hội khóa 12, vấn đề này đã được đề cập nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa có chuyển biến.
Nhìn lại có thể thấy, trong giai đoạn đầu khi chúng ta mới mở cửa, việc thu hút nguồn vốn nước ngoài (FDI) với những ưu đãi, trải thảm đỏ là cần thiết. Các chính sách lúc đó được mở tối đa để thu hút nguồn vốn nước ngoài vào phục vụ cho nền kinh tế.
Lý do là vì khi đó chúng ta xuất phát từ một nền kinh tế từ quan liêu bao cấp, vừa trải qua khó khăn nên gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên khoảng gần 10 năm trở lại đây, chúng ta vẫn áp nguyên chính sách ưu đãi hút nguồn vốn FDI bằng mọi giá. Lẽ ra đây phải là vấn đề cần bàn lại.
Vì sao như vậy? Tôi xin đưa ra những minh chứng để thấy cần có cái nhìn khách quan hơn.
Chúng ta vẫn kỳ vọng FDI sẽ làm thay đổi tư duy, lan tỏa phong cách làm việc công nghiệp cho người Việt Nam cũng như các nhà đầu tư vào làm ăn có lợi nhuận mang lại hiệu quả giúp nền kinh tế Việt Nam chuyển mình. Ngoài ra, FDI sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam trưởng thành lên.
Thực tế thì sao? Chỉ nhìn vào con số thống kê chung cách đây 20 năm khi nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ thấy chúng ta đã dành nguồn lực cho khu vực này rất lớn, song kết quả mang lại từ đây lại không đáng là bao.
Nếu nói FDI đã giải quyết vấn đề lao động, công nghệ… thì cũng chỉ ở dưới mức độ trung bình.Thu nhập không đạt được yêu cầu, người lao động vẫn nghèo khó và được trả với nhân công rẻ mạt.
Việc thu hút công nghệ tiên tiến cũng không thấy đâu. Những máy móc được đưa vào Việt Nam chủ yếu là máy móc cũ, hàng tồn kho lạc hậu.
Chúng ta thấy rõ số lượng doanh nghiệp FDI vào Việt Nam ngày một tăng nhưng tỉ lệ doanh nghiệp có đóng thuế và mang lại hiệu quả thực cho nền kinh tế trong nước lại rất ít.
Những doanh nghiệp lớn như Coca Cola hay như Metro, một người dân bình thường cũng nhìn thấy họ lớn mạnh từng ngày. Vậy mà bao nhiêu năm họ không đóng thuế với lý do làm ăn thua lỗ. Điều này thật đáng ngạc nhiên.
Những năm đầu các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chúng ta còn giữ được 30% vốn là các DN nước ngoài còn 70% là của Việt Nam. Nhưng càng về sau thì có tới hơn 90% DN nước ngoài vào Việt Nam với vốn đầu tư 100%. Lúc đó họ đóng cửa tự làm trong khuôn đất của mình. Họ chỉ thuê người lao động Việt Nam và khai thác chính nguồn lực, tài nguyên của Việt Nam. Thậm chí họ làm gì các cơ quan chức năng kiểm tra kiểm soát cũng không biết.
Trong khi chính sách cũng có những kẽ hở để các doanh nghiệp này lợi dụng. Họ bắt đầu tìm cách tự nhập công nghệ phụ trợ ở nước bản địa hoặc của Trung Quốc chứ cũng không làm tại Việt Nam. Từ đây vấn đề chuyển giá xuất hiện.
Đã từng có câu chuyện một doanh nghiệp nói là đầu tư vào Việt Nam trên 1 tỉ USD. Thế nhưng sau khi xem toàn bộ hồ sơ thì chỉ thấy họ chuyển vào Việt Nam chỉ có trên 100 triệu USD. Khi xong dự án thì lại chuyển tới trên 1 tỉ USD ra ngoài.
Như vậy có thể thấy tiền đưa vào đầu tư thật ở Việt Nam là rất ít. Thậm chí các doanh nghiệp nước ngoài còn được vay ưu đãi từ chính nguồn tín dụng nội địa cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.
Các ngân hàng nước ngoài có mặt ở Việt Nam cũng chủ yếu là để cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước không có chỗ đứng.
Như vậy, tiền, nguồn lực, con người đều của chúng ta nhưng khi các doanh nghiệp nước ngoài có lãi có điều kiện tìm cách che giấu, không nộp thuế và tìm cách chuyển tiền về nước thông qua chuyển giá.
Người tiêu dùng tỏ ra ngạc nhiên khi Coca Cola báo nhiều năm hoạt động ở Việt Nam bị thua lỗ trong khi gần như nhà nhà uống Coca Cola |
PV: - Điều đó đã quá rõ ràng nhưng trên thực tế chúng ta vẫn đang dành quá nhiều ưu đãi cho DN FDI, và điển hình là câu chuyện của Formosa hay Bersa gần đây. Ông có cho rằng làn sóng “hớt váng” rồi rút êm sẽ diễn ra trong thời gian tới và bài học từ Thái Lan năm 1997 là một ví dụ?
Ông Mai Xuân Hùng: - Tôi muốn nhắc một lần nữa là vấn đề cần nhìn nhận lại việc ứng xử với các doanh nghiệp FDI. Hiện nay việc ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang diễn ra.
Việc các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đến một lúc nào đó sẽ rời bỏ thị trường Việt Nam cũng là một dự báo. Nếu như chúng ta cứ ưu đãi và thả lỏng quá khiến các nhà đầu tư chen chân vào rồi cạnh tranh lẫn nhau làm phá hỏng thị trường thì đến một lúc họ cũng phải tìm cách rời bỏ.
Bản thân các doanh nghiệp nước ngoài vốn đã chèn ép doanh nghiệp trong nước nếu chúng ta không có quy hoạch đúng để đảm bảo thị trường phát triển và cạnh tranh không lành mạnh thì ngay cả các FDI cũng cạnh tranh nhau.
Thêm nữa khi chúng ta ưu đãi quá nhiều họ vào đầu tư mà không phải nộp thuế, chỉ việc tính lãi rồi mang về nước thì đến một lúc nào đó họ sẽ tính đến chuyện tìm kiếm một nước có thể đầu tư lớn hơn, ở những khu vực có thể phát triển lợi nhuận hơn. Khi đó những ông chủ lớn tìm cách đi vì đã kiếm đủ, còn ông chủ nhỏ thì bị cạnh tranh khốc liệt cũng tìm cách tháo lui. Khi đó nền kinh tế của chúng ta sẽ phải trả giá.
Phải nhìn nhận vấn đề trách nhiệm
PV: - Những phân tích của ông đã thấy rõ những mặt trái của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được bộc lộ trong thời gian khá dài. Theo ông trách nhiệm thuộc về ai khi để tình trạng này xảy ra?
Ông Mai Xuân Hùng: - Phải thẳng thắn nhìn nhận đây là trách nhiệm của bộ máy. Trách nhiệm chính vẫn thuộc về Chính phủ trong việc điều hành nền kinh tế, song cũng phải thấy cả vai trò giám sát của Quốc hội còn kém.
Hệ lụy của sự nơi lỏng thiếu kiểm soát, kiểm tra, giám sát đã mang lại khó khăn cho nền kinh tế. Nếu chúng ta không lập lại trật tự, mở ra sân chơi bình đẳng cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI thì khó khăn sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Hệ lụy suy thoái kinh tế trong 5 năm vừa qua thấy xuất khẩu của DN FDI lớn hơn rất nhiều. Trong năm 2014 xuất khẩu của FDI tới 70% mà cái chúng ta nhận được không đáng là bao. Các doanh nghiệp này vẫn báo là không có lãi tức là tiền lãi đã được chuyển ra nước ngoài trước đó hết rồi. Nguồn lực của chúng ta thì hết trong khi ưu tiên phục vụ cho xuất khẩu thì chính là đang làm giàu cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Nền kinh tế của ta có thể thấy GDP tăng trưởng rất nhanh. Nếu như cách đây 10 năm GDP chưa được 1 triệu tỉ thì đến năm 2013 là 3,7 triệu tỉ và dự kiến 2014 ước khoảng hơn 4 triệu tỉ. Thế nhưng trong số này phần GDP do DN nước ngoài đóng góp số liệu rất lớn nhưng cái thực chất lợi nhuận lại được họ gánh về nước. Như vậy rõ ràng báo động nếu cứ thế này thì thu nhập của người Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình không lối thoát.
PV: - Vậy theo ông vấn đề trách nhiệm có nên xác định rõ hơn đối với công tác quản lý, điều hành và giám sát khối doanh nghiệp FDI trong thời gian tới?
Ông Mai Xuân Hùng: - Tôi cho rằng thời gian tới cả về phía Quốc hội cũng cần giám sát chặt chẽ, Chính phủ kiểm tra kỹ lưỡng và lựa chọn các nhà đầu tư vào theo đúng lộ trình, có sự chọn lọc.
Về trách nhiệm cũng cần làm rõ để thấy ai còn thiếu cái gì phải bổ sung. Nếu văn bản pháp luật còn thiếu thì trách nhiệm thuộc về Quốc hội. Còn những vấn đề nào thuộc về Chính phủ thì cũng phải thấy rõ trách nhiệm đó. Cần rút ra bài học về việc quản lý khu vực kinh tế này trong thời gian qua.
Từ các địa phương thu hút đầu tư nước ngoài đến các bộ, Chính phủ và Quốc hội, tôi cho rằng ở các vai của mình cần phải có tổng kết để nhìn nhận lại sau 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài và những vấn đề đặt ra trong thời gian tới phù hợp với quá trình hội nhập cũng như đường lối phát triển kinh tế trong nước.
Hiện Quốc hội đang hoàn chỉnh Luật đầu tư với nhiều sửa đổi quy định chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam cũng như tạo điều kiện hơn đối với doanh nghiệp trong nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
>>>Doanh nghiệp FDI bỏ trốn: Việt Nam đã ứng xử "sai"?
Theo Bích Ngọc